Tết về pháo lại 'nổ'

Trong những năm gần đây, khi bước vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán là tình trạng mua bán, vận chuyển pháo qua biên giới lại rộ lên trên khu vực Bắc Tây Nguyên. Nguyên nhân là do 'nguồn cầu' trong nước vẫn ở mức cao, kéo theo đó là lợi nhuận cực lớn thu về từ việc mua bán, cung cấp pháo nổ. Ở một khía cạnh khác, nhận thức về hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng này của công dân hai bên biên giới còn hạn chế, khiến cho hoạt động vận chuyển pháo nổ qua biên giới thêm phức tạp. Tết sắp về, pháo lại râm ran 'nổ' - một 'điểm hẹn' chẳng mấy người mong muốn, ngoài những kẻ chơi ngông.

Đối tượng Trần Văn Nhật vận chuyển 180kg pháo trái phép qua biên giới bị Đồn Biên phòng Sê San, BĐBP Kon Tum bắt giữ vào ngày 13-1-2021. Ảnh: Thái Kim Nga

Từ nguyên lý “túi bóng nước”

Nói là khu vực Bắc Tây Nguyên (Kon Tum và Gia Lai) nhưng thực chất hoạt động mua bán, vận chuyển pháo qua biên giới hầu như chỉ diễn ra trên địa bàn các huyện Ngọc Hồi, Ia H’Drai của tỉnh Kon Tum và Ia Grai, Đức Cơ của tỉnh Gia Lai. Đây là những địa phương chưa bao giờ “lặng tiếng pháo” trong 5 năm trở lại đây, với nguyên lý hoạt động theo kiểu “túi bóng nước”, bóp chỗ này thì phình chỗ kia.

Chúng tôi bắt đầu từ ngã ba Đông Dương, thuộc địa bàn biên giới của huyện Ngọc Hồi, nơi đã từng được biết đến như điểm đen lớn nhất trong nguyên lý hoạt động của “túi bóng nước”. Khoảng 3 năm trở về trước, nếu đến Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum vào thời điểm cận Tết là y như rằng lại nghe râm ran chuyện đánh bắt pháo qua biên giới. Có thời điểm pháo bắt về đồn một cách dồn dập, chưa kịp giám định vụ này đã phải “đón” vụ khác, mà số lượng có khi lên đến hàng tấn pháo các loại. Thậm chí, có những đối tượng đầu nậu trên địa bàn còn xây cả boong ke, lô cốt âm dưới nền nhà để trữ pháo, sẵn sàng cung cấp loại mặt hàng phi pháp này mọi lúc mọi nơi khi “thượng đế” có nhu cầu.

Thời gian gần đây, thực trạng mua bán, vận chuyển trái phép các loại pháo qua biên giới trên vùng ngã ba Đông Dương đã lắng xuống, nhờ lực lượng chức năng mà trực tiếp là BĐBP đánh mạnh và đánh trúng vào các “yết hầu” dọc hai bên biên giới. Cùng với việc đẩy mạnh công tác đối ngoại, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của tỉnh Attapư (Lào), BĐBP Kon Tum triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát, chốt chặn 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ kép đã khiến cho cung đường mang vác pháo qua biên giới của đám cửu vạn bị thu hẹp lại.

Đại úy H, một trinh sát dày dạn của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y cho biết: “Hoạt động mua bán, vận chuyển pháo qua biên giới tuy đã giảm sâu nhưng vẫn còn và thực tế là trong năm 2021, chúng tôi đã phát hiện 3 vụ pháo được tập kết dọc biên giới, trong đó, trực tiếp bắt 1 vụ, thu giữ khoảng 120kg, 2 vụ còn lại đề nghị lực lượng chức năng nước bạn Lào xử lý. Điều này chứng tỏ hoạt động phạm pháp này vẫn âm ỉ, song với cách bố trí lực lượng chặt chẽ, đấu tranh quyết liệt của BĐBP thì việc mang vác trót lọt pháo qua biên giới là hoàn toàn không dễ chút nào...”.

Cũng theo chia sẻ của Đại úy H, một yếu tố quan trọng khiến cho hoạt động mua bán, vận chuyển pháo qua biên giới trên ngã ba Đông Dương “hạ nhiệt”, đó là lực lượng làm công tác nghiệp vụ của BĐBP Kon Tum đã “nhìn thấy mặt, chỉ được tên” các đối tượng có liên quan trên địa bàn. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân được đẩy mạnh đã từng bước chuyển hóa địa bàn, hạn chế xuống mức thấp nhất thực trạng mua bán, vận chuyển pháo nổ qua biên giới.

