Thái Nguyên: Thanh tra vẫn bỏ sót nhiều nội dung

Chỉ dựa vào giải trình của Trường Đại học Y Dược và người bị tố cáo, đoàn thanh tra của Đại học Thái Nguyên đã không tìm hiểu xác minh thông tin, tài liệu chứng cứ tại các phòng, khoa bộ môn nên toàn bộ nội dung kết luận tố cáo không đủ sức thuyết phục, đối tượng chịu tác động của kết luận cũng chẳng mấy tâm phục khẩu phục.

Làm cho có lệ

Trước ngày bảo vệ luận án của hai Nghiên cứu sinh (NCS) Chu Hồng Thắng do Trưởng phòng Đào tạo Trịnh Văn Hùng hướng dẫn và NCS Phạm Mạnh Công, hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Nguyễn Văn Sơn hướng dẫn đã bị lộ “bí mật” danh tính hai phản biện độc lập (phản biện kín).

Thậm chí, thông tin về danh tính của hai phản biện kín trước ngày bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường của hai NCS vang tiếng đến cả nhân viên bảo vệ, chị lao công cũng tỏ tường, vậy mà ban giám hiệu Nhà trường không biết, đoàn thanh tra cũng lại càng không biết.

Theo Thông tư số 10/2009 của Bộ GD & ĐT chỉ rõ: “Danh sách phản biện độc lập là tài liệu mật của cơ sở đào tạo. Đơn vị chuyên môn, người hướng dẫn và nghiên cứu sinh không được tìm hiểu về phản biện độc lập. Các phản biện độc lập phải có trách nhiệm bảo mật nhiệm vụ, chức trách của mình, kể cả khi đã hoàn thành việc phản biện luận án hay khi tham gia vào Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện”.

Việc để lộ danh tính hai nhà khoa học làm phản biện kín cho đề tài của NCS Chu Hồng Thắng hiện đang công tác tại Viện trang thiết bị & các công trình y tế, Bộ Y tế và NCS Phạm Mạnh Công, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng đào tạo bậc học tiến sĩ của nhà trường.

Không tiếp thu ý kiến đóng góp mang tính xây dựng - buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Trường của hai NCS vẫn được diễn ra như chưa hề có phản ánh.

Trước đó, nhận được phản ánh, Thanh tra Bộ GD & ĐT đã có công văn số 374/TTr-NV4, ngày 10/5/2017 đề nghị Nhà trường xem xét, xử lý trách nhiệm việc cố ý làm lộ bí mật hai nhà khoa được mời làm phản biện cho NCS Phạm Mạnh Công với đề tài: “Thực trạng bệnh tai mũi họng ở người Mông và hiệu quả giải pháp can thiệp cộng đồng tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang”

Tuy nhiên, đến ngày 24/6/2017, NCS Phạm Mạnh Công vẫn có lịch bảo vệ chính thức luận án trước Hội đồng bảo vệ cấp trường để nhận Bằng Tiến sĩ Y học. Như vậy, Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) đã coi thường chỉ đạo của Thanh tra Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Để bao biện cho những việc làm sai trái của Trưởng phòng Đào tạo Trịnh Văn Hùng trong việc vừa làm hướng dẫn đề tài cho NCS Chu Hồng Thắng, lại vừa là người trực tiếp lựa chọn, gửi thư mời, nhận phản hồi từ hai phản biện kín và cũng chính là người “bật mí” cho NCS Chu Hồng Thắng biết danh tính hai phản biện kín.

Đoàn thanh tra đã dựa vào giải trình của Nhà trường và người bị tố cáo, kết luận nội dung tố cáo sai: “Ông Trịnh Văn Hùng không phải là người đề xuất thành phần Hội đồng bảo vệ luận án cấp trường cho NCS Chu Hồng Thắng... Tuy nhiên, việc ông Trịnh Văn Hùng ký nháy vào quyết định thành lập hội đồng đánh giá là không khách quan”.

Thiết nghĩ, để những Tiến sĩ phải thực sự là những tiến sĩ tài năng, những luận án tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học độc đáo, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu, làm gia tăng tri thức khoa học, góp phần giải quyết được các vấn đề đang đặt ra với một ngành khoa học hoặc thực tiễn xã hội.

Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên nên tự soi xét, đổi mới công tác đào tạo tiến sĩ, tránh tình trạng Nhà trường trở thành “lò ấp” tiến sĩ, bệ phóng “tài năng” cho những tiến sĩ giấy.

Sai phạm nối tiếp những sai phạm

Hiện nay, đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Y Dược không đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng, có hành vi gian lận để được phép đào tạo các ngành thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Gây mê hồi sức và trình độ tiến sĩ nhi khoa.

TheoThông tư số 38/2010 của Bộ GD&ĐT quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.

Nhà trường không có đủ 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng chuyên ngành để được phép đào tạo Bác sĩ chuyên khoa I Gây mê hồi sức, thậm trí ít nhất có 3 người cùng chuyên ngành cũng không.

Vậy không hiểu vì lý do gì nhà trường đã “qua mặt” được Bộ GD & ĐT khi mở chuyên ngành đào tạo Bác sĩ chuyên khoa I Gây mê hồi sức.

Trong khi đó, cả khoa chỉ duy nhất có một thạc sĩ đảm nhiệm cương vị Trưởng Bộ môn Gây mê hồi sức đã phải viết đơn xin thôi việc nên bộ môn gây mê hồi sức hiện không có giảng viên nào có trình độ sau đại học giảng dạy chuyên ngành này.

Nghiễm nhiên, Hiệu trưởng Nhà trường vẫn cho tổ chức đào tạo và tiếp tục thông báo tuyển sinh đào tạo Bác sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành gây mê hồi sức.

Ở mã ngành đào tạo tiến sĩ nhi khoa, tiến sĩ Khổng Thị Tuyết Mai là tiến sĩ chuyên ngành vệ sinh xã hội tổ chức y tế, không phải là cán bộ cơ hữu của Nhà trường (công tác tại Bệnh viên ĐKTƯ Thái Nguyên đã nghỉ hưu).

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Bệnh viện ĐKTƯ không phải là cán bộ cơ hữu; Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Nhà trường kiêm PGĐ Bệnh viên ĐKTƯ chỉ tham gia giảng dạy được 15%.

Từ khi mở mã ngành Nhà trường chỉ tuyển sinh được duy nhất đợt đầu 4 NCS, trong đó có 3 NCS là cán bộ của bộ môn nhi. Sau 3 năm liên tiếp Nhà trường không tuyển sinh thêm được học viên nào.

Những gì tưởng chường như không thể nhưng lại có thể xảy ra ở một môi trường Đại học có bề dày truyền thống đào tạo đại học uy tín trong khu vực gần 50 năm qua.

Để làm rõ những vi phạm trong công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Nhà trường thời gian qua. Bộ Giáo dục & Đào tạo cần kiên quyết kiểm tra và xử lý những hành vi gian lận để được phép đào tạo - lập lại trật tự, kỷ cương trong môi trường giáo dục.

Ngô Tiến

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//thai-nguyen--thanh-tra-van-bo-sot-nhieu-noi-dung_n32009.html