Techfest Bắc Giang 2023: Khởi đầu sáng tạo, khát vọng vươn xa

Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest Bắc Giang 2023) và trình diễn kết nối cung cầu công nghệ. Hoạt động này là 'bệ phóng' cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong quá trình phát triển KT-XH tại địa phương.

Bệ phóng khởi nghiệp

Tháng 3/2023, UBND tỉnh tổ chức diễn đàn “Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Bắc Giang” và phát động cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST. Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện Techfest Bắc Giang 2023. Diễn đàn đã mở ra nhiều giải pháp, bài học kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia, đưa Bắc Giang trở thành một trong các trung tâm khởi nghiệp ĐMST của cả nước. Sau một tháng phát động cuộc thi, Sở KH&CN tiếp nhận gần 100 hồ sơ khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực như: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, du lịch, giáo dục, thương mại điện tử... Kết quả, 9 dự án tiêu biểu nhất lọt vào vòng chung kết.

Anh Hoàng Xuân Mau giới thiệu cách chế biến thịt lợn gác bếp Cao Lan.

Anh Hoàng Xuân Mau giới thiệu cách chế biến thịt lợn gác bếp Cao Lan.

“Nông trại Cao Lan Farmstay - Dự án nông trại OCOP xanh - tuần hoàn - chuyển đổi số và bảo vệ môi trường” của tác giả Hoàng Xuân Mau, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Cao Lan ở xã Xuân Lương (Yên Thế) là một trong số đó. Nhận thấy địa phương có nhiều địa điểm đẹp, món ăn hấp dẫn, năm 2019, chàng thanh niên sinh năm 1994 quyết định khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương với dự án “Nông trại Cao Lan Farmstay”.

Dự án của HTX vừa trồng trọt, chăn nuôi an toàn và nuôi trùn quế để xử lý phế phụ phẩm, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vừa cung cấp ra thị trường những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc theo hướng OCOP (thịt lợn gác bếp, lạp sườn lợn đen gác bếp, muối cư chắp). Anh Mau trẻ tuổi, năng động, ứng dụng chuyển đổi số vào các khâu, nhất là trong quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Dự án “Nông trại Cao Lan Farmstay” nhờ đó thu nhiều “quả ngọt”.

Năm 2022, sản phẩm thịt lợn gác bếp của HTX được công nhận OCOP 3 sao. Năm 2023, HTX tiếp tục đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao là lạp sườn gác bếp. Bình quân mỗi tháng, nông trại đón gần 200 lượt khách du lịch; tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương; lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng/tháng. Anh Mau nói: “Chúng tôi tiếp tục duy trì và phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt là đẩy mạnh sử dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu”.

Dự án “Ứng dụng đường vải thiều trong lên men chất tẩy rửa sinh học Tinh Tươm” của chị Trần Thị Hoàn ở xã Kiên Thành (Lục Ngạn) cũng được Ban Giám khảo cuộc thi đánh giá cao. Sau nhiều lần thử nghiệm, chị Hoàn và cộng sự đã ứng dụng thành công công nghệ lên men yếm khí sản xuất chất tẩy rửa với nguyên liệu chính là trái vải phụ phẩm. Từ năm 2021 đến nay, các sản phẩm lên men từ đường vải thiều kết hợp với thảo mộc như nước tẩy rửa đa năng, nước gội đầu bồ kết lên men, sữa tắm, sữa rửa mặt… của chị Hoàn được tiêu thụ rộng khắp. Tại dự án, chị Hoàn đề ra mục tiêu sáng chế thêm nhiều sản phẩm hữu ích khác, mở rộng thị trường, tăng doanh số 10-15%...

