Tết Việt dùng hàng Việt

Dịch Covid-19 bùng phát làm nhiều quốc gia thực hiện chính sách 'bế quan tỏa cảng', nên Tết này hầu hết các đơn vị kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu lựa chọn các sản phẩm Việt Nam để phục vụ người dân.

Khoảng 40% số hàng Tết đã được chuyển về siêu thị Big C Hải Dương

Khoảng 40% số hàng Tết đã được chuyển về siêu thị Big C Hải Dương

Thời điểm này, các doanh nghiệp (DN), siêu thị đã nhập hàng về kho, chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Để kích cầu tiêu dùng trong nước, phần lớn các đơn vị đều ưu tiên nhập hàng và tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam.

Ưu tiên hàng Việt

Việc tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng không thực sự thiết yếu như bánh kẹo, đồ uống trên địa bàn tỉnh trong năm nay gặp nhiều khó khăn. Do dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề phải thực hiện chính sách "bế quan tỏa cảng" hoặc kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại. Hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc nhập khẩu hàng Tết của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hưởng ứng phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhiều đơn vị kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã ưu tiên lựa chọn các sản phẩm "Made in Việt Nam" để phục vụ người dân trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Đến nay, siêu thị Lan Chi Mart ở TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn đã nhập khoảng 40% lượng hàng Tết theo kế hoạch về kho hàng. Dự kiến đến trung tuần tháng 1.2021, 60% lượng hàng Tết còn lại sẽ được chuyển về kho của siêu thị. Hằng năm, để chuẩn bị nguồn hàng Tết, từ 4 tháng trước Tết Nguyên đán, siêu thị đã xây dựng kế hoạch, ký hợp đồng với các nhà cung cấp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa. "Mọi năm, tỷ lệ hàng ngoại trong siêu thị chiếm khoảng 30%, trong đó chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng đồ uống như rượu bia, bánh kẹo, nhưng dịp Tết này hệ thống siêu thị LanChi Mart chủ yếu cung cấp hàng Việt Nam. Tỷ lệ hàng Việt trong dịp Tết này dự kiến chiếm hơn 80%", chị Nguyễn Thị Hồng Quảng quản lý siêu thị LanChi Mart tại Hải Dương chia sẻ.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Tân Sửu 2021, nhưng hiện nay các mặt hàng phục vụ Tết đã rất phong phú. Công ty TNHH Bán lẻ BRG tại Hà Nội đã vận chuyển những chuyến hàng Tết về trưng bày tại siêu thị BRG Mart trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương). Siêu thị hiện có trên 13.000 mã sản phẩm các loại. Từ ngày 20.12 đến nay, trung bình mỗi ngày siêu thị này nhập về từ 2,5 - 3 tấn hàng hóa; dự kiến đến cuối tháng 12 sẽ nhập về khoảng hơn 80% lượng hàng Tết. Để có hàng phục vụ Tết, Công ty TNHH Bán lẻ BRG đã ký hợp đồng với gần 700 nhà cung cấp. Theo kế hoạch, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ của Công ty TNHH Bán lẻ BRG sẽ tăng khoảng 10% so với Tết Canh Tý 2020.

Là siêu thị lớn nhất trên địa bàn tỉnh, BigC Hải Dương hiện có khoảng 20.000 mã sản phẩm các loại. Trong đó, khoảng 70% lượng hàng hóa là sản phẩm thiết yếu phục vụ Tết. Đến đầu tháng 1.2021, 90% lượng hàng Tết sẽ được chuyển về kho của siêu thị. 10% còn lại là hàng tươi sống sẽ được chuyển về trong dịp áp Tết. Theo bà Vũ Thị Sen, Giám đốc siêu thị BigC Hải Dương, từ tháng 8.2020, đại diện hệ thống siêu thị BigC đã làm việc với gần 1.000 nhà cung cấp để cung ứng hàng hóa Tết. Theo kế hoạch, hàng Tết dự trữ tại BigC Hải Dương sẽ tăng khoảng 5% so với Tết năm ngoái do vừa để phục vụ nhu cầu của người dân, vừa trữ hàng thiết yếu khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. "Do nhiều hàng nhập khẩu năm nay không về được nên siêu thị chuyển sang nhập hàng nội. Tỷ lệ hàng Việt Nam dịp Tết này sẽ tăng từ 3 - 5% so với năm ngoái", bà Sen cho biết.

Từ ngày 20.12 đến nay, trung bình mỗi ngày siêu thị BRG Mart trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) nhập từ 2,5 - 3 tấn hàng Tết

Từ ngày 20.12 đến nay, trung bình mỗi ngày siêu thị BRG Mart trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) nhập từ 2,5 - 3 tấn hàng Tết

Bảo đảm nguồn cung
Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Dù Hải Dương là địa phương kiểm soát dịch tốt song kinh tế của tỉnh chịu ảnh hưởng không nhỏ do đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Theo quy luật, sức mua trên thị trường sẽ tăng dần vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do việc lưu chuyển, dự trữ hàng hóa giữa các DN bán buôn và nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.

Hiện nay các siêu thị, DN kinh doanh thương mại đều cam kết sẽ bảo đảm nguồn cung hàng hóa và bình ổn giá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Các đơn vị kinh doanh cũng sẽ tăng nguồn hàng dự trữ từ 5 - 7% để phục vụ nhu cầu nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Càng gần Tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu sẽ càng tăng mạnh. Theo Sở Công thương, dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết Tân Sửu 2021 tăng khoảng 15 - 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu của nhân dân tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, một số mặt hàng nông sản... Cụ thể, trong dịp Tết, người dân trên địa bàn tỉnh sẽ có nhu cầu tiêu thụ từ 5.000 - 6.000 tấn gạo, 3.000 - 4.000 tấn thịt, 8.000 - 10.000 tấn thủy sản, 700 - 800 tấn bánh kẹo, 15.000 - 17.000 lít đồ uống các loại...

Để chủ động chuẩn bị và dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công thương đã yêu cầu các DN sản xuất chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa. Cam kết không tăng giá đột biến, nhất là vào những ngày áp Tết. Các DN kinh doanh thương mại, quản lý các siêu thị chủ động phương án dự trữ hàng hóa, phối hợp tổ chức mạng lưới bán hàng tại địa phương góp phần bình ổn thị trường, nhất là địa bàn nông thôn, vùng xa trong tỉnh.

LAN NGUYỄN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/tet-viet-dung-hang-viet-155154