Tết Trung Thu: Bao giờ trở lại ngày xưa?

Cảm giác về một Trung Thu cổ truyền như ở rất xa mà thay vào đó là một Trung Thu đầy tính thương mại, thuộc về người lớn.

Trong những ngày này, không khí chuẩn bị đón tết Trung Thu đã rộn rã trên khắp các phố phường, khu đô thị,…Điều đáng nói, trẻ con háo hức một thì người lớn lại chộn rộn đến hai, ba. Cảm giác về một Trung Thu cổ truyền như ở rất xa mà thay vào đó là một Trung Thu đầy tính thương mại, thuộc về người lớn.

Không những thế, những đồ chơi Trung Thu cho các em giờ cũng thưa dần các sản phẩm từ làng nghề truyền thống, thay vào đó là hàng ngoại nhập, trong đó không ít sản phẩm vừa độc hại vừa mang tính bạo lực.

Bao giờ Trung Thu lại như xưa (Ảnh minh họa)

Từ Tết của các em đang có xu hướng bị bóp méo...

Ngày Rằm tháng 8 còn được gọi là Tết Trung Thu hay Tết Trông Trăng, Tết Đoàn Viên. Với trẻ em, đây là ngày Tết được mong chờ nhất. Theo truyền thống, vào ngày này, các gia đình chuẩn bị và làm mâm cỗ cúng Rằm Trung thu sao cho đẹp mắt và đầy đặn.

Nhiều gia đình chuẩn bị các đồ chơi cho con trẻ, cho đi xem rước đèn ông sao, đi xem múa lân, hát các bài hát Trung Thu, ăn bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ.

Các đồ chơi ngoại tràn ngập phố Hàng Mã

Nói một cách ngắn gọn, Rằm tháng 8 phải làm một việc nôm na là “phá cỗ”. Thường thì người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng. Không phải cỗ mặn mà chủ yếu là bánh kẹo và hoa quả.

Người lớn không chỉ mua sắm, tổ chức, hướng dẫn cho con trẻ, mà cũng cùng các em vui chơi thỏa chí và thích thú đón trăng, phá cỗ dưới trăng làm nên sự thăng hoa tình cảm, trí tuệ, trước thiên nhiên, cuộc sống, khi mùa thu êm ả, mát mẻ, dễ chịu, thoải mái, hứng khởi đi tới tương lai của cộng đồng và mỗi người.

Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, Tết Trung Thu đã không còn nguyên nghĩa như vốn có mà trở thành cơ hội để người ta kiếm cớ ngoại giao biếu quà. Thậm chí, còn là dịp thể hiện sự nổi trội, “đẳng cấp” trong xã hội. Chị Hoàng Thu Trang (Cầu Giấy) chia sẻ, Tết Trung Thu vốn của các con, nhưng nay như tết của người lớn.

Điển hình như bánh Trung Thu vốn chỉ mang tính tượng trưng, giá cả bình dân, thì nay nắm được tâm lý của một nhóm người tiêu dùng giàu có trong xã hội, giá những hộp bánh lên tới tiền triệu. “Thói quen tặng quà Trung Thu đắt tiền chỉ người lớn biết và thực hiện, chứ con trẻ đâu biết, đâu cần như vậy. Tôi nghĩ đó là một sự xuống cấp về ứng xử, làm giảm đi ý nghĩa mùa Trung Thu” - Chị Trang nói.

Điều đáng bàn, hàng Việt Nam tuy an toàn, nhưng bị lấn át bởi hàng ngoại vì mẫu mã kém, giá thành cao, trong khi đồ chơi không rõ nguồn gốc lại vô cùng đa dạng, giá thành vừa mức.

Chị Nguyễn Thu Hà (Sài Đồng, quận Long Biên) cho biết: “Trung Thu thì gia đình hay cho hai đứa đi chơi, ngắm nghía rồi chọn đồ. Mình với chồng xem tin tức cũng biết được là không ít đồ chơi có xuất xứ từ bên ngoài có chất lượng không tốt, bạo lực, thậm chí rất độc hại, nhưng khổ nỗi là đi với trẻ thì phải chọn thứ chúng nó thích, không thì mua về chúng cũng không chơi”.

Còn chị Thu Thủy - phụ huynh có con học lớp 8 ở một trường Top đầu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết, Ban phụ huynh lớp con chị đang lấy ý kiến về việc tổ chức Trung Thu cho các con.

Nghe trao đổi thì nhiều lớp trong trường thuê hẳn công ty tổ chức sự kiện cho các cháu, nghĩa là công ty đó làm hết mọi việc, phụ huynh chỉ phải đóng tiền và các con chỉ việc hưởng thụ Tết như xem chương trình, chứ không phải bản thân là chủ nhân của bữa tiệc, tự làm tự tổ chức.

