Thâm cung bí sử (116 - 1): Kỷ niệm cá rô đồng

Tôi đi chợ, mua một mớ cá rô đồng để về làm món cá rô đốt muối. Món này muốn ngon nhất định phải là cá rô đồng, không phải cá rô nuôi. Rô đồng lưng đen, bụng vàng mỡ. Phải là con rô đồng, ăn hoa lúa rơi xuống và hạt thóc chín mới có bụng vàng mỡ như thế.

Cá rô nuôi bằng thức ăn của cá tra không có màu vàng đó và ăn không ngon, thịt không chắc, không thơm, không béo ngậy. Rô đồng loại to bằng hai ngón tay, còn tươi nguyên, mua về rửa sạch, không đánh vảy, không mổ bụng để không bị mất máu cá. Đổ một lớp muối trắng dày xuống đáy cái chảo gang, đổ cá vào rồi đổ thêm một lớp muối nữa lên trên cùng, đậy vung lại, quạt bếp than, để nhỏ lửa và đốt suốt đêm. Rô đồng đốt muối ăn rất tốn cơm, vì ngon lắm. Làm món rô đồng đốt muối thỉnh thoảng phải dậy kiểm tra lửa. Lửa to quá là hỏng và lửa nhỏ quá cũng hỏng. Thỉnh thoảng phải dậy như thế nên rất khó ngủ lại. Tôi pha ấm trà đặc, ngồi uống một mình và bỗng dưng lại nhớ thầy Kỉnh.

Thầy Kỉnh nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS một xã thuộc huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Ngày còn công tác ở Bắc Giang, cứ thứ Bảy và Chủ nhật là tôi lại đến thăm thầy Kỉnh, nói đúng hơn là đến học thầy bắt cá rô đồng. Thầy Kỉnh rất sát cá, nhất là rô đồng. Nhìn mặt nước thầy biết ở đó có rô đồng hay không và có nhiều hay ít. Có lần thầy chỉ một ruộng lúa nước và bảo tôi: “Đám ruộng này có khoảng 70 con cá rô”. Hôm đó chúng tôi đặt rọ rô bắt được 39 con. Hôm sau chúng tôi bắt được 33 con rô. Hôm thứ ba tôi vẫn đặt rọ rô ở đám ruộng ấy nhưng không được con nào. Thầy Kỉnh nói: “Hết rồi. Chỉ còn rô con thôi, mà rô con thì không ăn thóc thối”. Đặt rọ rô cũng là nghệ thuật của thầy Kỉnh dạy tôi. Dùng chân khỏa một lớp bùn phẳng giữa hai khóm lúa rồi nghiêng bàn chân miết xuống bùn, tạo một cái rãnh nhỏ. Bỏ một nhúm thóc thối xuống đám bùn vừa khỏa phẳng, đặt cái rọ rô vào đó. Việc này làm vào khoảng 9h sáng. Khi nước trong, rô đồng trông thấy thóc thối thì đến ăn. Rô đồng có thói quen ăn một hạt thóc lại ngoi lên để hớp một ngụm nước mặt, thế là con rô chui vào rọ và không ra được nữa. Cá rô đồng thường đi theo đàn và đàn cá có bao nhiêu con thì chui vào rọ bấy nhiêu con. Rô đồng bắt được, thầy Kỉnh cho các cô giáo trong trường mỗi người một ít, số còn lại, cô Bình - vợ thầy Kỉnh làm món rô đồng đốt muối. Cô Bình da trứng gà bóc, mái tóc đen dày, mình tròn, vai hình cánh cung. Cô làm bếp rất giỏi. Và chính cô dạy tôi làm món cá rô đồng đốt muối. Vì thế, mỗi khi làm món này, tôi lại nhớ vợ chồng thầy Kỉnh. Và tôi quyết định ngày Chủ nhật tới tôi sẽ lên Bắc Giang thăm thầy Kỉnh và cô Bình.

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-116-1-ky-niem-ca-ro-dong-20171019090257968.htm