Mặc dù vậy, những tín hiệu khả quan nêu trên không có nghĩa là hoạt động phạm pháp này đã lắng xuống, mà ngược lại với nguyên lý “túi bóng nước”, pháo vẫn sẽ “nổ” khi Tết sắp về trên tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên.

... Đến những điểm đen ngược về phương Nam

Liên tiếp trong những ngày cuối năm, pháo liên tục “nổ” trên đoạn biên giới dọc con sông Sê San (tiếp giáp 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai) và khu vực cánh gà cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai). Ngày 24-11-2021, trên khu vực phía Nam sông Sê San, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Xuân Phúc và Vương Duy Thắng (cùng trú tại huyện Đức Cơ, Gia Lai) điều khiển xe ô tô 16 chỗ chở 559 hộp pháo nhãn hiệu Trung Quốc về thành phố Pleiku tiêu thụ. Qua điều tra ban đầu, 2 đối tượng này khai nhận, họ vận chuyển thuê cho 2 người đàn ông khác (không rõ địa chỉ) để lấy số tiền công 800.000 đồng, nhưng khi xe vừa chuyển bánh đã bị bắt gọn.

Đồn Biên phòng Ia Nan, BĐBP Gia Lai bắt giữ đối tượng Hoàng Văn Hiệp vận chuyển trái phép qua biên giới 94kg pháo các loại vào ngày 16-12-2021. Ảnh: Thái Kim Nga

Tiếp đến, ngày 16-12-2021, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Ia Nan, BĐBP Gia Lai phát hiện 3 đối tượng đang gùi trên lưng 3 bao tải pháo (tổng trọng lượng 94kg) từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bọn chúng đã “bỏ của chạy lấy người”, nhưng đối tượng Hoàng Văn Hiệp, 21 tuổi, trú tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ đã bị bắt giữ ngay sau đó. Bước đầu, đối tượng này khai nhận đã cùng với anh trai là Hoàng Văn Linh và đối tượng tên Tý (trú cùng xã) rủ nhau sang Campuchia cõng pháo thuê về Việt Nam để lấy tiền công...

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, Trung tá Hoàng Tuấn Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi vừa độc lập, vừa phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 6 vụ/6 đối tượng (trong đó có 3 vụ vắng chủ - PV), tổng số tang vật thu giữ lên đến hơn 560kg pháo các loại. Với đặc thù của đoạn biên giới nằm bên cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và những gì đã diễn ra trong vài năm qua cho thấy, nhiều khả năng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, hoạt động mua bán, vận chuyển pháo qua biên giới sẽ lại diễn biến phức tạp. Chúng tôi phải luôn chủ động bố trí lực lượng và lên các phương án đánh bắt hiệu quả nhất...”.

Không hề kém cạnh so với phía Nam sông Sê San, ở bờ Bắc “con sông năng lượng” nổi tiếng này (thuộc địa bàn biên giới tỉnh Kon Tum), pháo liên tục “nổ” khi năm hết Tết về. Ở đây pháo thường được các đối tượng tập kết sát biên giới bên đất bạn Campuchia, sau đó chờ thời cơ vận chuyển bằng cả trên bộ lẫn dưới sông để vào Việt Nam. Thời điểm giáp Tết năm ngoái, Đồn Biên phòng Sê San, BĐBP Kon Tum liên tiếp bắt giữ 2 vụ/2 đối tượng vận chuyển pháo trái phép qua biên giới với số lượng lên đến hơn 460kg.

Điểm đáng chú ý là hầu hết các “phi vụ làm ăn” bên bờ Bắc sông Sê San đều diễn ra với số lượng lớn, nên khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng thường phải “bỏ của chạy lấy người”. Năm nay, điểm nóng này cũng đã bắt đấu “rục rịch”, với phi vụ đầu tiên do đối tượng Nguyễn Ánh Dương, sinh năm 1978 vận chuyển trái phép hơn 130kg pháo bị Đồn Biên phòng Sa Thầy, BĐBP Kon Tum bắt giữ vào ngày 22-12-2021. Rõ ràng với những gì đã và đang diễn ra, khu vực sông Sê San thuộc địa bàn biên giới 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai đang trở thành “điểm đen” pháo lậu lớn nhất trong chiếc “túi bóng nước” trên tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tet-ve-phao-lai-no-post446809.html