Tết của những lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên

(ĐSPL) – Đã thành nếp, từ bao năm nay cứ tới bữa cơm tối họ lại ngồi quây quần bên mâm cơm, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.

Men theo con đường chạy dọc tổ 2, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, PV bắt gặp bao con người, bao cảnh ngộ khác nhau. Họ - những người lao động ngoại tỉnh tụ họp về đây trong những khu nhà trọ tồi tàn mải miết mưu sinh không kể ngày đêm. Những tưởng chất đầy trong các khu trọ chỉ có những thứ đồ dạc cũ rích, quang gánh, hàng hóa, những tiếng thở dài và bao nỗi lo toan của người lao động nghèo nhưng không phải ở nơi ấy tình người vẫn tỏa hơi ấm từng ngày.

Cách đây 17 năm anh Nguyễn Văn Phiêu (SN1976, quê Bắc Ninh) đưa vợ con từ quê lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề làm đậu phụ. Mưu sinh nơi đất khách quê người, vợ chồng anh gặp phải không ít khó khăn nhưng may mắn thay đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, cụ thể là của những người chủ ngôi nhà gia đình anh Phiêu ở trọ suốt 11 năm qua.

“Ngôi nhà này đã đổi chủ hai lần, nhưng may mắn thay ông chủ nhà nào cũng tốt tính, tử tế. Ở đây khá rộng rãi, có chỗ cho vợ chồng tôi làm nghề. Tiền nhà là 3 triệu đồng/tháng, giờ tìm được ngôi nhà trọ như thế này khó lắm” – anh Phiêu tâm sự.

Anh Phiêu vừa cười vừa chỉ tay vào mấy chiếc tủ nhỏ trong nhà: “Đồ này cũng toàn là của hàng xóm cho đấy các chú ạ. Họ sắm đồ mới nên không dùng nữa. Thôi thì cũ người mới ta, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy”.

Bữa cơm chan chứa tình người của những lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên. Ảnh: Minh Anh

Vợ chồng anh Phiêu có hai con, cô con gái lớn đã học lớp 11 ở một trường dành cho học sinh ngoại tỉnh học phí hàng tháng rất cao, cậu con trai thứ hai năm nay vừa vào lớp một rất tinh nghịch nhưng không may bé bị mắc bệnh máu trắng khi mới được 2 tuổi.

Sống cùng nhà với vợ chồng anh Phiêu là mẹ con cô Trần Thị Nhiện ở Kiến Xương, Thái Bình và một người anh em của cô Nhiện. Hàng ngày cô Nhiện mưu sinh bằng nghề bán hàng rong: “Một ngày của tôi bắt đầu từ lúc 3h sáng. Tôi dậy sớm đi lấy hoa quả ngoài chợ đầu mối Long Biên rồi gánh đi bán khắp phố phường. Mỗi ngày tôi đi bộ khoảng hơn 30 cây số, hôm nào đắt hàng thì khoảng 5h chiều là bán hết còn không thì phải tối mịt mới được về”.

“Năm nay tôi đã 50 tuổi rồi nên có muốn đi làm công nhân cũng không được. Nghề bán hàng rong tuy phải đi nhiều nhưng cũng cho thu nhập kha khá. Ngày nào đắt hàng thì sẽ lãi được khoảng 100.000 đồng. Số tiền ấy với nhiều người thì có thể không đáng kể gì nhưng với tôi thì quý lắm. Chi tiêu tiết kiệm cũng đủ để nuôi con trai tôi đang học cao đẳng năm cuối. Vợ chồng anh Phiêu hiểu hoàn cảnh nên mỗi tháng cả hai mẹ con tôi chỉ phải đóng góp 300.000 đồng tiền nhà trọ”.

Mặc dù không phải là anh em họ hàng, cũng không phải cùng một quê nhưng gia đình anh Phiêu, mẹ con chị Nhiện sống hòa thuận, yêu thương, giúp đỡ nhau như người trong một nhà. Đã thành nếp, từ bao năm nay cứ tới bữa cơm tối họ lại ngồi quây quần bên mâm cơm. Bữa cơm tối của “đại gia đình” anh Phiêu chỉ có cơm trắng, rau luộc, lạc rang, hôm nào sang hơn thì thêm một ít thịt. Những câu chuyện không đầu không cuối, những nụ cười giòn tan như xua tan bao mệt mỏi sau một ngày dài làm việc cực nhọc.

“Ông cha ta vẫn bảo ‘lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều’, tôi và chị em chị Nhiện không biết ai là lá rách ít, ai là lá rách nhiều nữa nhưng được gặp nhau, giúp đỡ nhau ở nơi đất khách quê người như thế này là quý lắm rồi” – anh Phiêu tâm sự.

Không khí xuân đang tràn ngập mọi con đường, góc phố những ngày này ai ai cũng hối hả sắm Tết và ấp ủ bao dự định du xuân nhưng nhịp sống mưu sinh nơi xóm lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên vẫn không bớt vội vã. “Chắc phải đến 28, 29 nhà tôi mới về quê ăn Tết. Chỉ ở lại quê mấy hôm thôi rồi lên Hà Nội ngay. Nghỉ lâu là dễ mất khách lắm. Khách đặt đậu mà mình cứ nghỉ ngắt quãng thì cũng nhỡ hết việc của họ” – anh Phiêu nói về những ngày Tết sắp tới của gia đình mình.

Nhìn xung quanh nhà trọ của anh Phiêu chẳng có đồ đạc gì đáng giá, ngôi nhà lại có rất nhiều cửa, gió từ ngoài sông Hồng thổi vào lạnh buốt càng khiến mọi người run rẩy hơn trong tiết trời khắc nghiệt của những ngày cuối năm. Lạnh, thiếu thốn nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi những người lao động nghèo ấy bởi họ biết sưởi ấm cho nhau bằng tình người chân thành có trong trái tim mình.

Minh Anh

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/gia-dinh/tet-cua-nhung-lao-dong-ngheo-duoi-chan-cau-long-bien-a18495.html