Thách thức về chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản

Các đơn vị hoạt động trong ngành xuất bản như Waka, Voiz FM, Fonos, công ty Vitranet24, VHMT phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến chất lượng nhân lực, bảo vệ bản quyền.

Chuyển đổi số có thể hiểu là quá trình chuyển đổi từ mô hình cũ, truyền thống sang doanh nghiệp số dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big Data, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)...

Đây là cơ hội chuyển mình cho các đơn vị hoạt động trong ngành xuất bản triển khai các hoạt động đổi mới, sáng tạo, có được thị trường mới và rộng lớn trên không gian mạng. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức không nhỏ khiến họ phải đối mặt.

Đầu tư cơ sở, bồi dưỡng nhân sự là điều cần thiết

Thách thức lớn nhất Waka đang phải đối mặt là làm sao để tạo ra được mô hình kiếm tiền từ công nghệ sử dụng đó, cũng như hài hòa được giá trị cho xã hội với chi phí để duy trì.

Lĩnh vực công nghệ luôn luôn đòi hỏi chi phí rất cao trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới, do mặt bằng lương của nhân công kỹ thuật khá cao, luôn luôn có áp lực cân bằng giữa thời gian nghiên cứu 1 tính năng với việc đưa tính năng đó vào khai thác trong thực tế.

Theo ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc điều hành công ty Waka - các đơn vị xuất bản cần đầu tư vào công nghệ để có những sản phẩm chất lượng vượt trội hơn so với những sản phẩm sao chép trên các trang web lậu. Sách điện tử có thể kèm theo hình ảnh, âm thanh tuy nhiên các trang lậu chỉ có thể quét được nội dung chứ không thể sao chép được các hiệu ứng như vậy.

Về khó khăn trong đầu tư, ông Hoàng đề xuất giải pháp rằng các đơn vị cần có sự phối hợp chia sẻ dữ liệu, dùng chung nền tảng để tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, yếu tố nguồn nhân lực cũng được ông Hoàng đề cập đến trong những thách thức mà Waka đang phải đối mặt.

Ông Hoàng chia sẻ: “Chuyển đổi số không chỉ cần ý chí của người đứng đầu. Từng con người trong doanh nghiệp phải ứng dụng số thì mới chuyển đổi số được. Nếu mỗi người không ứng dụng được, không thể chuyển đổi số xong. Đó chính là vai trò tiên quyết của nhân sự trong quá trình chuyển đổi số".

Sản phẩm của chuyển đổi số trước hết là phục vụ chính doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, mà chính xác là phục vụ những nhân sự làm việc trong doanh nghiệp đó, sau mới đến đối tác và khách hàng.

Cũng giống như Waka, Giám đốc VHMT Hoàng Đức Tuấn cho biết ưu tiên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi số là nguồn nhân sự. Chuyển đổi số là quá trình đòi hỏi sự chuyển đổi toàn diện, yếu tố nhân sự là thách thức hàng đầu.

Giám đốc VHMT Hoàng Đức Tuấn luôn đề cao việc đào tạo, bồi dưỡng nhân sự tại công ty. Ảnh: NVCC.

Trong tương lai gần, VHMT Việt Nam đặt kế hoạch ứng dụng toàn diện các công nghệ về trí tuệ nhân tạo và mở rộng các tiện ích phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm điện tử phục vụ bạn đọc cũng như các doanh nghiệp xuất bản Việt Nam.

Để đạt được kế hoạch này, VHMT cũng đã sẵn sàng trong việc triển khai nghiên cứu, đào tạo, thử nghiệm và nâng cấp toàn bộ quy trình làm việc của đội ngũ để đạt được mục tiêu sớm nhất.

