Tết của vua, quan nhà Nguyễn 140 năm trước qua ghi chép bác sĩ Pháp

Trong cuốn du ký 'Một chiến dịch ở Bắc Kỳ', bác sĩ Pháp Hocquard đã ghi lại những điều ông quan sát được vào ngày Tết Nguyên đán năm Bính Tuất (1886) ở triều đình nhà Nguyễn.

Tết Nguyên đán dưới triều Nguyễn được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng. Trong ảnh là cảnh các quan chầu ở sân chờ dâng biểu chúc mừng năm mới nhà vua. Nguồn: phunuonline.

Theo tường thuật của Hocquard, vào ngày mùng 1 Tết, các quan, các ông hoàng mặc triều phục, có nhiều đầy tớ theo sau, vào thành để chúc mừng vua. Vệ binh của triều đình cầm giáo hoặc gươm có mặt ở khắp nơi, canh gác, giữ trật tự hai bên bờ để đưa mọi người qua sông. Các đơn vị quân Pháp xếp thành hàng rào từ cổng thành vào tới cung điện để phục vụ tiếp kiến tướng Prudhomme và ngài khâm sứ.

Hocquard miêu tả quang cảnh sân thứ nhất trong cấm thành thật là thần tiên. Từ Ngọ Môn trở vào, những đại đội lính thủy mặc bộ lễ phục, mũ trắng trên đầu, súng dựng bên chân đứng thành hai hàng bên chiếc cầu nhỏ dẫn vào cung.

Ở sân chầu, tiểu đoàn lính Bắc Kỳ xếp thành hai hàng chừa một lối đi cho tướng chỉ huy. Đằng sau họ có những tấm bia nhỏ dựng cách nhau ghi chữ Hán. Các quan trong triều, tay cầm thẻ ngà, áo mũ theo cấp bậc, theo các bia ấy tập hợp đúng phẩm trật của mình trong tôn ty trật tự quan trường. Các hoàng tử tập trung bên trong điện trước các quan. Ở các góc sân và mỗi bên cung điện là các nhạc công mặc áo đỏ. Cạnh họ là những người lính cầm lọng và bát bảo.

Đột nhiên các quan và binh lính im bặt. Có tiếng âm nhạc vọng đến từ rất xa phía sau cung điện lúc này đã mở hết các cánh cửa, báo hiệu nhà vua đang tới. Và đám rước xuất hiện, đi đầu là ngự lâm quân, rồi đến quân mang gậy lễ trang trí lạ mắt, những người hầu kẻ manh bình đốt hương trầm, kẻ cầm những lá cờ thêu nhỉ… Tất cả chậm chạp tiến từng bước chân sắp hàng hai bên ngai vua.

Cuối cùng vua Đồng Khánh tới, giữa bốn người hầu y phục lộng lẫy, che bốn lọng vàng trên đầu ông. Kiểu dáng y phục của ông cũng như các quan nhưng là lụa màu vàng. Vua đi một đôi hia lớn dát vàng, tay cầm hốt ngà, đầu đội mũ cùng màu với áo, đính kim cương ngọc trai và hoàng ngọc. Trên ngực áo đại trào của vua có thêu hai chữ có nghĩa là “nghìn năm, nghìn đời” (Vạn Thọ).

Vua Đồng Khánh vóc người tầm thước, da nâu nhạt, tương phản với màu y phục, nên trông trắng hơn, làm nổi bật đôi mắt to đen. Ông bước rất oai vệ, nét mặt bất động, mắt hướng thẳng về phía trước, chậm chạp bước lên ngai vàng, đứng nói khẽ vài lời lập tức được người truyền lệnh quỳ dưới chân ông nhắc lại.

Sau khi nhận lời chúc tụng của viên tướng và khâm sứ Pháp, vua đáp lại mấy lời thân thiện và khách ra về với nghi thức như lúc đến.

Theo phong tục, các hoàng thân và các quan thề trung thành với nhà vua vào đầu năm mới. Các quan sắp thành 6 hàng, quay mặt và cung điện, theo hiệu lệnh của Lễ bộ Thượng thư quỳ cả xuống, cúi đầu sát đất đọc lời thề như hát.

Tết năm 1886 ở triều đình Huế. Ảnh: Tư liệu trong sách.

Buổi chầu kết thúc, vua rời khỏi điện Thái Hòa. Vệ binh và quan lại cấp thấp rút lui. Các thượng thư, các thành viên trong hoàng tộc được vua ban đại yến trong cung. Trong bọn họ, những người tỏ ra xứng đáng trong năm qua sẽ được ân thưởng.

Vào khoảng 3 giờ chiều, nhà vua thực hiện chuyến du hành quan trọng trên các đường phố của Kinh đô. Đã lâu lắm rồi nhân dân Huế không được thấy cảnh này. Ngày trước, mỗi năm vua An Nam ra mắt dân chúng một lần vào ngày Tết. Từ khi Pháp chiếm Nam Kỳ, vua Tự Đức ủ ê, tự giam mình vào cung cấm và chỉ ra ngoài bằng thuyền hay kiệu che kín. Để thay đổi điều này, sau khi được tấn phong, vua Đồng Khánh muốn trở lại tục lệ của tổ tiên.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/tet-cua-vua-quan-nha-nguyen-140-nam-truoc-qua-ghi-chep-bac-si-phap-post1459930.html