Thạc sỹ bỏ bục giảng về khởi nghiệp từ 300 nghìn thành 'vua dế'

Làm thế nào một thầy giáo từng rất bình thường lại có thể trở thành ông chủ một trang trại côn trùng vua dế lợi nhuận gần 1 tỷ mỗi năm?

Làm thế nào một thầy giáo từng rất bình thường lại có thể trở thành ông chủ một trang trại côn trùng lợi nhuận gần 1 tỷ mỗi năm? Trên thực tế, thành công không đến từ may mắn mà đó là cả một thuật toán.

Sinh ra tại làng quê nghèo thuộc xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu (Nghệ An), Nguyễn Thế Thắng tốt nghiệp đại học và trở thành thầy giáo dạy môn Toán ở Trường THPT Nguyễn Văn Tố (Diễn Châu). Tuy ngày ngày đi giảng dạy nhưng thầy giáo trẻ lại có một niềm đam mê đặc biệt với loài dế. Theo Vietnamnet, năm 2010, anh Thắng quyết định nghỉ dạy chuyển vào TP. Vinh sinh sống để chuyên tâm vào việc nghiên cứu và nuôi dế, bỏ ngoài tai sự cấm cản của gia đình, làng xóm.

Vua dế khởi nghiệp từ 300 nghìn đồng

Vua dế Nguyễn Thế Thắng. Ảnh Vietnamnet

Vua dế Nguyễn Thế Thắng. Ảnh Vietnamnet

Ban đầu, anh Thắng đặt mua trứng dế tại Hà Nội để nuôi gây giống với 300 nghìn đồng, sau đó tự học kỹ thuật nuôi trên mạng Internet. Ngày qua ngày chăm sóc theo dõi, những chú dế đầu tiên đã ra đời. Thời gian đầu, anh mất ăn mất ngủ để nuôi dế con. Ấp nở và nuôi thành công lứa dế đầu tiên, anh Thắng lại đến các quán nhậu để chào hàng. Nhiều chủ nhà hàng lắc đầu từ chối, anh liền thuyết phục họ cho mượn bếp và trực tiếp chế biến dế rồi mời ăn thử, tuy nhiều người dù khen ngon nhưng vẫn chưa dám đưa món dế vào thực đơn phục vụ khách hàng.

Theo báo Nghệ An, không nản lòng ở đó, anh tiếp tục tìm đọc nhiều loại sách báo nói về loài dế và củng cố cơ sở khoa học đây là loại côn trùng có nhiều chất dinh dưỡng, lành tính; sau đó anh thuê mặt bằng tại đường Phong Định Cảng (TP. Vinh) để mở quán dế, lấy tên con gái đầu đặt cho quán là 'Trại dế Lan Hương', kỳ công chế biến món ăn và mời bạn bè thân quen đến ăn thử để giới thiệu.

Dần dà, khách tò mò tìm đến quán thưởng thức các món chế biến từ dế nuôi của anh Thắng ngày càng đông. Thực đơn cũng ngày càng phong phú: dế chiên giòn, dế nướng, dế chiên bột, dế rang muối ớt, dế kho tiêu, dế chiên bơ.. Sau đó anh Thắng mở thêm một quán ăn mang tên Dế Mèn ở Hà Tĩnh, tuy nhiên mức độ tiêu thụ dế vẫn hạn chế. Anh Thắng lại tìm đến các cơ sở bán chim cảnh để tiếp thị. Khi có được thị trường tiêu thụ khá rộng, anh Thắng lập trang web, phổ biến nghề nuôi dế.

Năm 2013, anh quyết định học thạc sỹ quản lý kinh tế, đề tài bảo vệ luận văn tốt nghiệp “Dế mèn học”. Anh Thắng lý giải, việc đi học là để anh trau dồi thêm kiến thức và dễ dàng truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều người hơn.

Cũng theo báo Nghệ An, đến nay, đã có gần 400 hộ dân các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình được anh hướng dẫn kỹ thuật nuôi dế và nhận bao tiêu sản phẩm. Gần 289 hội viên ở các tỉnh miền Trung đang nuôi dế cung cấp cho anh và các đại lý, nhà hàng. Ngoài ra anh còn xuất bán dế ra một số tỉnh miền Bắc, sang Lào, có cả khách hàng CH Séc…

Món dế rang lá chanh đặc sản được nhiều người ưa thích. Ảnh Vietnamnet

Từ vua dế đến vua..côn trùng

Theo Vietnamnet, từ thành công nuôi dế để cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn TP. Vinh, anh Thắng tiếp tục phát triển thêm nhiều loại côn trùng để làm món ăn lạ khác như: rắn mối, kỳ nhông, bọ cạp, tắc kè..

Lồng nuôi tắc kè của anh Thắng. Ảnh Vietnamnet

Anh Thắng chia sẻ với Vietnamnet, nhờ nuôi dế nên anh rất dễ phát triển các loại côn trùng khác, vì dế lại là thức ăn của chúng. Hiện thầy giáo trẻ ngày nào đã có 176 đại lý phân phối các thương phẩm như dế, rắn mối, tắc kè... Ngoài ra, có 316 thành viên được anh cung cấp dế để nuôi phát triển khu vực 5 tỉnh miền Trung.

Với thành công không tưởng, thạc sỹ kinh tế được bạn bè đặt cho biệt danh “Vua côn trùng Thắng dế”. Sự nghiệp của thầy giáo trẻ năm nào bỏ bục giảng về nuôi dế Nguyễn Thế Thắng là một minh chứng điển hình cho triết lý: Thành công không đến từ may mắn mà đó là cả một thuật toán.

Hoàng Linh (T/h)

Hoàng Linh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thac-sy-bo-buc-giang-ve-khoi-nghiep-tu-300-nghin-thanh-vua-de-d105126.html