Thăm làng gốm Bầu Trúc của Ninh Thuận

Bàu Trúc - làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo.

Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 15km, là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo.

Khác với những làng nghề truyền thống, cổ xưa khác, làng gốm Bàu Trúc rất khang trang và hiện đại. Những con đường làng được trải nhựa bê tông, những căn nhà mái ngói đỏ tươi, những cửa hàng và cơ sở sản xuất luôn rộn ràng khách thập phương ra vào.

Làng gốm Bàu Trúc có hơn 400 hộ, hầu hết là đồng bào dân tộc Chăm, trong đó hơn 85% hộ làm nghề gốm truyền thống. Nghề làm gốm ở đây đã có từ rất lâu đời. Bàu Trúc có tên gốc Chăm là Paley HamuTrok, nghĩa là “làng trũng”, nhô ra cuối triền sông. Nghề làm gốm do ông Pôklông Chanh khởi tạo từ ngàn xưa, ông là một trong những vị tổ sư của nghề gốm từ thời xa xưa và được dân làng giữ gìn nghề đến ngày nay.

Để làm gốm, người dân Bàu Trúc khai thác đất sét ở cánh đồng Hamu Craok và ra bờ sông Quao lấy cát vàng. Theo nhiều người, cát vàng sông Quao có nhiểu đặc điểm ưu việt mà không có loại cát nào sánh bằng, là được hình thành từ phù sa của con sông miền Trung nầy. Đó là loại cát vừa mịn vừa nhỏ như những hạt bột tinh tuyền. Còn đất sét đồng Hamu Craok thì thật dẻo. Đất sét được đập thật nhuyễn, ngâm nước, trùm ủ suốt một đêm, sau đó trộn với cát, tùy theo sản phẩm thực hiện. Dưới bàn tay điêu luyện nhiểu chục năm trong nghề, người thợ để cục đất sét trên trụ cây cao ngang thắt lưng, nắn đất thành từng vật dụng theo ý muốn.

Nét duyên nữa của gốm Bàu Trúc nằm trong kỹ thuật chế tác. Để định dạng gốm, thay vì dùng bàn xoay, thợ gốm Bàu Trúc dùng hòn kê. Người thợ đi vòng quanh hòn kê để tạo dáng gốm, đồng thời sử dụng bàn dập vỗ cho thành gốm thêm chắc... Lao động thủ công vất vả, năng suất thấp nhưng lại tạo hình đẹp cho ra sản phẩm gốm độc đáo, không sản phẩm nào giống hệt sản phẩm nào. Bằng kỹ thuật thủ công hoàn toàn, gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm "ấm bàn tay con người" nhất, với đặc trưng riêng, đậm nét văn hóa Chăm, không lẫn với gốm nơi khác.

Ngày xưa các sản phẩm làm ra từ gốm Bầu Trúc đều phục vụ cho đời sống tinh thần tôn giáo của người Chăm như các vật dụng dùng trong các đám tang, đám cưới…và một số ít vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường ngày như nồi (gaok), niêu (klait), lu (blu…) và một số vật dụng phục vụ cho ẩm thực còn tồn tại cho đến ngày hôm nay như khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, niêu nấu cơm phổ biến ở Đà Lạt.

Ngày nay, gốm Chăm đã có sự cách điệu từ hình mẫu đến họa tiết trang trí, các sản phẩm làm ra đều có xu hướng làm vật trưng bày trong nhà ở, khách sạn, nhà hàng cao cấp như: lọ hoa, bình nước, đèn ngủ, đèn trang trí, các hình tượng văn hóa Champa… được sử dụng trong trang trí nghệ thuật và trở thành những sản phẩm nổi tiếng được tiêu thụ trong nước và quốc tế, đồng thời là sản phẩm lưu niệm cho du khách tham quan.

TH (Depplus.vn/MASK)

Nguồn ĐẹpPlus: http://depplus.vn/tin-tuc/28-12-2013/tham-lang-gom-bau-truc-cua-ninh-thuan/31/8744/