Các nhân sự nhiều kinh nghiệm, làm việc nhiều năm họ có những quy tắc, cách làm việc và quản lý truyền thống vốn vẫn hiệu quả với chính họ và đội ngũ. Để đảm bảo chuyển đổi thành công lên quy trình mới họ cũng phải dành thời gian nghiên cứu, thích nghi, thay đổi cả phương pháp đào tạo và quản lý cấp dưới, tương tác với đối tác và báo cáo với cấp trên.

Nhân sự mới có trình độ và kỹ năng hiện đại phù hợp với quy trình số thì lại thiếu đi những kinh nghiệm, giải pháp và sự đơn giản của thế hệ trước.

Để nâng cao nghiệp vụ giúp họ đối mặt với những khó khăn, thách thức mà chuyển đổi số mang lại luôn đề cao các hoạt động đào tạo. Huấn luyện, thí điểm và triển khai liên tục để rút kinh nghiệm và thay đổi quy trình giúp chúng tôi tạo ra sự hòa hợp giữa lớp nhân sự giàu kinh nghiệm với lớp nhân sự mới nhiều kỹ năng.

Còn đối với Vitranet24, một trong những khó khăn công ty gặp phải là việc thay đổi thói quen của người sử dụng. Khi cần chuyển đổi thói quen của người dùng từ hệ thống quản lý này sang một hệ thống mới cần có lộ trình và kịch bản phù hợp. Bên cạnh đó sự đa dạng trong yêu cầu, các nghiệp vụ kinh doanh phức tạp và áp lực về tiến độ triển khai nhanh cũng là thách thức không nhỏ cho những công ty cung cấp giải pháp chuyển đổi số.

Khi được hỏi về vai trò nguồn nhân sự trong thời kì số hóa, Giám đốc Vitranet24 khu vực miền Bắc Ứng Bảo Ngọc cũng đồng quan điểm cho rằng đây là điều cấp bách, cần tổ chức đào tạo, trau dồi kỹ năng thường xuyên để bắt kịp xu hướng thời đại.

“Chất lượng nguồn nhân sự đã được cải thiện đáng kể đồng thời Việt Nam thu hút được nhiều nhà khoa học về nước phát triển các lĩnh vực mới, như công nghệ AI, mạng 5G... Người lao động Việt vốn chăm chỉ và ham học hỏi, nếu được chú trọng đào tạo, đồng thời tích cực áp dụng công nghệ mới, chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế số", ông Ngọc bày tỏ.

Bài toán về bản quyền

Sách đa dạng chủ đề, hình thức phong phú đổi mới liên tục đã được thực hiện đáp ứng nhu cầu của độc giả. Tất cả góp phần tạo ra một nền xuất bản năng động và chủ động hơn, để sách không chỉ là sản phẩm giải trí mà còn đóng một vai trò quan trọng trong từng khía cạnh của cuộc sống.

Tuy nhiên, vấn đề về bản quyền như “căn bệnh dai dẳng” chưa có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt, ngày càng có xu hướng gia tăng.

Ứng dụng sách nói Fonos và Voiz FM được thành lập với mong muốn góp phần giải quyết nhu cầu tận dụng thời gian để trau dồi kiến thức của các bạn trẻ trong bối cảnh eo hẹp về không gian và thời gian.

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất mà hai công ty gặp phải là tình trạng vi phạm bản quyền sách nói, vốn đã tồn tại tràn lan hàng chục năm qua khiến cho các đối tác bản quyền e ngại hợp tác.

CEO Voiz FM Lê Hoàng Thạch cho biết đã giải quyết rất nhiều trường hợp liên quan đến vấn đề bản quyền nhưng vẫn chưa thể triệt để. Ảnh: Voiz FM.

CEO Fonos Xuân Nguyễn và CEO Voiz FM Lê Hoàng Thạch đều trăn trở vấn đề liên quan đến bản quyền cho từng tác giả.

CEO Xuân Nguyễn cho biết nếu trước đây vi phạm bản quyền sách thể hiện dưới hình thức in lậu thì nay, trong sự phát triển như vũ bão của Internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ số, đã tạo nên những hình thức vi phạm bản quyền tinh vi, mới mẻ hơn.

