Thách đấu trực tuyến bán rẻ cả phẩm giá và đạo đức: Giải pháp nào ngăn chặn?

Những buổi thách đấu (PK) trực tuyến bất chấp phẩm giá và đạo đức đã và đang gây nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt là với giới trẻ.

PK bất chấp đạo đức và phẩm giá

Như đã thông tin ở bài "Việc nhẹ lương cao" từ PK trên Tiktok, nhiều người bán rẻ cả phẩm giá", tình trạng thách đấu trực tuyến phản cảm đang trở nên đầy rẫy và khó kiểm soát trên các nền tảng mạng xã hội. Vì mục đích kiếm tiền, một số người trẻ sáng tạo nội dung làm đủ mọi cách nhằm thu hút sự chú ý, nhận quà tặng từ người xem.

Đáng lên án, một số hành động yêu cầu thực hiện khi thua thách đấu có thể không màng đến lòng tự trọng, phẩm giá, ý thức vệ sinh, nhận định đúng - sai, hay thậm chí là bỏ qua quyền cơ bản của một con người.

Nam thanh niên chấp nhận trét phân vào mặt khi thua kèo PK

Trao đổi với Báo Công Thương, Tiến sĩ Lưu Hồng Minh, Nguyên Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Ở trên các nền tảng mạng xã hội, những thông tin lệch chuẩn chiếm phần lớn so với các thông tin hay, thông tin chính xác. Trong môi trường con người không gặp trực tiếp mặt đối mặt, họ dễ bị thu hút, cuốn hút và tò mò vào những hình ảnh, thông tin lệch chuẩn, phản cảm”.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bên cạnh các thông tin hữu ích liên quan tới nhu cầu hoặc nghĩa vụ của mình thì công chúng luôn thích thú khi theo dõi những thông tin có tính chất ngược chiều hoặc kích thích trí tò mò. Đây là căn nguyên dẫn tới các dạng livestream phản cảm trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

“Khi tham gia vào một cộng đồng, một hoạt động tập thể, công chúng chỉ xuất hiện dưới dạng một tên ảo (nickname) và một hình đại diện (avatar) và nhiều khi tên cũng như hình đại diện không thật. Điều này khiến cho sự chế định về ý thức xã hội của người tham gia trong cộng đồng bị giảm đáng kể so với các sinh hoạt trong không gian thực, khi công chúng phải mặt đối mặt với nhau trong thực tế. Chính tính chất ảo này đã làm gia tăng các tương tác “bẩn” trên không gian internet cũng như công chúng có thể vô tư ủng hộ các hoạt động livestream phản cảm” - Tiến sĩ Phan Văn Kiền nhận định.

Tại sao những hành động phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục lại xuất hiện ngày càng nhiều và tràn lan trên mạng xã hội? Thực trạng này cũng phải nhắc đến việc sử dụng thuật toán phân phối để tạo nên các nội dung xu hướng trong các nền tảng mạng xã hội thông dụng tại Việt Nam. Điều này cho phép những nội dung, xu hướng độc hại phát tán đến giới trẻ rất nhanh chóng và trên một diện rộng.

Những hành vi xấu, độc hại đặc biệt nguy hiểm với giới trẻ, bởi họ là độ tuổi vẫn còn trong giai đoạn phát triển về nhận thức nên chưa đủ bản lĩnh để phân định đúng – sai. Không chỉ dừng lại là những sản phẩm văn hóa nhảm nhí, vô bổ, những hành vi này có thể tác động tiêu cực tạo ra một thế hệ suy nghĩ lệch lạc, phiến diện, hoặc hạ thấp thị hiếu.

Cần giáo dục kỹ năng tham gia mạng xã hội cho học sinh

Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Minh, khác với thế hệ trước đây, trẻ em ngày nay được tiếp xúc với mạng xã hội ngày càng sớm, thời gian tiếp cận thông tin trên mạng xã hội nhiều. Vì vậy, giáo dục ý thức trong việc tiếp cận thông tin là điều quan trọng.

Một số mạng xã hội giới hạn độ tuổi sử dụng là 13 nhưng không có biện pháp ngăn chặn người dưới độ tuổi này sử dụng ứng dụng

Cũng theo chuyên gia, việc giáo dục phải đến từ cả gia đình, nhà trường và xã hội. Cần phải giáo dục cho con em từ những cấp độ khác nhau, nhận thức đúng - sai, biết phân biệt đâu là xấu đâu là độc hại để tránh.

Tiến sĩ Lưu Hồng Minh đề nghị, khi khoa học công nghệ phát triển, nhiều hình thức mới xuất hiện mà không có quy định trong các văn bản pháp luật, không có trong xã hội truyền thống. Mỗi khi hình thức mới xuất hiện là các văn bản, chính sách lại chậm hơn một bước. "Chúng ta cần phát hiện và có những ngăn chặn ngay hoặc thay đổi, cập nhật quy định, chính sách phù hợp với sự thay đổi đó", Tiến sĩ Lưu Hồng Minh nói.

Giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho trẻ ngay từ sớm là điều cần thiết

Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Văn Kiền cho rằng, kỹ năng tham gia mạng xã hội và internet cần được giáo dục như kỹ năng sinh tồn hoặc kỹ năng mềm cho học sinh từ giai đoạn cuối bậc tiểu học hoặc đầu bậc trung học cơ sở. Song song với đó, cần có các khóa tập huấn kỹ năng và văn hóa sử dụng mạng xã hội và tham gia internet cho các nhóm công chúng khác nhau.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin./.

Khánh Ly

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thach-dau-truc-tuyen-ban-re-ca-pham-gia-va-dao-duc-giai-phap-nao-ngan-chan-280961.html