Tên lửa hành trình Storm Shadow chưa tương thích với tiêm kích Ukraine

Mặc dù được Anh viện trợ tên lửa hành trình Storm Shadow, nhưng Ukraine chưa thể vui mừng, khi chỉ chiến đấu cơ Su-24 và Su-27 của họ sử dụng được loại tên lửa này.

Thông tin Ukraine chuẩn bị nhận tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp, đã đã làm dấy lên một loạt bình luận. Một lần nữa, London đi trước Washington trong viện trợ vũ khí tấn công tầm xa cho Ukraine, khi công cấp tên lửa Storm Shadow cho Kiev.

Tạp chí Bulgaria Military đặt câu hỏi đặt, về loại máy bay chiến đấu nào hiện có của Không quân Ukraine, có khả năng sử dụng loại vũ khí này? Việc sử dụng tên lửa Storm Shadow của máy bay chiến đấu phụ thuộc vào hai yếu tố đó là trọng tải của máy bay và khả năng tương thích.

Nếu tính về khả năng mang tải trọng vũ khí thì MiG-29 và Su-25 của Không quân Ukraine sẽ không thể sử dụng Storm Shadow, do tải trọng vũ khí tối đa trên một mấu treo không đủ. Do tên lửa Storm Shadow có trọng lượng chiến đấu là 1.315 kg; trong khi đó, cả MiG-29 và Su-25 mang được tối đa 500 kg trên một mấu treo.

Như vậy Không quân Ukraine chỉ có hai loại máy bay có thể mang tên lửa Storm Shadow, đó là tiêm kích bom Su-24 và chiến đấu cơ hạng nặng Su-27. Mỗi chiếc có thể mang trọng tải lên tới 1.500 kg trên mỗi mấu treo.

Mang được tên lửa Storm Shadow là một chuyện, nhưng liệu những “con ngựa thồ” Su-24 và Su-27 có thể sử dụng loại tên lửa này không? Về nguyên tắc, các chuyên gia cho rằng, việc tích hợp là có thể nhưng không phải là dễ dàng.

Hệ thống điện tử hàng không và cảm biến lạc hậu của Su-24 và Su-27 sẽ tương tác với tên lửa như thế nào vẫn còn là một bí ẩn; nhưng chúng ta đã thấy một sự tích hợp thành công trên thực tế. Trước đó tên lửa chống bức xạ HARM của Mỹ, đã được tích hợp thành công với MiG-29 của Ukraine vào giữa năm ngoái.

Nhưng nếu không thể thực hiện kết nối giữa máy bay và tên lửa, thì có một tùy chọn thứ hai, đó là nạp tọa độ mục tiêu vào tên lửa Storm Shadow khi ở dưới mặt đất. Vì lúc này Storm Shadow cho phép nạp tọa độ mục tiêu vào bộ nhớ của tên lửa qua một thiết bị riêng, khi máy bay đang đỗ dưới mặt đất.

Như vậy tọa độ mục tiêu được nạp vào bộ nhớ Storm Shadow trước khi máy bay cất cánh; điều này có nghĩa là các máy bay sẽ chỉ đơn giản là phương tiện mang vũ khí. Và sau khi phóng, chúng không thể điều khiển tên lửa, cũng như không thể thay đổi quỹ đạo bay hoặc quyết định thời cơ cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu.

Tên lửa Storm Shadow có lợi thế là có khả năng chống tác chiến điện tử (EW) của đối phương rất mạnh (theo quảng cáo của Anh). Đây là một “tin xấu” đối với Nga, bởi các chuyên gia Nga và phương Tây đều khẳng định, quân đội Nga không chỉ tiến bộ trong việc gây nhiễu vũ khí của đối phương, mà còn sử dụng chúng một cách thuần thục.

Bên cạnh đó, tên lửa Storm Shadow ngoài kích thước nhỏ, thì khả năng hiển thị radar cũng rất thấp. Tuy nhiên quân đội Nga đã triển khai loại radar Niobium ở Ukraine, có thể phát hiện mọi vật thể bay, từ máy bay có kích thước lớn đến loại UAV rất nhỏ.

