Tên lửa Ukraine phá hủy bệ phóng và radar S-400 ở Crimea

Hai tên lửa đạn đạo MGM-140 ATACMS do Mỹ sản xuất được cho là đã tấn công vào sân bay quân sự của Trung đoàn trực thăng 39 thuộc Tập đoàn quân cận vệ 4 của Không quân và Phòng không Nga gần thành phố Dzhankoy ở Crimea, đêm 17/4.

Tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS và M142 HIMARS MLRS của Ukraine. (Nguồn: Defence Expresss)

Kênh Telegram Dosye Shpiona đưa tin, đêm ngày 17/4, sân bay quân sự của Trung đoàn trực thăng 39 thuộc Tập đoàn quân cận vệ 4 của Không quân và Phòng không Nga gần thành phố Dzhankoy ở Crimea đã bị tấn công.

Vụ tấn công được cho là từ hai tên lửa đạn đạo MGM-140 ATACMS do Mỹ sản xuất. Đồng thời, truyền thông Ukraine trích dẫn nguồn tin riêng cho biết cuộc tấn công được thực hiện bằng vũ khí hiện đại hóa của Liên Xô.

Ba bệ phóng và một radar của hệ thống phòng không S-400 Triumph đã bị phá hủy sau cuộc tấn công. Cuộc tấn công thứ hai nhằm vào trung tâm tiếp nhận và sửa chữa thiết bị quân sự của Lữ đoàn tên lửa phòng không số 77 ở Korenovsk, tỉnh Krasnodar.

Vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công, hai bệ phóng S-300 đang được bảo dưỡng tại địa điểm này. Cuộc tấn công cũng dẫn đến vụ nổ thứ cấp của loại đạn không xác định. Sơ bộ, 15 quân nhân Nga bị thương và 22 người khác mất tích. Không có thông tin về thiệt hại của máy bay trực thăng. Đại diện của Lực lượng vũ trang Ukraine hoặc chính phủ Ukraine vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức.

Việc chính thức sử dụng tên lửa ATACMS lần đầu tiên trong cuộc xung đột Nga-Ukraine được thông tin vào ngày 17/10 trong Chiến dịch chuồn chuồn của Lực lượng tác chiến đặc biệt. Khi đó, Lực lượng vũ trang Ukraine đã nhằm vào các sân bay gần Berdiansk và Luhansk khiến Hàng không quân đội Nga chịu tổn thất nặng nề, trong đó có trực thăng Ka-52 và Mi-8/17.

Trang tin Militarnyi đã báo cáo về hậu quả của các cuộc tấn công vào từng sân bay. Ví dụ, ở Luhansk, ba chiếc trực thăng Ka-52 không có cánh và mảnh vỡ có thể thuộc về một loại trực thăng không xác định đã được phát hiện.

Ngoài ra, mặt đường bê tông của sân bay có dấu hiệu bị bom nổ. Đoạn video cũng ghi lại cảnh hệ thống pháo và tên lửa phòng không Pantsir ở tình trạng kỹ thuật chưa xác định. Ba chiếc trực thăng còn nguyên vẹn khác (có thể là Mi-8) vẫn ở sân bay và không được sơ tán.

Có thể giả định rằng các máy bay này không rời khỏi sân bay vì trục trặc do mảnh vỡ gây ra. Sau đó, vào ngày 26/10, thông tin hệ thống ATACMS của Ukraine có thể tấn công các bộ phận của S-400 SAM ở khu vực Luhansk đã được công bố. Được biết, một cơ sở của Lực lượng Vũ trang Nga gần làng Bilorichensk, vùng Luhansk là mục tiêu trong một cuộc tấn công này.

(theo Reuters/Dosye Shpiona)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ten-lua-ukraine-pha-huy-be-phong-va-radar-s-400-o-crimea-268228.html