Thách thức của Kazuhiro Tsuga

Và giờ gánh nặng giải quyết tất cả những thách thức đó thuộc về vị Chủ tịch mới Kazuhiro Tsuga, người đứng đầu bộ phận nghe nhìn của Tập đoàn. Panasonic đã bổ nhiệm Tsuga vào vị trí Chủ tịch thay cho Fumio Ohtsubo (Ohtsubo sẽ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị) vào cuối tháng 2 vừa qua. Tsuga sẽ chính thức đảm nhận vai trò mới kể từ tháng 6.2012.

Thế khó

Ở vai trò mới, Tsuga sẽ phải giải quyết hậu quả nặng nề từ 2 quyết định quan trọng được đưa ra trong những năm gần đây dưới thời của người tiền nhiệm Ohtsubo: mở rộng sản xuất màn hình phẳng (dành cho tivi) tại Nhật và vụ thâu tóm Sanyo.

Dưới thời của Ohtsubo, Panasonic đã đổ hàng tỉ USD vào các nhà máy sản xuất màn hình tivi tại Nhật và sau đó buộc phải cắt giảm sản lượng do nhu cầu đã không tăng như dự kiến. Và việc đồng yen mạnh cũng khiến cho hàng sản xuất trong nước trở nên kém cạnh tranh và làm xói mòn lợi nhuận của Hãng.

Nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng, năm 2009, Panasonic đã đi một bước táo bạo. Đó là thâu tóm Sanyo Electric với mục tiêu trở thành công ty về công nghệ xanh. Thế nhưng, theo như lời Giám đốc Tài chính Makoto Uenoyama, “lợi nhuận của Sanyo đã giảm đáng kể” từ khi bị Panasonic thâu tóm.

Panasonic mua lại Sanyo là vì thế mạnh của công ty này trong lĩnh vực pin có thể sạc lại và tấm panel năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, kể từ vụ thâu tóm, điều kiện thị trường đã thay đổi hẳn, với sự trỗi dậy của các đối thủ Hàn Quốc và Trung Quốc. Những vấp ngã này đã khiến cho Panasonic thua lỗ nặng nề. Đầu tháng 2 vừa qua, Hãng cho biết mức lỗ dự kiến trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3 là 780 tỉ yen (tương đương 9,7 tỉ USD), một mức lỗ kỷ lục của Tập đoàn. Nguyên do là gánh nặng chi phí tái cấu trúc, đặc biệt ở mảng tivi. Thêm vào đó, Hãng phải ghi giảm giá trị tới 250 tỉ yen từ vụ mua lại Sanyo Electric.

Cũng phải nói thêm, Panasonic không là kẻ đơn độc. Cả 2 hãng sản xuất tivi khác của Nhật là Sony và Sharp cũng bị thua lỗ. Tính tổng cộng cả 3 công ty dự kiến lỗ 17 tỉ USD chỉ riêng trong năm nay. Nói điều này để thấy vấn đề của Panasonic không chỉ từ nội tại mà còn là do tình hình chung của thị trường: sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài, nhu cầu yếu và đồng yen mạnh đã khiến cho ngành điện tử Nhật rơi vào tình cảnh bi đát hiện nay.

Theo ông Steve Durose, nhà điều hành cấp cao tại tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, Panasonic đang tiến hành nhiều thay đổi với chương trình tái cấu trúc và đó là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, với việc đồng yen đang mạnh, dàn quản lý của Panasonic cũng bị bó giò.

Cũng do lo ngại về mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt và nhu cầu yếu đối với nhiều sản phẩm của Tập đoàn, 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm đều của Mỹ là Fitch Ratings, Moody’s và Standard & Poor’s gần đây đã đánh hạ bậc tín nhiệm của Panasonic.

Tsuga có thể làm gì?

Vực dậy bộ phận tivi sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với Tsuga. Tại một cuộc họp báo ở Osaka vào cuối tháng 2, Tsuga cam kết sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh khả năng sinh lợi của bộ phận tivi và sẽ đưa bộ phận này quay trở lại đường đua trong vòng 1-2 năm tới”. Thế nhưng, không mấy ai dám tin vào kỳ tích này.

Tsuga có thể phần nào nhẹ nhõm vì chi phí lao động - một gánh nặng - đã được cắt giảm một phần khi nỗ lực tái cấu trúc gần đây nhất của Ohtsubo đã giúp giảm 17.000 việc làm. Thế nhưng, gánh nặng chi phí lao động của Panasonic vẫn còn rất lớn. Hiện tại, Panasonic vẫn còn tuyển dụng khoảng 350.000 lao động trên toàn thế giới. Con số này gấp 3 lần so với Samsung và gấp đôi so với Sony, một công ty Nhật khác cũng đang trong tình cảnh khó khăn tương tự.

