Thạc sĩ, tác giả Lê Thế Song: Yêu nghề, nghề không phụ

Trong khi đội ngũ tác giả viết cho sân khấu Chèo đang bị lo lắng là thiếu lớp kế cận, tác giả Lê Thế Song vẫn là một trong số ít những người đắm đuối với Chèo. Có lẽ, 'yêu nghề, nghề không phụ' nên anh liên tục gặt hái nhiều thành công qua các giải thưởng và cũng là một trong những cặp đôi được tin tưởng giao viết kịch bản, tổng đạo diễn nhiều sự kiện, lễ hội nhiều năm gần đây.

Trò chuyện với chúng tôi vào một chiều cuối năm đầy tất bật, tác giả Lê Thế Song cho biết, năm 2022 là một năm vô cùng bận rộn nhưng cũng “bội thu” của ông và Thạc sĩ, nghệ sĩ Xuân Hồng – người vợ và cũng là bạn đồng hành nhiều năm qua trong hoạt động nghệ thuật.

Một cảnh trong vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu”.

Tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 có đến 4 tác phẩm có tên của Lê Thế Song. Trong đó, vở “Thiên duyên huyền tích” (tác giả: Hoàng Luyện, chuyển thể Chèo: Lê Thế Song, đạo diễn: NSƯT Lê Thanh Tùng) đoạt Huy chương Vàng và một vở khác về cố Tổng Bí thư Trường Chinh do Nhà hát Chèo Nam Định dàn dựng được trao Huy chương Bạc. Tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022, vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” (tác giả: Lê Thế Song, Xuân Hồng, đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên, NSND Tống Toàn Thắng) cũng đoạt Huy chương Vàng…

Thực tế, đây cũng mới chỉ là một phần rất nhỏ trong “gia tài” của Lê Thế Song. Ước tính, đến thời điểm hiện tại, Lê Thế Song đã viết hoặc chuyển thể kịch bản gần 50 tác phẩm. Ông cũng là tác giả được nhiều đơn vị nghệ thuật chọn tác phẩm để dàn dựng hoặc đặt hàng viết kịch bản để dàn dựng, đưa dự thi các Liên hoan, hội diễn. Cá biệt, tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019, trong tổng số 24 vở diễn dự thi, có tới gần 10 vở Lê Thế Song đứng tên tác giả, kịch bản.

Ngoài kịch bản sân khấu, nhiều năm trở lại đây, tác giả Lê Thế Song và nghệ sĩ Xuân Hồng được tin cậy giao viết kịch bản và đạo diễn nhiều chương trình, lễ hội lớn. Trong đó, Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2022, Lê Thế Song tham gia với vai trò tác giả kịch bản là sự kiện khó quên với chính ông và các nghệ sĩ…

Về lĩnh vực này, Lê Thế Song cho biết, vì vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn, ông có cơ hội và đã mạnh dạn đưa các lớp diễn của sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống vào trong các lễ hội. Có lớp diễn là Kịch, có khi là Quan họ, có khi là Chèo, Cải lương. Lễ hội thu hút đông đảo công chúng, qua đó, giá trị của nghệ thuật truyền thống, của sân khấu được phát huy, lan tỏa rộng rãi hơn.

Mặc dù “lãnh địa” hoạt động rộng nhưng Lê Thế Song thừa nhận, gốc chính của ông vẫn là Chèo. Sinh ra từ làng Ngò, huyện Lý Nhân, Hà Nam, ngay từ ấu thơ, Lê Thế Song đã được đắm mình trong những làn điệu Chèo quê hương. Khi nên duyên cùng nghệ sĩ Xuân Hồng – con gái của nhà viết kịch Hoàng Luyện, ông có thêm một tri kỷ, người bạn đồng hành trong phần lớn các dự án nghệ thuật.

Nghệ sĩ Xuân Hồng luôn là người thẩm định kịch bản đầu tiên của ông và sẵn sàng góp ý, đóng góp và thậm chí tranh luận để ông điều chỉnh và hoàn thiện tác phẩm. Sống trong một gia đình nghệ sĩ, ông may mắn được thừa hưởng kho sách quý của bố vợ, học hỏi được rất nhiều từ cách bố cục, kết cấu kịch bản. Sự hậu thuẫn từ gia đình giúp ông ngày càng vững bước trên con đường hoạt động nghệ thuật, mặc dù có thời điểm đã phải làm nhiều việc để kiếm sống, kể cả làm bốc vác, thợ hồ, đãi vàng.

Ngay thời điểm cả nước căng thẳng vì đại dịch COVID-19, Lê Thế Song vẫn cần mẫn sáng tác, liên tục cùng nghệ sĩ Xuân Hồng và nhiều đồng nghiệp khác cho “ra lò” nhiều sản phẩm mới. Khoảng 40 bài hát theo các làn điệu chèo, cải lương, quan họ với chủ đề phòng, chống dịch COVID-19 đã được ông sáng tác, nhiều ca khúc được chia sẻ, lan tỏa bởi nhiều giọng ca nổi tiếng.

Những cống hiến của ông cũng đã được ghi nhận bằng ba giải thưởng trong Cuộc thi Bình chọn các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2021; giải A cuộc thi sáng tác đề tài phòng, chống COVID-19 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam...

Tác giả Lê Thế Song còn cho biết, trong khoảng 20 năm qua, ông cùng vợ rong ruổi khắp mọi miền đất nước, thực hiện các dự án nghệ thuật, ông không nhớ hết mình đã thực hiện bao nhiêu chương trình, dự án. Nhưng có một điều ông chắc chắn, đó là các dự án, các chuyến đi đã giúp bản thân cùng vợ làm giàu hơn rất nhiều về kinh nghiệm, vốn sống, vốn văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống các dân tộc. Càng hiểu, càng yêu các di sản văn hóa quý giá của cha ông, hai vợ chồng càng nỗ lực sáng tạo, càng động viên nhau cố gắng phát huy các di sản văn hóa ấy nhiều hơn, đa dạng hơn.

Những ngày này, ông cùng vợ nhận nhiều tin vui khi một số kịch bản được nhiều đơn vị thông báo dàn dựng. Tuy nhiên, soạn giả cũng cho rằng, nghề viết vô cùng gian nan. Nếu mỗi năm chỉ viết vài vở thì khó sống được bằng nghề. May mắn là ông và vợ vẫn liên tục nhận được nhiều lời mời tham gia các chương trình, sự kiện lễ hội.

Hiện tại, Lê Thế Song và nghệ sĩ Xuân Hồng đang tập trung cho nhiều sự kiện có quy mô lớn, trong đó có Lễ hội Mẫu Đông Cuông, Lễ hội Yên Thế, chương trình thực cảnh về Hồ Gươm… Hy vọng, đây sẽ là khởi đầu cho một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc trong bận rộn với các dự án nghệ thuật mới.

Phạm Thị Bích Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/thac-si-tac-gia-le-the-song-yeu-nghe-nghe-khong-phu-i680563/