Tết Việt sớm ở Pháp

Năm nay, kỳ nghỉ đông tại Pháp bắt đầu từ mùng 1 Tết Giáp Thìn (10-2-2024). Nhiều kiều bào tranh thủ về quê hương đón xuân nên các hội đoàn của người Việt ở Pháp cũng tổ chức lễ hội Tết 2024 sớm hơn mọi năm.

Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp vừa thông báo tổ chức sự kiện Journeé de Bánh Chưng 2024 với chủ đề “Tết này có bánh chưng không con?” vào 28-1-2024 tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Trong khi luộc và chờ bánh chín, các bạn trẻ xa nhà sẽ cùng nhau tham gia trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, hát karaoke.

Chị Vũ Trà Mi và quầy ẩm thực trong các lễ hội văn hóa Việt tại Pháp

Đã thành thông lệ, nhiều người Việt ở Paris (Pháp) dịp này bắt đầu đếm ngược đến phiên Chợ Tết Giáp Thìn (27 và 28-1-2024) do siêu thị Thanh Bình Jeune - một trong những chợ Việt Nam đầu tiên tại Pháp, tổ chức. Ban tổ chức phiên chợ này cầu kỳ mang sang Paris những xe bán hàng rong xịn để tái dựng không gian ẩm thực đường phố vào dịp tết cổ truyền: xe bán phở, xe nước mía nước dừa, xe chuối chiên, xe bò bía, góc cà phê trà đá... Từ tuần này, Thanh Bình Jeune cũng bắt đầu quảng bá các góc chụp ảnh tết, danh sách nghệ sĩ tham gia biểu diễn phục vụ kiều bào ngày xuân.

Chợ tết có quy mô lớn nhất tại Pháp chính là Chợ Tết Baltard do Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) tổ chức. Chợ Tết Baltard 2024 diễn ra vào 3-2-2024 tại Pavillon Baltard, cách trung tâm Paris khoảng 10km. Tết Việt diễn ra vào mùa đông nên khu chợ xây bằng sắt như Pavillon Baltard, rộng khoảng 3.000m2 luôn là địa điểm phù hợp để UGVF tổ chức lễ hội lớn bậc nhất trong năm này. Sẽ có khu dành cho các quầy ẩm thực, sân khấu biểu diễn văn nghệ riêng, khu trò chơi dân gian cho trẻ em, khu tổ chức khiêu vũ và hát karaoke...

Đến hẹn lại lên, Vũ Trà Mi (chủ nhà hàng Chez Tra Mi tại Paris) cùng bạn bè đồng hương trong nhóm Tâm Duyên ở Pháp chuẩn bị nhiều món ăn ngon và đồ thủ công mỹ nghệ đẹp để giới thiệu tại Chợ Tết Baltard 2024. Tham gia gian hàng ẩm thực năm ngoái, Trà Mi kể: “Đó cũng là năm ban tổ chức bắt đầu cho thuê gian hàng nên em đăng ký vào bán, chuẩn bị chủ yếu các món gà nướng, thịt nướng, bò sốt vang, thịt kho, chả giò. Sự kiện nào cũng thế, cứ thấy quầy bán thức ăn Việt là người ta hỏi mua nem. Sau nem là bò bún (bún thịt bò xào) cũng bán rất chạy. Món bò bún ở đây có nhiều phiên bản và được người Pháp xếp vào họ salad. Bò bún nghĩa là thịt bò rồi nhưng người ta vẫn cứ gọi là bò bún gà, bò bún tôm... rất ngộ nghĩnh”. Cận tết, các nhà hàng thường chóng mặt với thực đơn đặt tiệc hoặc đặt bánh chưng, giò chả, thịt kho, dưa hành... Nhưng Trà Mi bảo “bận đến đâu cũng phải làm tết cho con cái hiểu tết. Mệt đến mấy cũng vẫn muốn mặc áo bà ba hoặc áo dài cách tân đứng hơn chục tiếng nấu nướng phục vụ khách ở chợ tết cho đúng văn hóa Việt”.

Dần nhận ra ở các nước có đông người Việt định cư như Pháp, việc đón tết cổ truyền cũng ngày càng to hơn. Danh tiếng của tết vì thế càng lan rộng. Thậm chí, siêu thị của người bản xứ như Leclerc, Carrefour, Lidl dịp này cũng bắt đầu cho in tờ rơi, xuất bản catalogue và trang trí nổi bật các góc trưng bày sản phẩm theo chủ đề tết, tăng cường bún khô và bánh đa nem, nem tươi, giò chả tươi, cơm chiên...

Một cảnh Chợ Tết Baltard ở Pháp

Chợ Tết Baltard ở Pháp chỉ diễn ra một ngày nên khách dồn về rất đông. Năm nay, các quầy ẩm thực đầu tư nhiều món ăn hơn với số lượng lớn hơn và kết hợp các dịch vụ khác để hấp dẫn du khách dừng chân. Năm ngoái, gian hàng của Trà Mi đã phối hợp với Tiệm Mọt vừa bán đồ ăn vừa bán sách Việt. Còn tết này, trong khi chờ ăn nem, bò bún của Chez Tra Mi thì khách có thể ngắm, mặc thử và sắm áo dài, áo bà ba, đồ thủ công mỹ nghệ, món ăn vặt, đồ khô đặc sản Việt Nam của VyParis Boutique. Cách kết hợp này vừa trợ giúp được nhau lúc đông khách, vừa cộng hưởng quảng bá văn hóa.

LÂM VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-viet-som-o-phap-post722625.html