“Rủi ro lớn nhất vẫn là bộ phận tivi. Và thị trường nội địa Nhật, vốn là nguồn lợi nhuận chính của Panasonic, đã không còn tăng trưởng như trước đây nữa”, Yoshiharu Izumi, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Mỹ JP Morgan, nhận xét.

Ước tính đợt tái cấu trúc do Ohtsubo thực hiện sẽ giúp tiết giảm chi phí hoạt động khoảng 80 tỉ yen cho bộ phận tivi. Tuy vậy, Tsuga lại đang đối mặt với nhu cầu liên tục giảm mạnh. DisplaySearch, công ty nghiên cứu trong lĩnh vực màn hình phẳng, dự kiến doanh số bán tivi màn hình tinh thể lỏng toàn cầu sẽ giảm 8% chỉ còn 92 tỉ USD vào năm 2015. Số phận của tivi màn hình plasma - thị trường mà Panasonic chiếm lĩnh - còn tồi tệ hơn rất nhiều, khi được dự kiến sẽ giảm tới 38%, chỉ còn 7 tỉ USD.

Theo Shiro Mikoshiba, chuyên gia phân tích tại công ty tài chính Nhật Nomura Holdings, cho dù ông Tsuga muốn thoái khỏi lĩnh vực tivi thì cũng không phải là lựa chọn dễ dàng. Doanh số bán là 8.000 tỉ yen, trong số đó tivi chiếm 1.000 tỉ yen. Nếu Panasonic cắt đi sản phẩm này, họ cần phải thêm vào một sản phẩm khác. Nhưng thực sự là giờ họ không có sản phẩm nào thay thế cả.

Trước những vấn đề của Panasonic, Nobuo Kurahashi, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Nhật Mizuho Investors Securities, nhận xét: “Panasonic cần một kiểu quản lý mới để ra quyết định nhanh chóng và kịp thời hơn”. Tuy nhiên, Kurahashi cũng cho biết chưa rõ liệu Tsuga, ở vai trò mới, có thể tạo sức ảnh hưởng trong các quyết định của Tập đoàn hay không, khi hội đồng quản trị toàn là những nhà điều hành lớn tuổi hơn và nắm quyền quyết định trong tay. Chẳng hạn, khi không còn là Chủ tịch Panasonic, Ohtsubo sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị, tức vẫn là một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong công ty.

Tsuga cũng bị đặt nghi vấn về khả năng điều hành khi trong hơn 30 năm làm việc tại Panasonic, thành tích của ông không mấy ấn tượng. Tsuga tốt nghiệp Thạc sĩ khoa học chuyên ngành khoa học máy tính của Đại học California. Sau khi làm việc trong bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ ghi hình và xử lý hình ảnh video, ông đã trở thành một nhà điều hành tại Panasonic vào năm 2004. Đến tháng 4.2011, ông được giao phụ trách bộ phận nghe nhìn của Tập đoàn.

Trong những năm tháng tại Panasonic, thành tựu nổi bật nhất của ông cho đến bây giờ là đã giúp cải thiện được lợi nhuận của bộ phận điện tử ôtô. Tuy nhiên, giữa việc lèo lái bộ phận điện tử ôtô và đưa Panasonic thoát khỏi những khó khăn hiện tại, cả khách quan lẫn chủ quan, có sự khác biệt rất lớn.

Về con đường trước mắt của Panasonic, giới phân tích cho rằng Tsuga sẽ đưa Tập đoàn đi theo trọng tâm mới, trong đó có việc tập trung vào mảng pin năng lượng mặt trời và các hệ thống tiết kiệm năng lượng dành cho hộ gia đình.

Tốt nhất là Tsuga phải sớm ra quyết định về đường đi của Panasonic và nhanh chóng bắt tay hành động. Bởi lẽ, nhà đầu tư đang mất kiên nhẫn khi cổ phiếu của Tập đoàn đã trượt dài qua nhiều năm. Kể từ khi Ohtsubo trở thành Chủ tịch vào tháng 6.2006, cổ phiếu của Panasonic đã giảm hơn 60% giá trị, gấp đôi mức giảm của chỉ số Nikkei trong cùng thời kỳ.

(Tổng hợp)

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11848