Theo tuyên bố của các chuyên gia Nga, radar Niobium có khả năng phát hiện UAV làm bằng vật liệu composite. Vậy Niobium có thể phát hiện ra tên lửa Storm Shadow không? Về lý thuyết, điều đó là có thể, bởi vì radar Niobium là sự kết hợp của ba radar mảng pha AESA ở các băng tần VHF, UHF và S/X. Nhưng chỉ qua chiến đấu thực tế, hiệu quả mới có thể chứng minh.

Nhìn chung, với việc sở hữu tên lửa Storm Shadow, Không quân Ukraine sẽ có loại vũ khí để tấn công tầm xa vào sâu phía sau của Quân đội Nga. Storm Shadow có độ chính xác rất cao, khả năng bộc lộ tín hiệu radar thấp, đầu đạn mạnh và khả năng chống tác tác chiến điện tử tốt.

Nhưng mối đe dọa với tên lửa Storm Shadow không phải là radar Niobium mà chính là những chiếc chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không hạng nặng của Nga. Nếu Su-24 hoặc Su-27 của Ukraine cất cánh khỏi mặt đất, ngay lập tức sẽ hiển thị trên các radar của Nga.

Nếu khả năng của radar Niobium vẫn còn là tranh cãi, thì Su-24 hay Su-27 của Ukraine sẽ bị radar của Su-35 khóa ở rất xa; sau đó tên lửa R-37M sẽ tấn công máy bay mang tên lửa Storm Shadow ngoài tầm nhìn. Theo thừa nhận của phi công Ukraine, các cuộc tấn công như vậy của Nga đã rất thành công.

Và cũng đừng quên rằng, rất có thể sẽ có một chiếc máy bay đánh chặn hạng nặng MiG-31 đang “bay cao trên bầu trời” với tên lửa không đối không tầm siêu xa R-33 hoặc R-37. Đây là mối đe dọa kép, bởi sự nguy hiểm của loại máy bay đánh chặn hạng nặng này.

Storm Shadow là loại tên lửa hành trình phóng tầm xa, được phóng đi từ trên không. Tên lửa được phát triển vào đầu năm 2000 và được đưa vào sử dụng từ năm 2002. Theo thông tin được báo chí Anh đăng tải, một tên lửa Storm Shadow có giá 2,5 triệu USD.

Storm Shadow nặng 1.300 kg (đầu đạn nặng 450 kg) và chỉ dài hơn 5 mét; đường kính của tên lửa là 50 cm. Sau khi phóng, tên lửa khởi động động cơ Turbomeca Microturbo TRI 60-30 cho tên lửa bay ở tốc độ cận âm. Tùy thuộc vào độ cao khi bay, tên lửa có thể đạt tốc độ tối đa 1.000 km/h (tương đương Mach 0,8–0,95).

Tầm bắn tối đa của tên lửa Storm Shadow đạt 560 km, nhưng biến thể viện trợ cho Ukraine chỉ có tầm bắn 250 km. Tên lửa dẫn đường kết hợp giữa dẫn đường quán tính toàn thời gian, hiệu chỉnh sai số bằng GPS, kết hợp đo cao radar địa hình (TERPROM); pha cuối cùng sử dụng so sánh hình ảnh hồng ngoại (DSMAC).

Theo thông tin mới nhất, trong cuộc họp báo vào ngày 13/5, Trung tướng Igor Konashenkov, người đứng đầu cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vào ngày 12/5, Không quân Ukraine đã sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow, do Anh vừa chuyển giao, tấn công mục tiêu vào tỉnh Luhansk.

Tuy nhiên chiếc tiêm kích bom Su-24 phóng tên lửa Storm Shadow và một máy bay chiến đấu MiG-29 đi cùng để làm nhiệm vụ bảo vệ, đã bị máy bay chiến đấu của Không quân Nga đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không đánh chặn thành công.

Tiến Minh (theo Bulgaria Military)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ten-lua-hanh-trinh-storm-shadow-chua-tuong-thich-voi-tiem-kich-ukraine-1855120.html