Thái Nguyên thu hút FDI: Những 'gam màu sáng'

Trong những 'gam màu sáng' của kinh tế - xã hội Thái Nguyên năm qua, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được nhắc đến nhiều, không chỉ ở số lượng dự án được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn, mà còn ở lượng lớn nhà đầu tư đến tìm hiểu và cam kết rót vốn vào tỉnh.

Trong những “gam màu sáng” của kinh tế - xã hội Thái Nguyên năm qua, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được nhắc đến nhiều, không chỉ ở số lượng dự án được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn, mà còn ở lượng lớn nhà đầu tư đến tìm hiểu và cam kết rót vốn vào tỉnh.

Khu công nghiệp Yên Bình 1 đã cơ bản được lấp đầy, chủ yếu là các dự án FDI. Ảnh: Lăng Khoa

“Làn sóng” khả quan

Kết quả thu hút vốn đầu tư FDI của Thái Nguyên năm 2023 không tăng đột biến như cách đây khoảng chục năm, nhưng tất cả các chỉ tiêu liên quan đều đạt cao.

Điểm đến chủ yếu của dòng vốn FDI khi vào Thái Nguyên vẫn là các khu công nghiệp (KCN). Thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh cho thấy những tín hiệu rất lạc quan. Cụ thể, trong năm Ban đã đón và làm việc với hơn 100 lượt nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,… tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh; cấp mới 48 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt 320% kế hoạch năm, gấp 3 lần năm 2022, trong đó có 38 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 225,835 triệu USD.

Trong số các dự án FDI cấp mới, nổi bật là Dự án PVC Huali Việt Nam tại KCN Điềm Thụy (tổng vốn đăng ký 40 triệu USD), Dự án Nhà máy KHVATEC Thái Nguyên tại KCN Yên Bình (tổng vốn đăng ký 25 triệu USD), Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng – Sông Công tại KCN Sông Công 1 (tổng vốn đầu tư 19,250 triệu USD)…

Cũng trong năm 2023, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 121 dự án, trong đó có 23 lượt điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm 191,770 triệu USD và 997 tỷ đồng. Điển hình như Dự án Nhà máy Dowooinsys Vina điều chỉnh tăng 60 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký đầu tư lên 120 triệu USD.

Kết quả, năm 2023, thu hút vốn đăng ký đầu tư FDI tăng thêm vào các KCN của tỉnh đạt 417,605 triệu USD, vượt 39,2% kế hoạch năm. Thái Nguyên tiếp tục thuộc top các tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.

Lũy kế đến nay, riêng trong các khu công nghiệp của tỉnh có 302 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 167 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 10,83 tỷ USD.

Đặc biệt, Tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc) vừa quyết định đầu tư thêm 420 triệu USD vào Thái Nguyên để triển khai dự án về quang điện…

Thời kỳ hậu COVID-19, các chuyên gia kinh tế nhắc nhiều đến việc dịch chuyển dòng vốn FDI. Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng, với sự ổn định về chính trị, môi trường đầu tư ngày càng tốt cùng nhiều lợi thế cạnh tranh khác (nguồn lao động, cơ chế ưu đãi đặc thù…) sẽ là điểm đến của ngày càng nhiều tập đoàn, dự án lớn. Và kết quả thu hút FDI của Thái Nguyên năm qua đã phản ánh điều đó.

Công nhân Công ty TNHH BIGL Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công 2) trong giờ làm việc. Ảnh: Lăng Khoa

Dư địa lớn, triển vọng cao

Cùng với số dự án được cấp mới, trong năm, tại các KCN của tỉnh có 23 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, điều đó phần nào phản ánh môi trường đầu tư – kinh doanh tại Thái Nguyên thuận lợi, đồng thời cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư. Ông Tan Choon Hoong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH BIGL Việt Nam (KCN Sông Công 2), khẳng định: Thái Nguyên có các yếu tố tốt để chúng tôi đầu tư. Nguồn tài nguyên, đất đai, lao động… đều thuận lợi hơn so với nhiều nơi khác.

Cũng nói về môi trường đầu tư tại Thái Nguyên, ông Anthony Yohann Grandpierre, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Hải Phòng, nhận xét: Thái Nguyên là địa phương có môi trường đầu tư được cải thiện tốt với nhiều chính sách hấp dẫn, nguồn lao động dồi dào. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Messer đã và đang đầu tư 3 nhà máy trong chuỗi cung ứng tại Thái Nguyên…

Tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên nói chung, tăng trưởng trong khu vực công nghiệp và thu hút đầu tư FDI nói riêng, đã có những thời điểm đột biến, đặc biệt là sau khi Samsung triển khai dự án tại KCN Yên Bình.

Nhiều người cho rằng, sau giai đoạn “bùng nổ”, những chỉ số này của tỉnh sẽ chững lại một thời gian dài như ở một số địa phương. Tuy nhiên, kết quả thu hút vốn FDI của Thái Nguyên năm qua cũng như vài năm gần đây cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn và khả quan.

Điều đó thể hiện ở niềm tin của các nhà đầu tư; sự quyết liệt, năng động của chính quyền trong thu hút đầu tư và đồng hành với doanh nghiệp; triển khai nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông kết nối, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có 12 KCN với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha.

Để sớm hiện thực hóa quy hoạch, theo đồng chí Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, Ban đang tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan triển khai công tác quy hoạch những KCN mới như: Yên Bình 2, Yên Bình 3, Tổ hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên, Tổ hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình, KCN Thượng Đình...

Việc sớm triển khai Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn và chiến lược dài hạn, bài bản, khơi thông nguồn lực bất động sản công nghiệp; tập trung đầu tư hạ tầng hiện đại phục vụ thu hút đầu tư và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác sẽ giúp Thái Nguyên tiếp tục “ghi điểm” với các nhà đầu tư, để số lượng, chất lượng nguồn vốn FDI vào tỉnh ngày càng cao.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/dau-tu/202402/thai-nguyen-thu-hut-fdi-nhung-gam-mau-sang-5fa026e/