Tết của lính Trường Sa

(Cadn.com.vn) - Với nhiều gia đình người lính trở về từ Trường Sa, dù Tết đã qua hơn 1 tuần nhưng niềm vui vẫn còn hiện diện bởi họ đang được hưởng những ngày hạnh phúc sum họp cùng gia đình.

Năm nay, gia đình anh Nguyễn Đăng Hồng (43 tuổi, Chính trị viên Tiểu đoàn 886, Trung đoàn 83 công binh Hải quân, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) vui gấp bội bởi có thêm thành viên mới: một chú “lính con” rất kháu khỉnh. Trở về từ Trường Sa đợt này, gặp lại vợ con và thêm thành viên “nhí” rất đáng yêu, anh Hồng không giấu được niềm hạnh phúc. Dù cưới nhau được 8 năm nhưng vợ chồng anh chỉ gặp nhau vào đúng dịp Tết. Bé Nguyễn Hồ Hải Đăng (8 tuổi), con trai anh Hồng được dịp khoe với bố những điểm 10 để dành từ đầu năm học.

“Khi ở ngoài đảo, nhớ vợ con quá, mình điện thoại về chỉ mong được nghe giọng con. Giờ về, thấy con lớn nhanh, lại ngoan ngoãn. Mình hạnh phúc vô bờ”, anh Hồng chia sẻ. Món quà mang về tặng vợ con của anh Hồng vẫn là những cành san hô, vỏ ốc, những sản vật biển đảo. “Mẹ nói bố ở ngoài đó rất vất vả, không có nhiều thịt cá, quần áo đẹp như con. Con thương bố lắm nên không vòi quà và cố gắng học thật giỏi để bố vui”, bé Đăng nói. Chị Yến nói vui, là vợ lính thì không có thời gian để mà giận dỗi đâu. Lâu lâu mới gặp, điện thoại nhiều lúc “tắc” vì không bắt được sóng nên những ngày xuân như thế này, trừ thời gian thăm dòng họ, gia đình nội ngoại, họ cố gắng dành thời gian bên nhau nhiều hơn.

Niềm vui sum họp của gia đình người lính Trung đoàn 83, Công binh Hải quân.

Còn với Thượng tá Vương Đình Đỉnh (quê ở H. Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, trú Đà Nẵng) thì mùa xuân năm nay, anh không còn là lính “phòng không” mà sắp được “rước nàng về dinh”. Đời lính biển đi biền biệt nên mấy năm nay, bố mẹ anh ở nhà lo và đã “nhắm” cho anh một cô giáo dạy toán cấp 3 ở gần nhà. Dù lúc đầu quen do mai mối của cha mẹ nhưng khi gặp nhau họ đã cảm mến nhau và tình yêu cứ nảy nở, ngày càng nồng thắm. Trước lúc tính chuyện kết hôn, anh bảo với chị: “Làm vợ lính khổ lắm em ạ. Anh phải làm nhiệm vụ hầu hết ngoài đảo nên thời gian ở nhà rất ít. Có khi một năm chỉ gặp nhau được một lần”.

Nhưng khi đó, cô giáo Trần Thị Tâm (25 tuổi) vẫn tin tưởng, nắm chặt tay anh: “Em biết điều đó chứ. Nhưng đã yêu thì phải biết chấp nhận. Anh có thể hy sinh hạnh phúc bản thân vì Tổ quốc thì tại sao em lại so đo, tính toán”. Nhắc đến người vợ sắp cưới, đôi mắt của anh Đỉnh ánh lên niềm hạnh phúc:“Tết này tôi trực đơn vị vài ngày rồi xin phép về để tiến hành hôn lễ. Cái gì cũng phải gấp gáp, chóng vánh vì thời gian không còn nhiều. Tội nghiệp cô ấy vì cưới xong tôi lại ra đảo ngay để kịp tiến độ công việc xây dựng. Hai đứa đều mong sau khi cưới xong sẽ có thêm thành viên “nhí” để cô ấy ở nhà khỏi buồn”.

Nhìn những ngưới lính Trường Sa ríu rít bên vợ con, người yêu mà quên cả các món mà ngày thường họ vẫn khát khao như rau xanh, con cá đồng kho nghệ hay bát canh rau đay kèm đĩa cà pháo... chợt thấy yêu, thấy quý biết bao nhiêu cái làn da, mái tóc rám nắng, cái giọng nói ầm ào như sóng gió, cái thói quen tiết kiệm từng giọt nước ngọt, hạt cơm rơi... ngay trong bữa cơm sum họp đủ đầy. “Còn biết bao nhiêu đồng đội chúng tôi đang ngày đêm bám đảo, đón Tết xa nhà. Có những sỹ quan, chiến sĩ mấy năm chưa đón Tết ở đất liền và có những người mẹ người vợ cũng chừng ấy năm mỗi dịp Xuân về cứ mong gặp đồng đội của con để hỏi thăm con, thăm chồng và gửi thư, quà, băng ghi âm, hình ảnh sinh hoạt gia đình ra đảo... là đã hạnh phúc lắm rồi. Nếu được một điều ước diệu kỳ, tôi sẽ ước trong đời binh nghiệp của mỗi người lính Trường Sa có ít nhất một lần về đón Tết cùng gia đình, như chúng tôi hôm nay”, giọng Nguyễn Đăng Hồng bất chợt trầm lắng.

Mộc Miên

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_109789_te-t-cu-a-li-nh-truo-ng-sa.aspx