Thách thức của ngành xuất bản trước những xu hướng công nghệ mới

Hướng đi mà các nhà xuất bản cần tập trung là nâng cao chất lượng các ấn phẩm, hướng tới nhiều ấn phẩm chuyên sâu, chuyên ngành.

Theo Bộ TT-TT, ngành xuất bản tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong quý 1/2024, các nhà xuất bản đã có chính sách đầu tư vào hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Có 2 nhà xuất bản đã được phê duyệt về đề án hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; trong đó một nhà xuất bản đã được cấp xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Về công nghệ xuất bản, Bộ TT-TT phân tích rằng do xuất bản sách điện tử ở nước ta mới ở giai đoạn phát triển khởi đầu, nên việc trang bị thiết bị, máy móc ứng dụng của nhà sản xuất, đối tượng người dùng ở nước ta còn nhiều hạn chế và chưa được đầu tư nhiều.

Việc công nghệ chưa theo kịp các nước tiên tiến dẫn đến nhiều khó khăn trong ứng dụng các thành quả khoa học hiện đại vào xuất bản; chưa tạo được chuẩn mực thống nhất trong công nghệ xuất bản, in và phát hành để giúp bạn đọc tiếp cận, sử dụng thành thạo sách điện tử.

Hiện nay, công nghệ thông tin nổi lên là ChatGPT đã tạo ra một “luật chơi” mới mà ngành xuất bản cũng như các ngành khác đều phải tiếp cận để có sự điều chỉnh phù hợp.

Trong bối cảnh đó, theo Bộ TT-TT, hướng đi mà các nhà xuất bản cần tập trung là nâng cao chất lượng các ấn phẩm, hướng tới nhiều ấn phẩm chuyên sâu, chuyên ngành.

Nếu các nhà xuất bản chú trọng tạo ra những ấn phẩm chuyên sâu với đặc sắc riêng của mình thì công nghệ chỉ có thể là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế nhà xuất bản, thay thế biên tập viên, hay nhân viên chế bản, dàn trang.

Tuy vậy, Bộ TT-TT cũng nhận định đó cũng là một thách thức lớn cho đội ngũ nhân lực của các nhà xuất bản, nguy cơ giảm bớt nhân lực có thể sẽ xảy ra.

Xu hướng xuất bản toàn cầu năm 2024 là sách nói, sách tự xuất bản và sách chính trị. Ngoài ra, theo dự báo, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 nhờ vào nhu cầu tăng lên từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản.

Vì vậy, các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm cần cập nhật những xu hướng này để có phương án kinh doanh hiệu quả, bắt kịp xu hướng.

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thach-thuc-cua-nganh-xuat-ban-truoc-nhung-xu-huong-cong-nghe-moi-217166.html