Tết tháng Bảy của người La Chí

Người La Chí ở Lào Cai còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó 'Khu Cù Tê' (Tết tháng Bảy) - tín ngưỡng nông nghiệp thờ cúng tổ tiên.

Trò chơi dân gian trong Tết Khu Cù Tê.

Trò chơi dân gian trong Tết Khu Cù Tê.

Mời tổ tiên về ăn Tết

Ở xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang diễn ra một cái Tết rất đặc biệt của người La Chí - Tết tháng Bảy.

Người La Chí coi "Khu Cù Tê" là cái tết quan trọng nhất trong năm, trong đó nghi lễ cúng vái tổ tiên và những vong hồn tháng Bảy gắn với lễ rượu khá thú vị. Nhà nào cũng nấu sẵn rượu hoẵng để cúng. Đây là rượu được làm từ gạo nếp, nấu lên để nguội, đem ủ cùng một loại men cổ truyền gồm 12 thứ lá lấy ở trên rừng, có màu trắng đục, vị ngọt rất thơm.

Thời gian ăn Tết của mỗi bản dài hay ngắn do hội đồng già làng, chủ lễ quyết định nhưng không quá 15 ngày. Chủ lễ là người có uy tín, gọi là “Mổ Cóc”, đã lập gia đình, đã có con, gia đình hạnh phúc, chưa từng vi phạm luật lệ của làng bản, gia đình không có người ốm yếu. Hội đồng trưởng tộc của bản sẽ lấy chân gà khô để xem, nếu chân gà tốt thì người đó mới được làm Mổ Cóc để làm chủ lễ và quyết định mọi nghi thức.

Khi đến nhà cộng đồng dự lễ Khu Cù Tê, mỗi người đều mang theo gói xôi, chai rượu và thịt. Nơi lễ cúng có gà luộc, khi tổ tiên và những vong hồn tụ về thì Mổ Cóc sẽ đọc tế, làm lễ, sau đó các già làng, trưởng họ cũng làm lễ theo. "Tổ tiên ăn no rồi, tổ tiên chăm cho chúng con cái ruộng lúa tốt, không bị sâu bọ, chăm cho con trâu con ngựa đẻ đàn sinh sôi...".

Tù và hú vang vọng núi rừng, rồi chiêng trống nổi lên, Mổ Cóc và già làng nâng uống rượu hoẵng, uống nước cà đắng. Mổ Cóc và các trưởng họ làm lễ xong thì động tác như hóa thân giống tổ tiên cùng con cháu ăn cỗ trên khu đất rộng... Sau đó là những trò chơi dân gian, như đi cà kheo, đánh đu... diễn ra vô cùng sôi động.

Tết Khu Cù Tê được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015. Tuy nhiên Khu Cù Tê, theo các cụ già ở Nậm Khánh, cái Tết này đã giảm dần quy mô do người dân di cư tản tác chứ không còn đầy đủ theo một dòng họ, không có ông “then” đại diện cho mỗi dòng họ, và dân cư ít, đã từng không có nơi vui chơi cộng đồng, thiếu đạo cụ, nhạc cụ... Trước đây Khu Cù Tê diễn ra tại nhà trưởng họ, nay có nhà cộng đồng nên đông vui hơn nhiều.

Phụ nữ La Chí vẫn trồng bông dệt vải

Chăm chỉ trồng bông, dệt sợi, thêu thùa, may áo quần cho cả gia đình như nghề gắn bó mật thiết từ xa xưa của đàn bà, con gái La Chí. Nghề đang dần mai một vì bây giờ quần áo dễ mua ngoài chợ. Vùng sâu xa cuộc sống tự cung tự cấp đã tạo ra những quy chuẩn gắn lên vai trò của người phụ nữ, và cũng nhờ đó, mà người La Chí vẫn giữ được nét bản sắc riêng, tuy rằng nhiều cô gái La Chí không còn trồng bông, xe sợi, dệt vải như xưa nữa. Đa phần những người còn làm các công việc này đều là những người ở độ tuổi trung niên trở lên.

Trong mỗi nếp nhà sàn của người La Chí ở Bắc Hà hầu như đều có một chiếc khung cửi bằng gỗ để dệt vải. Tại đây, những người phụ nữ La Chí từ nhỏ đều được dạy cách để tự làm nên trang phục cho bản thân và gia đình. Công việc này cũng là tiêu chí đánh giá sự khéo léo và chăm chỉ của người phụ nữ trong cộng đồng. Với một điểm đến được nhiều người biết tới như Bắc Hà, nét văn hóa này hoàn toàn có thể tạo ra giá trị gắn với phát triển du lịch.

Trong cuộc sống hiện đại, người La Chí vẫn không quên dành những phần đất tốt nhất để trồng bông, trồng chàm. Ngoài dịp lễ Tết, những bộ trang phục tạo nên từ những nguyên liệu mộc mạc ấy còn được người La Chí mặc cả trong sinh hoạt hàng ngày, góp phần duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp, thêm đa dạng sắc màu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Người La Chí ở Lào Cai, dù ngày nay đời sống vật chất, tinh thần có nhiều đổi mới, song vẫn tổ chức lễ mừng cơm mới như người Mông, người Thái khi nương lúa hè thu bắt đầu chín rộ. Mâm cơm mới để cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất, và thường tổ chức vào ngày con rồng (ngày Thìn). Mâm cúng ngoài cơm xôi còn thịt trâu sấy khô, thịt lợn hoặc gà, vịt luộc, cá suối nướng, chim nướng cùng với 5 chiếc bát, 5 đôi đũa và tiền vàng mã. Mời tổ tiên về làng ăn tết Khu Cù Tê, làm lễ cơm mới xin tổ tiên bảo vệ ruộng nương, phù hộ cho con cháu. Đây là nét văn hóa và tín ngưỡng đậm chất nông nghiệp của người La Chí đã bền vững qua hàng nghìn năm.

Tùng Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tet-thang-bay-cua-nguoi-la-chi-5726370.html