Thaco muốn mở 11 siêu thị Emart tại Việt Nam

Trước khi được Thaco mua lại, siêu thị Emart lãi 43 tỷ đồng năm 2020. Chủ tịch Trần Bá Dương kỳ vọng nhân rộng chuỗi lên 3-4 siêu thị vào năm 2022 và lên 11 điểm bán năm 2025.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 được tổ chức trực tuyến chiều 31/5, ông Nguyễn Hùng Minh - Phó chủ tịch HĐQT Thaco Group, cho biết Thaco và doanh nghiệp Hàn Quốc Emart Inc đã ký kết 3 thỏa thuận chính thức về việc mua lại siêu thị Emart tại Việt Nam vào ngày 20/5.

Tích hợp bán lẻ với ôtô và nông nghiệp

Cuối năm 2020, Thaco và Emart Inc bắt đầu có những trao đổi về khả năng hợp tác phát triển chuỗi đại siêu thị Emart tại thị trường Việt Nam. Thaco cho biết các bên đã đi đến các thỏa thuận chính thức và dự kiến hoàn tất các công đoạn cuối cùng vào giữa tháng 6 tới.

Thaco sẽ nhận chuyển nhượng 100% vốn của Công ty TNHH Emart Việt Nam, bao gồm hoạt động kinh doanh hiện hữu là cửa hàng Emart Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM) và các dự án đang phát triển tại Việt Nam.

Siêu thị Emart tại TP.HCM sẽ được vận hành bởi Thaco trong thời gian tới. Ảnh: Emart.

Chia sẻ về việc lấn sân sang mảng mới, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho rằng hệ thống bán lẻ sẽ mang lại giá trị cộng thêm và tạo ra hệ sinh thái cho khách hàng, qua đó thực hiện chiến lược một điểm dừng nhiều tiện ích cho tập đoàn.

“Thaco muốn có chuỗi đại siêu thị giá rẻ để phù hợp với điều kiện và thị hiếu của người Việt Nam. Xu hướng thời gian tới là đại siêu thị giá rẻ trong đó bán thực phẩm và các mặt hàng khác sẽ dần phổ biến, đặc biệt là các thị trường tỉnh. Trong khi các trung tâm thương mại lớn có xu hướng nhỏ dần, ít dần và chủ yếu tập trung nhu cầu ăn uống, nhu cầu mua sắm là rất ít”, ông Dương nói

Lãnh đạo Thaco còn muốn biến chuỗi siêu thị này thành nơi khách hàng có thể trải nghiệm xem xe, bảo dưỡng xe và có thời gian để mua sắm, sinh hoạt ăn uống, vui chơi giải trí đến kết hợp khu trung tâm hội ghị, tiệc cưới.

“Kênh bán lẻ cũng sẽ trở thành nơi bán hàng nông sản cho mảng nông nghiệp và chúng tôi cố gắng đầu tư mô hình phức hợp hoạt động hiệu quả trên từng m2, đảm bảo hoạt động bao gồm các showroom ôtô, đại siêu thị và trung tâm dịch vụ, mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng”, ông Dương chia sẻ về kế hoạch tích hợp.

Emart kinh doanh ra sao?

Theo thỏa thuận hợp tác, Emart Inc cấp quyền thương mại đối với hoạt động siêu thị (bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử EmartMall) độc quyền tại thị trường Việt Nam cho Thaco với thời hạn ban đầu là 9 năm (đến hết năm 2030). Bên cạnh đó, Emart Inc sẽ cử các nhân sự chủ chốt làm việc tại Việt Nam để vận hành siêu thị và trong suốt thời hạn nhượng quyền.

Ngược lại, Thaco đồng ý thỏa thuận mua bán hàng hóa khung để tiếp tục phân phối các sản phẩm nhãn hiệu riêng của Emart, NoBrand tại thị trường Việt Nam. Thaco kỳ vọng có 3-4 siêu thị vào năm tới và có 11 siêu thị vào năm 2025 theo cam kết với Emart.

Tỷ phú Trần Bá Dương cho biết khi mua lại, Emart chỉ có 1 cửa hàng với doanh thu năm ngoái đạt 1.649 tỷ đồng và có lợi nhuận 42,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuỗi siêu thị này trong quá trình thành lập đến này vẫn còn một khoản lỗ lũy kế.

Sau khi mua lại, Thiso - một tập đoàn con của Thaco Group, sẽ quản lý chuỗi siêu thị này. Mục tiêu doanh thu năm nay là 1.800 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm ngoái và lợi nhuận khoảng 3% doanh số.

“Nếu chúng ta vận hành trên cơ sở đang hoạt động hiệu quả của từng cửa hàng thì bán lẻ không phải quá khó như người ta nghĩ”, ông Dương đánh giá.

Lãnh đạo Thaco nhìn nhận khả năng mở rộng của Emart cũng thuận lợi khi đã có sẵn mặt bằng và cơ sở vật chất. Điển hình như siêu thị Emart dự kiến tại Khu đô thị Sala (TP.HCM) đã sắp hoàn tất, chỉ còn giai đoạn lắp ráp thiết bị và nhân sự. Các siêu thị khác tại quận Tân Phú (TP.HCM) và Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) cũng đang được triển khai.

Thanh Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thaco-muon-mo-11-sieu-thi-emart-tai-viet-nam-post1221772.html