Tết Việt trong lòng người nước ngoài

Tết Nguyên đán không chỉ là dịp lễ đặc biệt của người Việt Nam, mà còn để lại ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế. Ðược trải nghiệm, hòa mình vào không khí tết cổ truyền nơi đây, những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Phú Yên cảm nhận nhiều nét đẹp trong ngày tết đoàn viên của người Việt.

Cô Elyse LacKey cùng chồng và hai con. Ảnh: NGỌC DUNG

Thú vị, ý nghĩa

Những ngày giáp tết, phố phường Tuy Hòa tràn ngập sắc hoa. Nhìn ngắm mọi người vui vẻ, tất bật mua sắm, trang hoàng nhà cửa, lòng Emma Miller, giáo viên dạy ngoại ngữ ở Trường phổ thông Duy Tân cảm thấy yên bình.

Với Emma, Phú Yên có bãi biển, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, hiếu khách. Cô thích tiết trời mùa xuân nắng ấm, muôn hoa khoe sắc nơi đây. “Tôi và các bạn ngoại quốc có tình cảm đặc biệt với vùng đất này”, cô giáo người Scotland mỉm cười.

Emma không khỏi thích thú khi thấy phong tục đón tết của Việt Nam và quê hương cô có nhiều nét tương đồng: “Người Scotland cũng quan niệm tết là sự khởi đầu mới. Ngày cuối năm các gia đình đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Vào đêm giao thừa, chúng tôi ngắm pháo hoa, uống whisky và hát bài dân ca truyền thống Auld Lang Syne hoài niệm về những ngày tươi đẹp đã qua, rồi cùng nhảy múa trong không khí náo nhiệt đón mừng năm mới. Giống như người Việt, chúng tôi cũng có tục xông đất, các gia đình thường mời một người đàn ông cao lớn, tóc đen ghé thăm nhà để đón may mắn trong ngày đầu năm”.

Ðây là năm thứ hai Emma ăn tết ở Việt Nam. Cô thích ẩm thực đất Phú và những nét đẹp trong văn hóa ngày tết nơi đây. Emma nói: “Năm ngoái, tôi được hàng xóm mời tới nhà dùng bữa với bánh chưng, giò, chả, nem rán.... Các món ăn đều rất hấp dẫn. Mọi người ngồi bên nhau ăn uống trò chuyện vui vẻ, gương mặt ai cũng hân hoan, rạng ngời. Tôi thích nhìn trẻ em xúng xính trong những bộ quần áo mới, thích văn hóa lì xì và những lời chúc tốt lành mọi người dành cho nhau trong năm mới ”.

Cô Emma Miller. Ảnh: NGỌC DUNG

Tết của tình thân

Gần 10 năm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, nhất từ khi trở thành con dâu Phú Yên, ngày tết với Chloe Elyse LacKey - giáo viên người Mỹ ở Trung tâm Anh ngữ Elli (phường 7, TP Tuy Hòa) càng trở nên đặc biệt. Với cô giáo này, Phú Yên giờ đây là quê hương thứ hai. Ở đây, Chloe có một gia đình hạnh phúc bên anh Lê Sỹ Duy cùng 2 cậu con trai nhỏ kháu khỉnh, đáng yêu.

Vì gia đình chồng là người Việt nên Chloe cũng học cách chuẩn bị tết như phụ nữ Việt hay làm. Những ngày giáp tết, cô dành thời gian đi mua sắm, trang trí nhà cửa, còn chồng cô thì xuống phố chọn mua những nhành hoa tuyết mai - loài hoa mà cô yêu thích để trưng trong nhà.

Chloe thích những chiều cuối năm ngồi phụ mẹ chồng gói bánh tét, nấu các món ăn truyền thống, bày mâm ngũ quả, làm mâm cơm cúng tất niên và cùng chồng đón chờ thời khắc giao thừa thiêng liêng…

Sáng mùng một, sau khi chúc tết mẹ chồng, vợ chồng cô Chloe về Hòa Ðịnh Ðông (huyện Phú Hòa) để viếng mộ ba chồng, gặp gỡ họ hàng.

Chloe chia sẻ: “Không khí sum họp đầm ấm này làm tôi nhớ tới lễ Giáng sinh ở Mỹ. Tôi yêu tết và Giáng sinh, cả hai đều là thời gian để mọi người trở về bên gia đình”. Năm nay, niềm vui của Chloe như nhân đôi khi ba mẹ sang đón tết cùng gia đình cô, vừa kết hợp đi du lịch tìm hiểu đất nước Việt Nam.

Giống như Chloe, chàng rể Việt GaYan Krishantha đến từ quốc đảo Sri Lanka cũng rất thích khoảng thời gian ở bên gia đình trong ngày xuân sum họp. Sau 20 năm làm trong ngành dịch vụ ăn uống tại nhiều nước trên thế giới, năm 2016, GaYan sang Việt Nam làm giám đốc bộ phận ẩm thực trong các nhà hàng, resort cao cấp ở Nha Trang, Phú Quốc.

Tại đây, anh gặp gỡ, kết duyên cùng chị Nguyễn Thị Thu Hà, người Phú Yên. Năm 2020, GaYan về quê vợ lập nghiệp, mở nhà hàng HaYan Taste of the World (phường 1, TP Tuy Hòa) với mong muốn mang hương vị ẩm thực của các nước Ấn Ðộ, Ý, Thái Lan, Mexico xa xôi đến với vùng đất này.

Anh GaYan Krishantha. Ảnh: NGỌC DUNG

Hơn 3 năm ở Phú Yên, điều mà anh ấn tượng nhất là không khí gia đình sum họp và các phong tục truyền thống ngày tết được chú trọng gìn giữ. GaYan nói: “Ở Việt Nam, mọi người đón tết với kỳ nghỉ dài, người lao động nghỉ làm nhưng vẫn được trả lương. Tôi ấn tượng với cách mà Chính phủ Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện cho người dân ăn tết, “hưởng” tết”.

Tết của Sri Lanka chỉ kéo dài 2 ngày, năm mới bắt đầu vào trung tuần tháng 4 dương lịch. Trong ngày tết, người dân ở miền đất Phật giáo này thường chế biến súp xoài mangai-pachadi, bánh gạo kiribath nấu bằng nước dừa và bánh rán kokis...

Anh chia sẻ: “Ở Sri Lanka chỉ có người già lưu giữ phong tục truyền thống, còn ở đây hầu như thế hệ nào cũng biết phong tục ngày tết. Ðiều này làm cho Việt Nam trở nên đặc biệt. Tôi yêu sự trở về của những người con đi xa trong dịp tết - đây là cách tuyệt vời để duy trì giá trị gia đình, gắn kết tình thân, gìn giữ phong tục văn hóa truyền thống và nguồn cội của người Việt”.

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313118/tet-viet-trong-long-nguoi-nuoc-ngoai.html