Tết nay, chợt thèm nghe tiếng… mẹ!

Thương gửi mẹ,

Mọi năm, tầm 25 tháng Chạp, con đã về quê và cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa. Cái tết nào, trong trí nhớ con, cũng rộn ràng tiếng cười của nhà mình. Tiếng cười giòn đan xen tiếng lau chùi bộ bàn ghế gỗ của ba mẹ con. Giờ này, chắc ba cũng đang khệ nệ lái xe chở mấy chậu mai kiểng về trưng ba bữa tết. Còn ngoại thì đang lui cui dưới chái bếp.

Rất tiếc, con đã bỏ đã qua những khoảnh khắc đáng giá và đẹp đẽ đó, dù cho năm nào cũng lặp đi lặp lại. Mẹ ơi, con đã chính thức xa nhà 5 tháng rồi. 5 tháng với con như một trận tuyết đổ ào rồi để lại một Budapest lạnh ngắt, còn với mẹ là từng tháng từng ngày cộng dồn từ lúc con rời nhà.

Từ cửa sổ ký túc xá nhìn ra dòng Danube, con thấy vài tia nắng đã lên sau những ngày đông lạnh lẽo. Hiếm hoi lắm, Budapest mới có những ngày nắng đẹp sau chuỗi mây mù, gió rét. Tết nay đã khác tết xưa rất nhiều rồi, mẹ à!

Khi đi trên những chuyến tàu điện chật kín người, băng qua những chiếc áo phao xám ngắt, con chợt nhìn thấy một cô bé châu Á mặc áo đỏ. Con giật mình nhận ra rằng chỉ còn vài ngày nữa là đến giao thừa. Giây phút đó, con tự hỏi: “Tết đâu, sao không thấy?”.

Tết mình rơi vào mùa đông ở xứ người, cảm giác háo hức tết mất đi một chút. Người ta, không có lý do gì để nôn nao, chờ đợi một kỳ nghỉ dài với những cuộc hạnh ngộ chan chứa. Và họ cũng chẳng chờ đợi để được ngồi dưới tán mai rợp sắc vàng trước hàng ba, ngắm dòng người rộn ràng đi sắm sửa. Tết đã ở đâu rồi?

Hôm nay, khi đi dạo dọc bờ sông Danube, con đã tưởng tượng cảnh thương lái miền Tây chở hoa từ tứ xứ đổ về quê mình. Sóc Trăng đẹp nhất có lẽ vào mùa tết. Những ngày này, phố nhỏ rực rỡ với lớp áo hoa với biết bao là mai đào, vạn thọ, sống đời,… Những chiếc ghe đã thôi xé nước, nằm im ở bến để chừa phần nhộn nhịp cho dòng người đi chơi lễ.

Con chợt thèm nghe tiếng xe máy xập xình, tiếng hàng quán xôn xao, tiếng mua sắm đổi chác ở chợ quê ngày giáp tết. Và con cũng thèm nghe tiếng mẹ, tiếng ba và tiếng của những người thương. Thi thoảng đâu đó, trong giọng nói của chính con, con thấy được xoa dịu vì giống tiếng mẹ.

Hôm nay, bữa tối của con là món burger và khoai tây chiên. Đã lâu rồi, con không ăn những món mẹ nấu. Từ đứa chẳng biết gì về nấu ăn, nay con đã tự nấu được trứng luộc, rau xào, gà chiên, thịt kho,… Ngoài trang trí đẹp ra thì con e là vị của nó cũng… “độc đáo” lắm. Đôi khi con hay gọi hỏi mẹ công thức nấu nướng vì con đang cố bắt chước nêm nếm sao cho giống vị cơm nhà.

Bạn cùng lớp hỏi con rằng ngày nào cũng ăn cơm không thấy ngán à. Con nói rằng mình ăn cơm đâu phải vì ăn cơm, mà là thưởng thức hương vị của gia đình. Mỗi lần cầm đũa, con lại nhớ những bữa cơm tết. Ở đó, ai cũng háo hức kể chuyện năm cũ. Rồi con lại có dịp trầm tư khi nghe ngoại bồi hồi nhắc chuyện dân mình đánh giặc, chạy giặc. Có những ông bà, tổ tiên con chưa từng gặp, nhưng qua lời kể của bà, con thấy sự kết nối và biết ơn lạ thường.

Những vết cắt lịch sử có thể tạo ra nhiều cuộc chia ly nhưng nó cũng để lại những hồi ức đáng nhớ. Ông bà kể cho ba mẹ nghe, ba mẹ kể cho con cái, con cái kể cho bạn bè,… cứ tiếp nối như thế và ta chẳng bao giờ quên cội nguồn.

Tết này, con nghĩ mẹ sẽ bận rộn hơn bình thường vì vắng người khiêng mấy chậu cây, lau bàn thờ, dán liễn năm mới,… Và khi tết đến, mẹ cũng sẽ tất bật hơn bình thường vì phải… trả lời những câu hỏi của họ hàng về cái tết xa nhà đầu tiên của con.

Chắc hẳn mẹ buồn lắm đúng không mẹ, vì nhà mình vắng một người trong tết này?

Nhưng chắc hẳn mẹ cũng vui lắm đúng không mẹ? Vì mẹ đã thấy con đi xa đến chừng này.

Nhưng may thay, con chưa bao giờ thấy mình xa cách với nhà. Qua những bức ảnh, cuộc gọi,… con thấy mẹ và cả nhà như ở bên con. Ở đó, con có dịp kể mẹ nghe về những trăn trở từ chuyện học hành, cho đến những chân trời mới con háo hức ghé thăm. Con biết rằng, dù ở đâu, con chỉ cần gọi là có mẹ. Điều đó đã an ủi con rất nhiều. Càng đi xa, con càng quý trọng những khoảnh khắc gia đình và học cách yêu thương nhiều hơn.

Từ Budapest, con xin gửi những lời yêu thương nhất đến mẹ và cả nhà. Cầu mong mọi điều lành cho một năm mới thịnh vượng. Con tin rằng món quà tuyệt vời nhất con có thể dành tặng cho mẹ chính là sự hiện diện của con. Dù ở khung trời nào, khi con nhìn thấy mẹ và mẹ nhìn thấy con, ta cũng đủ vui rồi. Tết này, mình cùng chơi cờ cá ngựa online mẹ nhé!

Từ Budapest với tất cả yêu thương,

con của mẹ.

PHÙNG HẠO (Budapest, Hungary)

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-nay-chot-them-nghe-tieng-me-post726632.html