Lọt vào vòng chung kết còn có nhiều dự án khởi nghiệp ĐMST khác như: “Phát triển sản phẩm mới trà củ sen Bảo Ngọc”; “Mô hình chuỗi giá trị đông trùng hạ thảo Trường Thọ”; “Phát triển sản xuất và tiêu thụ quả bơ xã Bảo Sơn”; “Chiếc hộp hạnh phúc”... Ban Giám khảo bước đầu đánh giá, phần lớn dự án đều xác định được thị trường mục tiêu; chiến lược, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp; năng lực, uy tín của đội ngũ thực hiện cũng như chỉ rõ tầm nhìn lâu dài.

Anh Dương Văn Dẫu, tác giả dự án “Phát triển sản xuất và tiêu thụ quả bơ xã Bảo Sơn” chia sẻ: “Cuộc thi là cơ hội để tôi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư để thực hiện có hiệu quả ý tưởng, giải pháp của mình”.

Mở ra nhiều cơ hội

Tiếp nối thành công, chuỗi sự kiện Techfest Bắc Giang 2023 sẽ được tổ chức trong ba ngày (từ ngày 10-12/11) cùng nhiều hoạt động ý nghĩa. Với chủ đề “Bắc Giang: Khởi đầu sáng tạo - Khát vọng vươn xa”, sự kiện sẽ được khai mạc vào ngày 11/11 tại TP Bắc Giang. Trong khuôn khổ sự kiện, còn có các hội thảo khoa học về khởi nghiệp ĐMST gắn với phát triển du lịch bền vững; diễn đàn chính sách về hành lang khởi nghiệp và cơ hội phát triển.

Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao chứng nhận cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) tại Hội thi Tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học tỉnh Bắc Giang lần thứ II.

Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao chứng nhận cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) tại Hội thi Tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học tỉnh Bắc Giang lần thứ II.

Tại đây, các nhà nghiên cứu của Bộ KH&CN, chuyên gia trong "Làng Techfest quốc gia"... sẽ trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp chiến lược, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phù hợp với thực tiễn địa phương, khu vực. Đại biểu, khách mời còn được thăm các gian trưng bày sản phẩm khởi nghiệp ĐMST, trình diễn kết nối cung cầu công nghệ; dự vòng chung kết và trao giải cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bắc Giang năm 2023 và nhiều hoạt động khác.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu nằm trong nhóm 15 tỉnh, TP của cả nước thực hiện có hiệu quả nhất Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”. Chuỗi sự kiện Techfest Bắc Giang 2023 là hoạt động có ý nghĩa, điểm nhấn quan trọng trong thực hiện Đề án này.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức sự kiện Techfest Bắc Giang 2023 nhấn mạnh, Techfest Bắc Giang 2023 là cầu nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Bắc Giang với các địa phương lân cận nhằm hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ KH&CN và sản phẩm chủ lực của địa phương, thúc đẩy kết nối cung-cầu.

Là người trẻ khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Minh Thùy, Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh háo hức đón chờ chuỗi sự kiện ý nghĩa này. Chị cho hay, HTX Lục Ngạn Xanh được thành lập từ năm 2021, thành viên phần lớn trẻ tuổi. Thời gian qua, đơn vị đã chủ động đón đầu các thành tựu KH&CN, tích cực áp dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, chủ thể vẫn gặp một số khó khăn về hướng đi, giải pháp nâng cao giá trị hàng hóa, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp - du lịch một cách bền vững. Vì thế, nữ giám đốc trẻ mong muốn tại hội thảo khoa học trong chuỗi sự kiện tới đây, sẽ được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tư vấn, gợi mở, tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Đồng thời, tận dụng cơ hội này, để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường.

Theo kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu nằm trong nhóm 15 tỉnh, TP của cả nước thực hiện có hiệu quả nhất Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”. Chuỗi sự kiện Techfest Bắc Giang 2023 là hoạt động có ý nghĩa, điểm nhấn quan trọng trong thực hiện Đề án này, góp phần lan tỏa, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/414686/techfest-bac-giang-2023-khoi-dau-sang-tao-khat-vong-vuon-xa.html