“Tôi nghĩ nếu thuê công ty sự kiện tổ chức thì còn đâu ý nghĩa Tết Trung Thu nữa, độ hoành tráng chuyên nghiệp có thể hơn, nhưng sẽ không để lại dấu ấn lâu dài trong các con, sự ấm áp cũng sẽ nhạt. Hơn nữa, các con cũng đã lớn, đã biết làm nhiều việc. Nếu để các con lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch và tự trang trí, sắm sanh với sự hỗ trợ của phụ huynh thì Tết mới thực sự có ý nghĩa trọn vẹn.

Nhưng diễn biến cuộc trao đổi thì trưởng ban phụ huynh vẫn nghiêng về thuê công ty sự kiện. Chúng tôi ý kiến vậy thôi vẫn theo quyết định của lớp. Trung Thu được tổ chức khắp nơi cho các con mà, vừa ở lớp, vừa ở khu đô thị rồi lại cơ quan bố, mẹ. Vừa tốn kém và nhàm quá” – chị Thu Thủy nêu ý kiến.

Được biết, hiện việc tổ chức Tết Trung Thu đang được chuyên nghiệp hóa bởi các công ty tổ chức sự kiện. Đây cũng là sự phát triển tất yếu của cơ chế thị trường, có cầu thì có cung.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, thì việc tổ chức Tết Trung Thu cho các em sao cho ấm cúng, ý nghĩa mà không lãng phí là việc mà người lớn cần cân nhắc. Không nên để cho con trẻ bị ảnh hưởng bởi tư duy ăn sẵn, tư duy hưởng thụ ngay trong cái Tết cho chính mình, sẽ làm lệch chuẩn trong hành vi, suy nghĩ của các con đối với văn hóa truyền thống.

... đến đồ chơi Trung Thu độc hại nhiều phía

Đến hẹn lại lên, Trung Thu là dịp phố phường, cửa quán tấp nập đồ chơi cho trẻ, rực rỡ đủ sắc màu, chủng loại. Tại Hà Nội, phố Hàng Mã bắt đầu bày bán nhiều dạng đồ chơi, nhưng thực trạng đáng buồn tiếp tục diễn ra khi rất hiếm hàng Việt, trong khi hàng ngoại lại lên ngôi và trong số đó rất nhiều loại đồ chơi bạo lực, thậm chí độc hại.

Mấy năm trở lại đây, Tết Trung Thu đã không còn nguyên nghĩa như vốn có mà trở thành cơ hội để người ta kiếm cớ ngoại giao biếu quà. Thậm chí, còn là dịp thể hiện sự nổi trội, “đẳng cấp” trong xã hội.

Chị Hoàng Thu Trang (quận Cầu Giấy) chia sẻ, Tết Trung Thu vốn của các con, nhưng nay như tết của người lớn. Điển hình như bánh Trung Thu vốn chỉ mang tính tượng trưng, giá cả bình dân, thì nay nắm được tâm lý của một nhóm người tiêu dùng giàu có trong xã hội, giá những hộp bánh lên tới tiền triệu.

Dạo quanh khu vực phố Hàng Mã không khó để nhận ra những đồ chơi màu mè, rực rỡ có xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại mặt nạ thú, đèn lồng chạy pin, vũ khí gươm, chùy chiếm hơn 90% số lượng hàng tại khu vực này. Đặc biệt, thời gian gần đây, đang rộ lên loại súng bắn bong bóng và đồ chơi thiên hướng bạo lực - là những mặt hàng, trong khi đó cả người bán và người mua không rõ chất lượng của chúng đến đâu.

Điều đáng nói, đa phần đồ chơi Trung Quốc có màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng đa dạng, lạ mắt, thu hút được ánh nhìn trẻ nhỏ, còn với phụ huynh, những món đồ chơi này có giá vừa phải, hợp lý.

Thông thường, đồ chơi cho trẻ khu vực này chỉ từ 40.000 đồng tới 200.000 đồng/sản phẩm. Do đó, việc lựa chọn một món đồ cho trẻ tại đây ít khi phải cân nhắc. Nhưng chuyện “tiền nào của nấy” ít khi sai, của rẻ thì khó chất lượng và thực trạng luôn tồn tại một điều có quá nhiều cảnh báo về mức độ độc hại trong đồ chơi cho trẻ.

Bằng chứng, gần đây, hiện tượng súng bong bóng đang được bày bán rất nhiều ở Hàng Mã, nhiều trẻ nhỏ quyết định lựa chọn món hàng là quà ngày tết Trung Thu. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ một số chủ cửa hàng buôn bán mặt hàng này cho biết, loại súng này nhập vào rẻ tiền và dung dịch bên trong các loại này không biết là gì, chỉ biết rằng, đã có nhiều trường hợp bị dị ứng khi tiếp xúc với dung dịch.

