Tết sớm bản vùng cao

Ở xã vùng cao của huyện Thanh Sơn, gia đình ông Đinh Văn Khánh - khu Chuôi, xã Khả Cửu chuẩn bị đón Tết từ khá sớm. Mỗi người mỗi việc, từ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đến thực hiện các nghi lễ truyền thống để kính cáo với ông bà tổ tiên đều được các thành viên trong gia đình ông thực hiện chu đáo với mong muốn được đón một cái Tết đủ đầy, viên mãn, cầu mong một năm mới như ý, hanh thông…

Cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của người Mường nhất là vào các dịp lễ, Tết, hội làng…

Ông Khánh cho biết: Theo truyền thống của người xưa để lại, chuẩn bị đón Tết cổ truyền, vào cuối năm, ngoài việc dọn dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì mỗi gia đình đều dựng một cây nêu trước sân nhà. Cây nêu thường được làm bằng cây vầu hoặc bương. Yêu cầu cây không to không nhỏ, phải cong và có ngọn. Trên cây nêu sẽ trang trí hoa quả, lá cây rừng, vòng vàng (được kết lại từ các nan tre, nứa) để trừ tà ma và cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu.

Ông Đinh Văn Khánh chuẩn bị lễ vật, thắp hương kính cáo tổ tiên xin được đánh cồng chiêng trong dịp Tết.

Cùng với làm cây nêu, một việc quan trọng không thể thiếu là lau sạch bộ cồng chiêng. Sau đó, chuẩn bị lễ vật thắp hương kính cáo tổ tiên xin được đánh cồng chiêng trong dịp Tết. Một bộ cồng chiêng của người Mường thường có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi chiếc cồng chiêng có kích cỡ, âm thanh khác nhau. Đây là bộ nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của người Mường nhất là trong mỗi dịp lễ, Tết, đám cưới, đám ma, hội đình làng… Cồng chiêng xuất hiện với những ý nghĩa riêng sâu sắc, là âm thanh báo hiệu Tết đến, Xuân sang; mừng ngày thu hoạch; cũng là thay lời chúc tụng dân bản thịnh vượng, phồn vinh. Mỗi bài chiêng được diễn tả theo từng chủ đề và mang ý nghĩa khác nhau nhưng tựu trung lại đều phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân xứ Mường trong cuộc sống, lao động, tình yêu và mang ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp. Vì vậy, đồng bào Mường ở Thanh Sơn nói chung và đồng bào Mường ở Khả Cửu nói riêng luôn có ý thức giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc trong đó có cồng chiêng. Tuy nhiên, do thời gian và những biến cố, thăng trầm nên hiện nay trong xã không có nhiều người còn giữ được bộ cồng chiêng như nhà ông Khánh. Vì vậy, ông càng trân trọng và nâng niu giữ gìn bộ nhạc cụ của gia đình…

Bà Hà Thị Lộc giới thiệu về món xôi ngũ sắc của người Mường.

Không chỉ thực hiện các nghi lễ, phong tục truyền thống, bên bếp lửa hồng, bà Hà Thị Lộc – vợ ông Khánh cũng đang nhanh tay vo gạo, thổi xôi đón Tết sớm. Năm nay, gia đình ông bà một đoàn khách từ Hà Nội về thăm, tìm hiểu về phong tục tập quán và Tết của người Mường nên bà muốn chuẩn bị thật chu đáo để có thể giới thiệu đầy đủ nhất những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Trong đó, xôi ngũ sắc là món ăn đơn giản, dân dã nhưng có hương vị đặc trưng, với nhiều giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo và đặc sắc.

Xôi có năm màu chính được nhuộm màu từ các loại lá cây rừng.

Xôi có năm màu chính là xanh, đỏ, tím, vàng, trắng được nhuộm màu từ các loại lá cây rừng như lá chồm tím, chồm đỏ... Sau khi chín, xôi không chỉ có màu sắc bắt mắt mà còn có mùi vị, hương thơm của gạo nếp nương và lá cây rừng… Cùng với xôi ngũ sắc, người Mường ở đây còn nhiều món ăn ngon, độc đáo như: Thịt nộm nâu, cá gỏi, thịt gà nấu măng chua, cá suối nướng, giấm mẻ nấu cá, rau rừng đồ, hoa chuối nộm lạc, rau dớn nộm vừng, xôi ngũ sắc, cơm lam, rau sắn chua nấu ốc, thịt chua ống nứa (thịt lợn lên men)… hay các loại bánh: Bánh vọt (bánh sừng bò), bánh nẳng, bánh ống dùng để đãi khách quý mỗi khi đến chơi nhà…

Biểu diễn cồng chiêng trong dịp Tết Nguyên đán của người Mường xã Khả Cửu.

Đồng chí Bùi Ngọc Hà - Chủ tịch UBND xã Khả Cửu cho biết: Xã hiện có 1.112 hộ với 5.115 nhân khẩu, người dân tộc Mường, chiếm gần 90%. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên đời sống của người dân trong xã ngày càng được nâng cao. Bà con vì thế cũng đón một cái Tết đủ đầy, no ấm hơn. Trong dịp Tết cổ truyền năm nay, để tạo điều kiện cho bà con vui Xuân, đón Tết, chính quyền địa phương sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống như bắn nỏ, kéo co… với mong muốn gắn kết cộng đồng, tạo động lực để bà con yên tâm phát triển kinh tế, góp phần chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành điểm nhấn về kinh tế, văn hóa, xã hội trong cụm các xã vùng thượng huyện...

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//dan-toc-ton-giao/tet-som-ban-vung-cao/190348.htm