Tên lửa BrahMos-NG cực mạnh sắp bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt

Ấn Độ dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất tên lửa hành trình chống hạm BrahMos-NG từ cuối năm 2025.

Trong khuôn khổ hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ, các hoạt động chuẩn bị cho việc triển khai sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos-NG đang diễn ra khẩn trương.

Công ty Brahmos AeroSpace cho biết bên lề Triển lãm World Defense Show đó là nhà máy đặt tại Lucknow sẽ bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2025.

Việc xây dựng nhà máy lớn nhằm sản xuất hàng loạt tên lửa BrahMos-NG đang được tiến hành. Theo kế hoạch, khu nhà xưởng sẽ được khởi công vào tháng 3 - 4/2024, sau đó việc lắp đặt thiết bị chuyên dụng và công việc vận hành sẽ bắt đầu.

Cơ sở sản xuất được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động đầy đủ vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, trùng với thời điểm những nguyên mẫu đầu tiên của tên lửa sẽ được phát triển hoàn thiện.

Dự án BrahMos-NG là sự tiếp nối xa hơn nữa của chương trình hợp tác vốn thành công giữa Nga và Ấn Độ trong việc phát triển và sản xuất vũ khí có độ chính xác cao.

Tên lửa BrahMos-NG được xem như biến thể mới nhất trong gia đình PJ-10 BrahMos nổi tiếng, có thể trang bị cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas.

Bên cạnh đó, tên lửa BrahMos-NG còn có khả năng triển khai từ ống phóng ngư lôi của tàu ngầm hay bệ phóng thẳng đứng đặt trên mặt đất, mang lại mức độ tùy biến rất cao.

So với phiên bản cơ sở, thông số kỹ chiến thuật của tên lửa BrahMos-NG không có quá nhiều thay đổi, nó vẫn đạt tầm bắn 290 km và vận tốc Mach 3, nhưng có khả năng chống chế áp điện tử cũng như mức độ tàng hình cao hơn.

BrahMos-NG là phiên bản thu nhỏ từ loại BrahMos-A chuyên phóng từ máy bay, bởi quả đạn nói trên kích thước quá lớn, không phải chiến đấu cơ nào cũng mang được.

Tên lửa BrahMos-A sở hữu trọng lượng phóng lên tới 2.500 kg, nó có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường. Đầu đạn của tên lửa nặng từ 200 kg đến 300 kg.

Cần nhấn mạnh, PJ-10 BrahMos hoàn toàn không phải là tên lửa của riêng Ấn Độ, đây là sự phát triển chung giữa Moskva và New Delhi dựa trên nguyên mẫu 3M55 Oniks.

Những bên tham gia sản xuất chung là Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cùng với NPO Mashinostroyeniya của Liên bang Nga.

Chuyến bay đầu tiên của tên lửa BrahMos diễn ra vào năm 2001. Kể từ đó cho đến nay, Ấn Độ đã đưa BrahMos vào thành phần tác chiến của 3 lực lượng chính là Lục quân, Hải quân và Không quân.

Những cuộc thử nghiệm đối với phiên bản phóng từ trên không có phạm vi tác chiến mở rộng bắt đầu muộn nhất. Bài kiểm tra đầu tiên của tên lửa BrahMos-A được phóng từ máy bay diễn ra vào tháng 4/2022.

Khi đó tên lửa BrahMos-A chỉ đạt tới tầm xa khoảng 400 km, tuy nhiên những lần kiểm tra sau cho thấy quả đạn có khả năng vượt ngoài cự ly 600 km, tức là tương đương bản nội địa Oniks của Nga.

Tuy nhiên mọi phiên bản xuất khẩu của tên lửa này chỉ có tầm bắn tối đa 290 km. Ngoài Ấn Độ, Philippines là quốc gia khác dự kiến sẽ sớm vận hành BrahMos, khi Manila quyết định sẽ mua một khẩu đội phòng thủ bờ biển sử dụng vũ khí nói trên.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ten-lua-brahmos-ng-cuc-manh-sap-buoc-vao-giai-doan-san-xuat-hang-loat-post568025.antd