Thẩm định dự án là trách nhiệm pháp lý của cơ quan chuyên môn

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, việc ủy quyền thẩm định dự án không thể biện minh bằng các nhu cầu cấp bách về tiến độ hay điều kiện khác, bởi đó là trách nhiệm pháp lý của cơ quan chuyên môn.

Thời gian gần đây, các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đề nghị Chính phủ và một số bộ chuyên ngành cho phép được tự thẩm định các dự án mang tính đặc thù, dự án do các thành phố là chủ đầu tư. Việc ủy quyền này không nằm trong Luật Xây dựng (2014) và Nghị định hướng dẫn (NĐ59). Vậy thì, dựa trên cơ sở nào để Chính phủ, các bộ chuyên ngành có thể cho phép những đề xuất này được thực hiện, thưa ông?

- Nói đến dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước là nói đến đầu tư công, tức về mặt pháp lý thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư công, trong đó có các quy định rõ ràng về thẩm quyền quyết định từ chủ chương đầu tư đến quyết định thực hiện các chương trình và dự án đầu tư cụ thể. Tùy thuộc vào tính chất, quy mô vốn, phạm vi tác động của dự án đầu tư mà xác định thẩm quyền quyết định hay phê chuẩn, phê duyệt từ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng và HĐND, UBND địa phương.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng cũng quy định chi tiết về thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trong việc quyết định phê duyệt cũng như thẩm định về kỹ thuật các dự án đầu tư công, từ dự án trọng điểm quốc gia đến các dự án Nhóm A, B và C. Ngoài ra, các luật chuyên ngành nhất định cũng có quy định bổ sung về thẩm quyền tham gia quyết định, thẩm định dự án đầu tư nói chung.

Như vậy, về nguyên tắc, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương buộc phải thực thi nhiệm vụ theo đúng chức năng và thẩm quyền của mình phù hợp với Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và không thể có câu chuyện cơ quan này, Bộ này lại ủy quyền cho cơ quan kia hay Bộ kia thực hiện thay nhiệm vụ của mình.

Việc ủy quyền thẩm định dự án diễn ra trên thực tế, nếu có, không thể được biện minh bằng các nhu cầu cấp bách về tiến độ hay điều kiện về năng lực và trình độ, bởi suy cho cùng, đó là trách nhiệm pháp lý. Công việc luôn luôn có thể giao cho ai đó thực hiện, nhưng việc quy trách nhiệm pháp lý thì phải tuân theo các quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập.

Khi các Bộ chuyên ngành phải thực hiện ủy quyền thẩm định dự án cho các thành phố, mà dự án có sai sót, thì có thể quy trách nhiệm các bộ được không, bởi về nguyên tắc và theo luật thì đã xuất hiện câu chuyện các Bộ chuyên ngành buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ trong tình huống này?

- Mọi trường hợp ủy quyền phải được hiểu một cách rành mạch là người thực hiện công việc chỉ là làm thay, làm hộ người khác, còn người ủy quyền vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hậu quả xảy ra.

Nếu việc ủy quyền liên quan đến thẩm quyền quản lý hành chính được hợp thức bằng một văn bản pháp quy thì bản thân văn bản đó sẽ có vấn đề pháp lý, tức cần xem xét tính hợp pháp và hiệu lực của văn bản.

Trên thực tế, chúng ta cần thận trọng với các văn bản kiểu này bởi động cơ thực sự của nó chính là một hình thức lách luật đi kèm với xóa nhòa hay thoái thác trách nhiệm pháp lý đối với các cá nhân cụ thể.

Chẳng hạn, cơ quan cấp trên ban hành văn bản ủy quyền về thẩm quyền chung cho cơ quan cấp dưới trong một lĩnh vực cụ thể thì việc quy kết trách nhiệm của cơ quan cấp trên sẽ rất khó bởi vướng về thủ tục và cái gọi là sai sót tập thể. Cho nên, tôi không cho rằng xu hướng ủy quyền về thẩm quyền đang diễn ra trong lĩnh vực thẩm định dự án nên được hợp thức hay khuyến khích thực hiện.

Theo ông, cách nào để vừa đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình vừa đảm bảo cho các thành phố chủ động hơn đối với các dự án nằm trên địa bàn thành phố quản lý? Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng xin ủy quyền và cho phép thí điểm ủy quyền, thì giải pháp căn cơ ở đây sẽ là gì, thưa ông?

- Nếu coi tiến độ và chất lượng các công trình phụ thuộc vào khâu thẩm định thì vấn đề là cần tăng cường năng lực quản trị và chuyên môn của các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, cần hiểu rằng một khi pháp luật quy định về thẩm quyền thẩm định dự án của các cơ quan nhà nước thì đó chủ yếu là phân định trách nhiệm pháp lý chứ không phải đặt ra các yêu cầu cụ thể về năng lực chuyên môn. Năng lực chuyên môn hay kỹ thuật luôn luôn có thể huy động được từ xã hội, và đó là một cơ chế được pháp luật cho phép.

Ngược lại, nếu thấy xu hướng ủy quyền đang được ưa dùng ở khắp các cơ quan và lĩnh vực thì vấn đề là cần xem xét lại các quy định của pháp luật, tức các nội dung liên quan đến phân công, phấn cấp về thẩm quyền. Trong trường hợp đang có mâu thuẫn giữa quy định của văn bản pháp luật và nhu cầu thực tiễn thì giải pháp căn cơ và chính đáng là sửa đổi các quy định liên quan của khung pháp luật hiện hành.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Nga (thực hiện)

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/tham-dinh-du-an-la-trach-nhiem-phap-ly-cua-co-quan-chuyen-mon.html