Thái Bình tạo bước đột phá phát triển kinh tế

Chế tác hàng mỹ nghệ ở Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình).

Toàn tỉnh không có một ngọn núi, một quả đồi, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhưng khó khăn cho phát triển công nghiệp. Nhằm tạo bước đột phá phát triển kinh tế, tỉnh Thái Bình đang tập trung xây dựng các khu công nghiệp, các cụm và điểm công nghiệp, khôi phục và phát triển nghề và làng nghề để sớm trở thành tỉnh công - nông nghiệp trong tương lai gần. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, con người và hạt gạo Thái Bình đi khắp bốn phương góp phần cùng cả nước giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Thời đó, Thái Bình từng vang lên khẩu hiệu 'Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người'. Cả nước bước vào kinh tế thị trường, bước vào hội nhập, hạt thóc và cân thịt của nông dân tỉnh Thái Bình làm ra chỉ còn mang ý nghĩa ổn định xã hội. Thái Bình có tới hơn 70% dân số sống ở nông thôn do thu nhập từ nông nghiệp đã thấp, mỗi mùa vụ lại đóng góp khá nhiều khoản nên đời sống gặp nhiều khó khăn, chỉ cần xảy ra thất thoát một khoản nhỏ là thành chuyện lớn. Nhà bác học Lê Quý Đôn, người con của Thái Bình đã từng có câu nói nổi tiếng: 'Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi nông bất ổn'. Thực hiện các nghị quyết của Đảng về CNH - HĐH và lời dạy của bậc tiền nhân, tỉnh Thái Bình đã xây dựng chương trình hành động, quyết tâm trở thành tỉnh công - nông nghiệp vào năm 2020. Được phép của Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2010, Thái Bình đã tiến hành cuộc vận động nông dân 'dồn điền, đổi thửa' tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, cho giá trị kinh tế cao, nhường ruộng đất để tỉnh xây dựng các khu công nghiệp tập trung, cụm, điểm công nghiệp nghề và làng nghề, chuyển dần lao động nông nghiệp sang làm CN - TTCN. Thái Bình có tuyến quốc lộ số 10, chạy từ Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; điểm cuối tại Thái Bình đến Cảng Hải Phòng là 40 km, và nhiều tuyến nối vào khu tam giác kinh tế (Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh). Từ Thái Bình, quốc lộ số 10 bắt vào quốc lộ số 1 đi vào các tỉnh phía nam. Vì vậy ven quốc lộ số 10, trở thành chiến lược để phát triển CN. Khai thác tiềm năng này, tỉnh Thái Bình đã tiến hành quy hoạch và được Chính phủ phê duyệt xây dựng sáu khu công nghiệp: tại TP Thái Bình, quy hoạch, xây dựng hai khu CN (Nguyễn Đức Cảnh, rộng hơn 100 ha; khu công nghiệp Phúc Khánh rộng 120 ha). Tại huyện Vũ Thư, xây dựng một khu công nghiệp sông Trà, rộng 100 ha. Tại huyện Đông Hưng, quy hoạch xây dựng khu CN Gia Lễ rộng 84,5 ha. Tại Quỳnh Phụ quy hoạch xây dựng khu CN Cầu Nghìn rộng 214 ha. Tại Tiền Hải, quy hoạch mở rộng khu CN sử dụng khí đốt từ 125 lên 250 ha. Học tập và rút kinh nghiệm quy hoạch, xây dựng các khu CN của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Thái Bình đã xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào bỏ vốn kinh doanh xây dựng cơ sở hạ tầng các khu CN (đường, điện, nước, xử lý môi trường) và phối hợp với tỉnh xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy, xí nghiệp đào tạo và thu hút lao động. Chính sách thu hút đầu tư cũng có nhiều điểm mới như ngoài chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư, tỉnh Thái Bình chỉ đạo các địa phương có đất thu hồi cho xây dựng khu công nghiệp phải tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư nhận đất thuận lợi; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; ưu tiên cung cấp lao động; quy định thời gian gặp gỡ các nhà đầu tư trao đổi rút kinh nghiệm về các mối quan hệ giữa địa phương với nhà đầu tư. Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với Phòng Công nghiệp - Thương mại Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư... tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác để giới thiệu tiềm năng về đất đai, con người và các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư với các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tỉnh cũng tạo mọi điều kiện để các huyện ra các tỉnh, thành phố mở các cuộc xúc tiến đầu tư. Thái Bình còn tổ chức nhiều đoàn đi nghiên cứu và xúc tiến kêu gọi đầu tư tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... thực hiện chủ trương cải cách, mở cửa, UBND tỉnh Thái Bình đã sớm thành lập bộ phận 'một cửa và một cửa liên thông'; các ngành của tỉnh, các huyện, thành phố đều đưa bộ phận 'một cửa' vào hoạt động nền nếp, nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, xóa bỏ phiền hà cho nhân dân và các nhà doanh nghiệp. UBND tỉnh, UBND các huyện đều có 'đường dây nóng' giải quyết kịp thời các vướng mắc của công dân và các doanh nghiệp... Với sự cố gắng bền bỉ, đến nay tỉnh Thái Bình đã thu hút hàng trăm dự án vào tỉnh. Tại sáu khu công nghiệp đã có 130 dự án đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 9.888,131 tỷ đồng. Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh đã lấp đầy với 37 dự án; khu công nghiệp Phúc Khánh có 47 dự án vào đầu tư; khu công nghiệp Tiền Hải có 35 dự án đã đầu tư; khu công nghiệp Gia Lễ đã có bảy dự án đầu tư; khu công nghiệp Sông Trà có một dự án đầu tư. Trong tổng số dự án đầu tư vào các khu CN tại Thái Bình có 33 dự án FDI (Khu CN Nguyễn Đức Cảnh bốn dự án, KCN Phúc Khánh 26 dự án, KCN Gia Lễ hai dự án, KCN Cầu Nghìn một dự án), với tổng số vốn đầu tư là 4.386,63 tỷ đồng (tương đương 264,29 triệu USD), không kể vốn của các nhà đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng. Ngoài ra còn hàng trăm dự án đầu tư vào các cụm, điểm công nghiệp thuộc huyện quản lý và vào các làng nghề. Cũng từ kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Thái Bình cấp phép đầu tư và cho thuê đất theo cách 'cuốn chiếu', nên đất các khu công nghiệp chưa lấp đầy vẫn để nhân dân trồng cấy, không để lãng phí tài nguyên đất. Chủ trương phát triển các khu CN tập trung đã giúp Thái Bình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2010, mặc dù còn chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng giá trị sản xuất tại các khu công nghiệp (theo giá cố định năm 1994) đạt 2.400 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng GTSX CN - TTCN toàn tỉnh, tăng 62% so năm 2009, đã góp phần đưa tỷ trọng CN chiếm 33% trong tổng GTSX các ngành kinh tế của tỉnh, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 41,8% các năm trước xuống còn 33%. Quy hoạch và xây dựng các khu CN còn giúp tỉnh Thái Bình tạo bước đột phá phát triển hàng hóa xuất khẩu. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu chưa đầy 100 triệu USD thì năm 2010 đạt 180 triệu USD, tăng 23% so năm 2009. Kim ngạch nhập khẩu năm 2010 đạt 200 triệu USD. Từ một tỉnh nông nghiệp khó khăn về ngân sách, nhờ có các dự án đầu tư đi vào sản xuất, đã góp phần cho Thái Bình trở thành một trong 10 tỉnh, thành phố trong 'Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng thuế và phí'. Đồng thời với quy hoạch, xây dựng thành công các khu công nghiệp, Thái Bình là một trong số các tỉnh, thành phố đi đầu về phát triển nghề và làng nghề. Năm 2001, toàn tỉnh mới có 83 làng nghề đạt tiêu chí, thì năm 2010 đã khôi phục, nhân rộng lên hàng trăm làng nghề (219 làng đủ tiêu chuẩn được UBND tỉnh cấp bằng công nhận). Toàn tỉnh có 285 xã, phường đã xóa được xã trắng nghề. Từ năm 2005 đến nay do nhu cầu phát triển công nghiệp, Thái Bình còn cho phép các huyện, thành phố quy hoạch xây dựng các cụm CN đi vào hoạt động và hơn 10 điểm công nghiệp phục vụ các làng nghề. Nhiều cụm CN cấp huyện như Đồng Tu (Hưng Hà); Đông La (Đông Hưng); Diêm Điền (Thái Thụy); Phong Phú, Vũ Chính... cũng đã lấp đầy các nhà doanh nghiệp vào đầu tư. Thái Bình đề ra mục tiêu phấn đấu từ năm 2011 đến 2015 đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 13,5%. CN - TTCN sẽ là một trong ba mũi nhọn mà tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo phát triển bền vững. Trong đó GTSX CN - TTCN phấn đấu đạt từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên, tốc độ tăng trưởng hằng năm là 20,6%/năm.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/thai-binh-t-o-b-c-t-pha-phat-tri-n-kinh-t-1.284545