Tết Nguyên đán tết của sum vầy, hạnh ngộ

Sáng sớm, bước chân người qua đường như thêm phần hối hả khi trong ngôi trường của những đứa trẻ, trong leo lẻo một nỗi háo hức 'Tết, tết, tết, tết đến rồi...'. Đâu đó, trên hành trình xa xứ, những đứa con ly quê cũng đang mong ngóng trở về...

Nguyên đán nghĩa là ngày đầu năm mới. Đó không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà nó còn chứa đựng rất nhiều vỉa tầng văn hóa dân tộc. Bất kỳ ai, dù ở phương nào, chỉ cần nghe đến 3 từ Tết Nguyên đán là trong lòng đều trỗi dậy những ý nghĩ về quê hương bản quán, về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân. Để rồi trong muôn ngàn bận rộn cuối năm, thể nào cũng phải bứt ra để trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Hoặc giả, không về được cũng gói ghém bao nhiêu thức quà gửi về để thắp hương tổ tiên, để mừng tuổi người già, trẻ nhỏ...

Tết là dịp để những đứa con xa quê trở về sum vầy bên gia đình.

Chẳng thế mà chú tôi, dẫu ở xa, dẫu mỗi năm đã mấy bận về thăm quê nhưng trong những ngày cận kề tết Nguyên đán, thể nào chú cũng về. Về để thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, cha mẹ, để bần thần đi trên con ngõ dẫn vào căn nhà thơ ấu, hoài niệm về những chuyện xa xưa. Đi cùng chú lúc nào cũng có con cháu. Đó là cách chú truyền vào trong suy nghĩ, tình cảm của lớp trẻ cái gọi là tình quê hương, tình máu mủ, ruột rà...

Mà đâu chỉ có chú tôi, bao giờ cũng thế, trong những ngày cuối Chạp, nghĩa trang làng tôi lại dồn dập bước chân trở về. Nhiều thế hệ người làng đi xa gặp lại nhau, cùng nhau tưởng nhớ đấng sinh thành, cùng nhau kể lại chuyện thời thơ ấu... Có cả nước mắt, cả tiếng cười chan hòa... Những ngày cuối Chạp, vì thế mà trở nên thật yên bình, bao nhiêu ngổn ngang của đời sống tạm gác sang một bên, trong lòng chỉ còn lại những câu chuyện dạt dào tình cảm quê hương, đượm nồng tình thân...

Trở về thăm làng cũ là một trong những việc nhiều người ưu tiên lựa chọn trong dịp tết. Ảnh Internet

Cuộc sống với biết bao nhiêu biến đổi, những chòm xóm, những vùng đất ở sẽ đón người này đến, tiễn người kia đi... Bởi thế mà nhiều nơi ở trở thành xóm cũ của bao người. Có người đi biền biệt nhưng cũng có người năm nào trong dịp tết cổ truyền cũng trở về thăm lại chốn xưa, dẫu nhà cửa đã bán đi, cha mẹ đã về miền viễn xứ. Xóm núi của tôi có một người như thế! Có đôi lần, trong chuyến trở về của mình, tôi đã gặp chị.

Chị nói, gia đình chị bây giờ đã định cư ở Hà Nội nhưng năm nào chị cũng về lại xóm Nầm này trong dịp tết cổ truyền. Đây là cơ hội để chị gặp được nhiều người nhất, nghe được nhiều câu chuyện về cha mẹ, người thân và của chính mình thời thơ trẻ nhất. Trong những chuyến trở về như thế, chị sẽ đi thăm từng nhà, thắp hương tưởng nhớ người đã khuất, mừng tuổi các cụ già, em bé, hẹn nhau với bạn bè cũ một bữa ăn ấm cúng... Với chị, những chuyến trở về đó không chỉ làm giàu thêm ý nghĩa sum vầy của tết Nguyên đán mà còn giúp chị được gói mở những điều đẹp đẽ nhất trong đời sống tâm hồn, nó làm nên văn hóa của cuộc đời chị...

Những ngày này, ở các làng quê, nhà nhà đều đã dựng nêu đón tết. Các anh chị tôi làm ăn ở bốn phương cũng đã trở về, cùng cha mẹ sửa soạn đón tết. Làng trên xóm dưới, các phiên chợ quê, người đã đông như mắc cửi. Người giàu hay người nghèo đều bận bịu mua bán cho đủ đầy lễ nghi ngày tết. Xen lẫn trong những bán mua là những hỏi han, hẹn hò gặp gỡ giữa người bản địa và người xa xứ trở về. Vội vã mà vẫn rất từ tốn. Trong mọi lời nói, trong những trao đổi đều nhẹ nhàng hơn ngày thường.

Không một ai từ bỏ những nghi lễ quan trọng trong 3 ngày tết, trong đó, nhiều nhà vẫn giữ truyền thống gói bánh chưng... Ảnh Internet

Tôi chợt nhớ câu thành ngữ mà sinh thời bà tôi vẫn đọc: “Giận gần chết ngày tết cũng thôi” hay “Đói muốn chết, ngày tết cũng no”. Tết là vậy, là dịp để người ta gói ghém lại những nhọc nhằn, bực dọc, giận hờn năm cũ, để trong ngày Nguyên đán lại cùng nhau mở ra những tình cảm mới, mở ra những niềm hy vọng mới.

Trong những ngày cuối Chạp lất phất mưa bụi, tôi chợt nghĩ đến những lựa chọn vui chơi ngày càng phong phú trong dịp tết. Người chọn về quê ăn tết, người chọn đi du lịch xa gần nhưng tuyệt nhiên không một ai từ bỏ những nghi lễ quan trọng trong 3 ngày tết.

Tết Nguyên đán vẫn lưu giữ đầy đủ những ý nhĩa nhân văn sâu sắc, những nghi lễ được thực hành thể hiện nỗi khao khát, niềm tin thiêng liêng của con người về sự hài hòa thiên - địa - nhân; thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp, với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc...

Phong Linh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoc/tet-nguyen-dan-tet-cua-sum-vay-hanh-ngo/261446.htm