Thách thức từ những giới hạn

Bóng đá hay nhiều môn thể thao chuyên nghiệp khác luôn có những giới hạn mà các vận động viên Việt Nam muốn vượt qua được thì phải có chiến lược đầu tư đúng đắn, lâu dài, có sự chuyên nghiệp và yếu tố khoa học công nghệ trong huấn luyện, dinh dưỡng.

Mặc dù vẫn còn một trận đấu nữa tại World Cup 2023, nhưng sau thất bại trước đội Bồ Đào Nha ở lượt trận thứ hai có thể nói cơ hội tốt nhất để đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có được bàn thắng hay thậm chí là điểm số đầu tiên đã không còn. Thất bại này dù đáng tiếc nhưng không bất ngờ, cho dù đội bóng của HLV Mai Đức Chung cũng đã có một thế trận rất khích lệ trước đối thủ đến từ châu Âu.

Nỗ lực của đội tuyển Việt Nam là đáng ghi nhận, nhưng trận đấu này cũng bộc lộ rõ các giới hạn của bóng đá của chúng ta khi bước ra các đấu trường lớn, đó là việc chúng ta dựa quá nhiều vào yếu tố tinh thần, chú trọng hạn chế những điểm yếu.

Đơn cử như trong trận đấu với Bồ Đào Nha, tỷ lệ kiểm soát bóng của Việt Nam còn kém hơn so với trận đầu tiên đá với đội tuyển Mỹ. Chúng ta đã không mạnh về tranh chấp, thua thiệt về chiều cao, nên đáng ra phải tận dụng kỹ thuật cá nhân hoặc bố trí lối chơi phù hợp để kiểm soát được bóng.

Nếu ở sân chơi Đông Nam Á, thi đấu với các đối thủ ngang tài hoặc kém hơn, thể thao Việt Nam chỉ cần thi đấu đúng năng lực thì sẽ thành công, nhưng ra đấu trường châu Á và thế giới, cần phải vượt qua chính mình. Những bất lợi về mặt thể chất không thể khỏa lấp chỉ bằng nỗ lực tinh thần, mà có thể khắc phục được nếu có cách tiếp cận khoa học hơn trong tập luyện.

Ví dụ như bóng chuyền nữ Nhật Bản hồi thập niên 70 thế kỷ trước đã đề ra chiến thuật phòng thủ sau lưới nhằm khắc phục điểm yếu về chiều cao. Lối phòng ngự lì lợm này đã đưa Nhật Bản lọt vào đến tốp 4 thế giới một thời gian dài, và cũng từ lối chơi phòng thủ ấy mới có sự ra đời của vị trí libero trong bóng chuyền chuyên dành cho các VĐV có chiều cao khiêm tốn nhưng phản xạ nhanh nhẹn.

Học theo Nhật Bản, bóng chuyền nữ Thái Lan đã đạt đẳng cấp thế giới suốt gần 30 năm, có thời điểm các cô gái Thái Lan đứng hạng 5 thế giới dù xét về mặt thể chất cũng tương đồng với Việt Nam. Hay như “Tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên ngoài tố chất cũng phải mất nhiều năm trời tập huấn bên Mỹ mới trở thành kỷ lục gia tại SEA Games.

Singapore dù mạnh về môn bơi nhưng “kình ngư” từng đoạt huy chương vàng Olympic Joseph Schooling cũng phải tập luyện chủ yếu tại Mỹ để khắc phục điểm yếu về hình thể so với các vận động viên bơi Âu, Mỹ.

Màn trình diễn của đội tuyển nữ Việt Nam tại kỳ World Cup lịch sử cho đến thời điểm này là chấp nhận được, nhưng cũng cần nhìn vào thực tế, nếu chúng ta không có phương cách khắc phục các điểm yếu, vượt qua những giới hạn rất rõ ràng về thể hình, thể lực hay kinh nghiệm, thì việc dự World Cup không khác gì một chuyến dạo chơi, học hỏi chứ chưa đủ sức để thi tài và tạo được những cột mốc như Thái Lan hay Philippines đã làm.

Bóng đá hay nhiều môn thể thao chuyên nghiệp khác luôn có những giới hạn mà các vận động viên Việt Nam muốn vượt qua được thì phải có chiến lược đầu tư đúng đắn, lâu dài, có sự chuyên nghiệp và yếu tố khoa học công nghệ trong huấn luyện, dinh dưỡng.

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thach-thuc-tu-nhung-gioi-han-post699453.html