Tết

'Tết này không giống Tết xưa'. Quả thật là như vậy. Ký ức tết trong tôi khi còn là một cô bé vào cuối thập niên 90 và bây giờ khác hoàn toàn.

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, những trải nghiệm của những ngày cận tết như ở quê thì tôi chưa được thử qua. Trong ký ức của mình, tôi nhớ rằng nhà tôi và nhà bà ngoại hai (chị của bà ngoại tôi) cùng nhau sên đậu xanh trên một cái chảo thiệt to, rồi ngồi vo lại thành những viên tròn. Sau đó được gói vào những tấm giấy kính màu đỏ đã được cắt sẵn thành những hình vuông. Tôi xoay tròn hai đầu, rồi dùng dây ruy băng buộc lại thành những viên kẹo. Mùi đậu xanh đánh cùng với hương vani hoàn quyện vào, tới bây giờ tôi vẫn có thể tưởng tượng ra được, kèm theo tiếng xẹt xẹt của tấm giấy kính, nghe rất vui tai.

Còn có cả bánh in nữa. Tôi không nhớ rõ nguyên liệu nó như thế nào, chỉ nhớ rằng tôi cho bột lên khuôn, ép chặt, rồi lật nó ra dĩa. Như chơi đồ hàng bằng đồ ăn thật vậy đó. Xóm tôi cũng thuộc xóm lao động, nhà cửa san sát nhau, đường hẻm thì cũng tương đối. Nhưng đến những ngày cận tết, chúng tôi san sẻ một phần đường với nhau, rồi chụm lửa, bắt cái nồi to để nấu bánh tét. Nếu là thời điểm hiện tại chắc mấy anh dân phòng xuống dẹp liền, vì dễ gây cháy xung quanh xóm.

Rồi những đêm 29, 30, cha mẹ chở tôi trên chiếc xe Dream đi dạo quanh phố phường, ngắm hoa và mua hoa. Hồi nhỏ đâu biết gì sau này mới nhắc nhở cha mẹ đừng nên đi mua hoa vào cuối năm nữa tội người bán. Phố xa tầm đấy cũng còn đông vui, chắc mọi người cũng như nhà tôi, đi bách phố trước ngày giao thừa, để chụp ảnh nè, để xem hoa.

Đêm giao thừa, cha đi ngủ sớm, còn có mình mẹ lủi thủi cúng giao thừa. Tôi thì tò mò nên thức theo mẹ, sẵn xem đỡ những ánh sáng nhấp nháy từ pháo hoa trên bầu trời, bởi vì người đi xem pháo hoa nhiều lắm, đông rồi kẹt xe về trễ. Tôi nhớ hồi bé chắc tôi được đi xem pháo hoa chỉ một lần. Cúng tầm được 15 phút thì mẹ đi đốt giấy vàng mã. Vậy là xong đêm giao thừa.

Nhà tôi có một lịch trình, năm nào cũng như năm nào, kéo dài cho tới khi tôi đi du học thì tôi không còn được tham dự nữa. Sáng sớm mùng 1 cả nhà sẽ đi chùa, xong gia đình tôi sẽ về chúc tết bên nội, xong tầm trưa là nhà tôi đã có mặt ở nhà ngoại chúc tết. Xong người lớn đi ngủ trưa, đám con nít bắt đầu đếm tiền lì xì, rồi so sánh coi đứa nào nhiều hơn. Và tất nhiên không thể thiếu những tụ bầu cua tôm cá, tụ tiến lên, tụ xì dzách, tụ lô tô. Rần rần cả nhà, vậy mà vui lắm.

Hết mùng một. Hết Tết!

Từ mùng hai trở đi là menu bánh tét, thịt kho tàu, canh khổ qua cứ thế làm tới cho đến khi các hàng quán mở cửa trở lại. Hồi xưa người ta quý những ngày tết lắm, nên tận mùng 6 họ mới mở cửa lại, hiếm hoi thì mùng 4, mùng 5. Còn bây giờ có khi mở xuyên tết, nên nhà nhà không trữ quá nhiều đồ ăn tết nữa, thèm gì thì phi thẳng ra quán ăn, không cần nấu nướng.

Tết bây giờ sao hời hợt quá. Tôi không còn cảm giác nôn nao như thuở bé nữa. Có một lần hiếm hoi được dịp về ăn tết. Tôi hỏi mẹ năm nay nhà mình không gói bánh tét hay trưởi nữa hả mẹ. Mẹ tôi nói rằng nhà giờ vắng người nên không bày vẽ ra như lúc trước nữa. Tôi thấy buồn. Tôi cố tìm kiếm hình ảnh của tết xưa, nhưng chắc bây giờ khó lắm. Xã hội hiện đại mà nên ai ai cũng muốn nhanh gọn, không rườm rà như xưa nữa. Chắc tôi hay thế hệ sau này chỉ nhớ về tết xưa qua những câu chuyện của ông bà. Tết trong tôi là một điều gì đó rất đặc biệt nên tôi kịch liệt phản đối bỏ nó đi. Lược bỏ đi những sự rườm rà cũng được, nhưng tôi mong tết vẫn có bánh tét, bánh chưng, hoa mai, hoa đào, một mâm mứt trên bàn cùng một ấm trà. Tôi vẫn mong mùng 1, ngày duy nhất chạy xe trên phố Sài Gòn thoải mái, không khí bụi, không kẹt xe. Và tôi vẫn mong nhất là mỗi lần tết về tôi có thể được sum vầy với đầy đủ thành viên trong gia đình. Tết trong tôi chỉ đơn giản vậy thôi.

PHẠM NHƯ TRÚC MY

Q.Bình Thạnh, TPHCM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-post724180.html