Mới đây, các chuyên gia hóa học đưa ra cảnh báo: Dung dịch nước xà phòng thổi bong bóng trong súng bắn bong bóng của Trung Quốc được tạo nên chủ yếu là bởi các chất hoạt động bề mặt.

Để làm tăng tính dai của những quả bóng này, nhà sản xuất có thể cho thêm một số chất làm tăng độ dai theo mong muốn. Hóa chất này thường rẻ tiền (có thể là nhôm) và khi ngấm vào cơ thể sẽ gây ra những phản ứng tức thì đối với người mẫn cảm như dị ứng, mẩn ngứa...

Bên cạnh súng bắn bong bóng không rõ nguồn gốc, số lượng đồ chơi bạo lực chiếm một con số đáng nể trong danh sách các mặt hàng. Thường đồ chơi này gồm súng, đao, kiếm... mô phỏng lại trong các bộ phim trẻ em như Tây Du Ký, Người Nhện... Theo các chuyên gia, những thứ đồ chơi này ảnh hưởng không chỉ tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, hành vi của trẻ về sau.

Về thể chất, các loại đồ chơi này thường được sản xuất từ nhựa rẻ, nhựa tái chế, khi chế tạo sẽ sử dụng hóa chất, trong đó sẽ chứa kim loại nặng như sắt, asen... Khi con người tiếp xúc qua da, cầm nắm hoặc ngậm vào miệng sẽ là điều kiện cho hóa chất xâm nhập cơ thể, nếu tích tụ nhiều, sẽ dễ sinh ra bệnh lý hoặc ung thư.

Còn với tinh thần, những loại đồ chơi như đao kiếm, khi sử dụng, trẻ có xu hướng bắt chước những điều thấy ở trong phim, từ đó dễ sinh ra hành động bạo lực như đánh, đấm. Ngoài ra, việc sử dụng trực tiếp các loại đồ chơi kém lành mạnh sẽ gây ảnh hưởng tới giấc ngủ và tâm lý của trẻ.

Điều đáng bàn, hàng Việt Nam tuy an toàn, nhưng bị lấn át bởi hàng ngoại vì mẫu mã kém, giá thành cao, trong khi đồ chơi không rõ nguồn gốc lại vô cùng đa dạng, giá thành vừa mức.

Chị Nguyễn Thu Hà (Sài Đồng, Long Biên) cho biết: “Trung Thu thì gia đình tôi hay cho hai cháu đi chơi, ngắm nghía rồi chọn đồ. Qua xem tin tức cũng biết được không ít đồ chơi có xuất xứ từ bên ngoài có chất lượng không tốt, bạo lực, thậm chí rất độc hại, nhưng khổ nỗi là đi với trẻ thì phải chọn thứ chúng nó thích, không thì mua về chúng cũng không chơi”.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, các mặt hàng đồ chơi Trung Thu nên đầu tư vào mẫu mã, màu sắc, phát triển thêm những mặt hàng có tính đa dụng như mặt nạ, đầu lân...Có thể phát triển những mặt hàng thủ công độc đáo như chuồn chuồn tre, bảng chữ cái - số logic...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho biết nên thúc đẩy quá trình quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa, nên có những buổi triển lãm hoặc hội chợ đồ chơi hàng Việt để phụ huynh và trẻ nhỏ có điều kiện tham quan, trải nghiệm và phân biệt.

Anh Dương Văn Tư - cơ sở sản xuất đầu lân phục vụ Tết Trung thu (Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ: “Đồ chơi Trung Quốc hay Việt Nam, nói rõ ràng thì cần phải rẻ về giá, tốt về chất, đẹp về mẫu mã. Hàng Việt Nam gần đây cũng có nhiều cải tiến về chất lượng, mẫu mã, song so với hàng Trung Quốc thì vẫn khó cạnh tranh.

Nhưng tôi tin là mọi lứa tuổi người Việt đều không muốn đánh mất đi văn hóa của đất nước. Và đó là lý do mà hàng Việt tồn tại đến bây giờ. Tuy nhiên, khi làm nghề này, bản thân chúng tôi luôn hy vọng được các lãnh đạo, các cấp chính quyền quan tâm, tuyên truyền, đẩy mạnh văn hóa truyền thống như thế, đồ chơi Việt sẽ có ý nghĩa hơn, là sự lựa chọn dễ dàng hơn”.

Thương Huế - Hồng Hải

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tet-trung-thu-bao-gio-tro-lai-ngay-xua-42057.html