Thảm kịch Johannesburg: Đâu là nguyên nhân?

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại một tòa nhà 5 tầng ở Johannesburg khiến ít nhất 76 người thiệt mạng. Cuộc khủng hoảng nhà ở tại thành phố là trung tâm kinh tế của Nam Phi khiến người nghèo phải cư ngụ tại những tòa nhà không bảo đảm điều kiện an toàn.

Một thảm kịch nghiêm trọng

Một ngày sau khi hỏa hoạn bùng phát hôm 31-8, các lực lượng cứu hộ đã hoàn tất kiểm tra tòa nhà 5 tầng nơi xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, xác định tìm thấy toàn bộ thi thể những người thiệt mạng. Lực lượng cảnh sát và điều tra pháp y cũng đã có mặt tại hiện trường để thực hiện công tác khám nghiệm.

Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết, 2 người đã tử vong trong bệnh viện, nâng số người thiệt mạng lên ít nhất 76 trường hợp, trong đó có ít nhất 12 trẻ em. Giới chức y tế tỉnh Gauteng cũng thông báo, số người bị thương đã tăng lên 88 trường hợp.

Con số thương vong lớn khiến thảm kịch tại Johannesburg được đánh giá là một trong những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận tại Nam Phi.

Nhà chức tránh chưa thể xác định danh tính nhiều nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy ở thành phố Johannesburg. Ảnh: Getty Images

Sở Y tế tỉnh Gauteng cho biết, 62 thi thể không thể nhận dạng, kể cả đối với người thân. Do đó, đội ngũ pháp y cần áp dụng công nghệ phân tích DNA để tìm ra danh tính chính thức của những người thiệt mạng.

Theo giới chức Johannesburg, nhiều nạn nhân trong vụ hỏa hoạn được cho là người nước ngoài và có thể đang cư trú bất hợp pháp ở Nam Phi, khiến quá trình nhận dạng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, truyền thông địa phương cho biết, ít nhất 20 người thiệt mạng đến từ Malawi, quốc gia ở miền Nam châu Phi. Cao ủy Tanzania tại Nam Phi cũng xác nhận, ít nhất 5 nạn nhân là công dân quốc gia này.

Thiếu an toàn

Theo AP, ngọn lửa đã tàn phá tòa nhà 5 tầng thuộc sở hữu của Johannesburg. Địa điểm bị bỏ hoang nhiều năm trở thành nơi cư ngụ của những người nghèo thuộc ít nhất 200 gia đình. Chính quyền thành phố thừa nhận đã nắm được những vấn đề tại tòa nhà này ít nhất từ năm 2019.

Cũng theo giới chức Johannesburg, nhiều người mắc kẹt bên trong tòa nhà vì cổng an ninh đã bị khóa và không có lối thoát hiểm thích hợp. Nhiều thi thể được tìm thấy chồng lên nhau gần một cánh cổng bị khóa, nơi các nạn nhân bị mắc kẹt.

Những người khác cố gắng thoát hiểm thông qua cửa sổ nhưng tử vong do nhảy từ độ cao. Những sợi dây làm từ chăn và ga trải giường vẫn treo ngoài cửa sổ đã cho thấy sự tuyệt vọng của các nạn nhân khi tìm đường thoát thân.

Cột khói bốc lên từ tòa nhà xảy ra vụ hỏa hoạn khiến ít nhất 76 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters

Hiện nhà chức trách vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn. Tuy nhiên, lửa được cho là phát ra từ tầng một của tòa nhà vốn được chia thành nhiều phòng nhỏ với các vật liệu dễ cháy như bìa cứng, tấm ngăn cách không gian sinh sống, cùng hệ thống cáp điện lộ thiên ngay trên trần khiến tòa nhà này không bảo đảm yếu tố an toàn về điện.

Những yếu tố kể trên khiến người nghèo sinh sống trong các địa điểm tương tự ở Johannesburg thường không được tiếp cận nguồn điện ổn định, buộc họ phải sử dụng nến, nhóm lửa hoặc thậm chí kết nối tạm thời với lưới điện. Tất cả đều tạo thành một cái bẫy chết người, khiến hỏa hoạn chỉ chực chờ bùng phát.

Cuộc khủng hoảng nhà ở

Sau thảm kịch, sự chú ý chuyển sang vấn đề trách nhiệm thuộc về bên nào. Cảnh sát đã mở một cuộc điều tra hình sự, mặc dù chưa rõ những người có thể phải đối mặt với các cáo buộc vì không có cơ quan chính thức nào quản lý tòa nhà. Quốc hội Nam Phi cũng đã kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra rộng hơn.

Khi đến thăm hiện trường vụ hỏa hoạn, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhận định, thảm kịch xảy ra một phần do các phần tử tội phạm đã chiếm giữ trái phép tòa nhà và thu tiền của những người cần có nơi ở trong nội thành. “Bài học đối với chúng tôi là phải loại bỏ tận gốc những phần tử tội phạm này”, ông Cyril Ramaphosa khẳng định.

Người nghèo phải sinh sống tại nhiều tòa nhà không bảo đảm an toàn ở Johannesburg. Ảnh: New York Times

Tuyên bố của ông Cyril Ramaphosa nhận được nhiều sự đồng tình, cho rằng đã đến lúc phải giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở tại Johannesburg, nơi phổ biến tình trạng người nghèo phải sinh sống trong những tòa nhà đổ nát.

Sau khi chế độ phân biệt chủng tộc sụp đổ vào những năm 1990, tiến tới chấm dứt những hạn chế về nơi người da đen có thể sinh sống hợp pháp ở Nam Phi, nhiều người đã chuyển đến các thành phố nhằm tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên, số lượng nhà ở giá rẻ không đủ để có thể áp ứng nhu cầu.

Cùng lúc đó, nhiều chủ sở hữu bắt đầu bỏ hoang các tòa nhà ở Johannesburg, trước khi những địa điểm này trở thành lựa chọn cư ngụ của người nghèo. Hiện tại, thành phố này có hơn 600 tòa nhà bỏ hoang đang bị chiếm dụng bất hợp pháp, trong đó có 30 công trình thuộc sở hữu của chính quyền. Trong bối cảnh đó, Johannesburg vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực giải quyết, một phần vì nghĩa vụ pháp lý yêu cầu thực hiện tái định cư cho những người bị trục xuất.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tham-kich-johannesburg-dau-la-nguyen-nhan-639875.html