Thương mại điện tử phát triển đã khiến thủ đoạn phân phối các sản phẩm sách giả này cũng trở nên tinh vi và mở rộng phạm vi hơn vô số lần. Trước đây, sách giả thường chỉ bày bán tại các sạp hàng ven đường, các hiệu sách nhỏ không có tên tuổi, ở các khu vực xa xôi - nơi hệ thống phân phối sách còn hạn chế, nơi độc giả ít tiếp xúc với sách…

Tuy nhiên, các trang web thương mại điện tử, các mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn cục diện đó. Sách giả hiện nay được bán tràn lan trên mạng và bất cứ ai cũng có thể mua được.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, ông Thạch cho biết từ khi thành lập đến nay Voiz FM đã hỗ trợ hơn 50.000 các đối tác báo cáo và xóa bỏ rất nhiều nội dung vi phạm bản quyền, tạo dựng niềm tin, góp phần thúc đẩy các đơn vị xuất bản tập trung hơn vào mảng sách nói.

Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để mà vẫn có dấu hiệu ngày càng lan rộng.

“Tôi hy vọng Nhà nước phối hợp cùng các đơn vị liên quan sẽ đưa ra chính sách cụ thể cho việc vi phạm bản quyền để thể hiện sự tôn trọng đối với thành quả lao động của các tác giả. Tôi đề xuất việc Nhà nước sẽ tạo lập ra một trang web phục vụ riêng cho việc báo cáo bản quyền, nơi mà ở đó chúng tôi có thể báo cáo những vi phạm liên quan đến quyền tác giả một cách kịp thời, nhanh chóng”, ông Thạch bày tỏ.

Là đơn vị cung cấp sách điện tử ebook, sách nói, Waka cũng phải đối mặt với vấn đề liên quan đến vi phạm bản quyền. Theo ông Hoàng, vi phạm bản quyền kỹ thuật số từ lâu tấn công ngành công nghiệp âm nhạc và phim ảnh, giờ đang lan nhanh đến lĩnh vực xuất bản.

Việc vi phạm bản quyền với sách in, tuy tràn lan, nhưng chưa thấm vào đâu nếu so với sách điện tử, vì tính chất đa phương tiện, tinh vi và dễ dàng của nó. Từ khoảng năm 2010, nổi lên nhiều trang mạng, diễn đàn tự tổ chức thu thập và chia sẻ ebook miễn phí hoặc có thu phí với mức giá khá rẻ.

Đây là dạng phát tán file ebook trái phép, không được sự đồng ý của nhà xuất bản hay tác giả nhưng vẫn phát triển rầm rộ do nhu cầu đọc ebook của người dùng Internet ngày càng tăng.

Ông Hoàng cho biết trong các cơ chế, chính sách ban hành, các điều khoản, cơ chế bảo vệ quyền lợi về bản quyền tác giả là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp xuất bản.

Việc ứng dụng công nghệ để bảo vệ tác quyền là yếu tố tất yếu, tuy nhiên luôn có những phương pháp để vượt qua những công nghệ bảo vệ này, hơn nữa càng áp dụng các yếu tố bảo vệ bằng công nghệ thì trải nghiệm người dùng của bạn đọc càng bị ảnh hưởng.

Để đảm bảo sự cân bằng giữa các công nghệ bảo vệ bản quyền, trải nghiệm đọc của bạn đọc và quyền lợi của các tác giả, ông mong muốn được bổ sung các cơ chế, chính sách có tính chất quyết liệt hơn từ góc độ luật pháp về việc xử phạt các hành vi vi phạm quyền tác giả và hoạt động thực thi các chính sách đó.

Thu Hương

Nguồn Znews: https://znews.vn/thach-thuc-ve-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-xuat-ban-post1466000.html