Tết là ngày vui chẳng của riêng ai

Theo tác giả Phạm Văn Sơn, Tết Nguyên đán hàm chứa ý nghĩa lịch sử và nhân đạo, tinh thần hòa hợp với thiên nhiên, lòng hiếu thảo đối với tổ tiên và cả ý nghĩa đoàn kết xã hội.

Ngày Tết vui chẳng riêng ai.

Nếu nam nữ thanh niên được cởi mở, được giải phóng để sống gần tạo vật, thông cảm với luật âm dương hòa hợp cho thuận lẽ thiên nhiên thì đám thiếu nhi cùng các cụ già cũng chờ mong ngày Tết để thụ hưởng những cuộc vui dành riêng cho mình.

Trong dịp này, các thiếu nhi họp nhau từng đám trước ngày Tết thành phường xúc xắc, xúc xẻ (từ Nghệ Tĩnh trở vào gọi là phường sắc bùa), gồm độ mười lăm người vào giờ giao thừa đi chúc Tết các người trong họ và các chỗ quen biết.

Nhà nào cũng đã sẵn phong bao bằng giấy đỏ gói một số tiền để tặng các em nhỏ, trong khi đó ở miền Kinh có phường múa lân đi từng nhà múa cũng ngụ ý mừng Tết và chúc Tết. Người ta cũng tặng tiền như với những phường xúc xắc, xúc xẻ.

Các cụ già thì có tiệc yến lão. Tục này có từ thời cổ xưa, thời mà chế độ nhân lão chánh trị còn thịnh. Tại kinh sư cũng như ở các tỉnh, vua quan lựa một ngày xuân vào khoảng trung tuần tháng Hai, trích tiền kho đặt tiệc ở một công sở rồi mời các cụ già tại địa phương xa gần đến dự ơn mưa móc. Ra về các cụ còn được tặng tiền và lụa tùy theo tuổi già nhiều ít (đây là các lão nhiều tuổi từ 60 trở lên). Ai già yếu quá không đi hưởng hoàng ân được, thì các quan đưa tiền bạc, vóc lụa đến tận nhà. Tục này không còn nữa kể từ thời Pháp thuộc.

Ngoài những trò vui hay thú chơi cho từng lớp người vào dịp Tết Nguyên đán, còn nhiều cuộc liên hoan công cộng. Tỉ dụ tổ chức đi săn, tổ chức đánh cá ở các đầm hồ mở rộng cho nhiều gia đình trong xóm làng, mục đích cầu vui hơn là cầu lợi và còn có ý xem rủi may cho mỗi người, nghĩa là ai bắt được nhiều cá, săn được nhiều chim muông, người đó có thể sẽ hên suốt năm.

Làng Ngư Xá (thuộc tỉnh Hà Đông), làng Phù Lưu (thuộc tỉnh Hà Tĩnh) đến ngày hội thì già trẻ, trai gái ùa ra sông ngòi hay ngoài đồng chăng lưới, úp nơm bắt cá. Bắt được bao nhiêu làm cỗ tế thần, còn lại bao nhiêu chia cho mỗi người hoặc nhiều hoặc ít.

Tại Lang Chánh (Thanh Hóa) cũng có tục này, gọi là Tết cơm cá vào tháng Ba. Món ăn đặc biệt trong dịp này là lạng thịt những con cá lớn nhứt trộn với muối và gạo nếp đã ngâm sẵn bằng nước lá sả rồi đổ lên như đổ xôi (vì đồng bào Lang Chánh là Mường nên không dùng gạo tẻ như đồng bào Kinh chúng ta).

Những cuộc vui kể trên đây đã biểu lộ một phần nào ý nghĩa lịch sử của Tết Nguyên đán, ý nghĩa nhân đạo và tinh thần hòa hợp với đời sống phóng khoáng của thiên nhiên; Tết còn bao gồm cả lòng tín ngưỡng đối với quỷ thần và sự hiếu thảo đối với tổ tiên; Tết lại có ý nghĩa đoàn kết xã hội giữa mọi tầng lớp nhân dân khiến chúng ta thấy, nhờ có các tục lệ này, xã hội Việt Nam đã thành một khối vững chắc, từng có hiệu lực chống trả với các biến chuyển, những giông tố từ bên ngoài xô tới qua bốn ngàn năm lịch sử.

[...]

Dân tộc của chúng ta quan niệm những ngày đầu năm phải là những ngày mở màn cho sự mới mẻ, tiến bộ, vui vẻ, đoàn kết, đẹp đẽ, khỏe mạnh hơn những năm trước. Rồi người ta đã dùng những biện pháp thực tế hay ảo tưởng để hy vọng cho thân mình, cho nhà mình, cho làng mình và cả nước mình sẽ thịnh vượng, tốt lành hơn trước.

Người ta cúng bái ông bà, rước sách thần linh hay làm những gì kỳ cục đi chăng nữa cũng chỉ là cầu cạnh sức mạnh huyền bí giúp cho mình toại nguyện, đặc biệt là trong việc tổ chức các trò vui đã tỏ ra một tinh thần lạc quan để con người được cởi mở, yêu thương, bớt thù thêm bạn.

[...]

Chắc chắn rằng do ý chí vui sống, cương quyết tranh đấu, tinh thần đoàn kết ấy, dân tộc chúng ta đã tạo được một sức mạnh đầy đủ cho chúng ta chống trả với thời cuộc qua bao nhiêu thế hệ tới ngày nay. Còn nói một cách chật hẹp, nếu ngày Tết chỉ là ngày ăn chơi, chúc tụng nhau thì cái Tết Việt Nam còn mang nhiều chất vui tươi vào đời sống hơn là cái Tết của người Tàu hay của người Tây phương và một số tập tục cổ truyền đáng nên giữ lại hầu duy trì lấy quốc hồn, quốc túy của dân tộc.

Phạm Văn Sơn/Thái Hà Books/NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/tet-la-ngay-vui-chang-cua-rieng-ai-post1458294.html