Tệ nạn xã hội nhiều biến tướng

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp đã tổ chức kiểm tra 406 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm. Qua kiểm tra, phát hiện 152 lượt cơ sở vi phạm (chiếm 37%), so với cùng kỳ năm 2022, số lượt kiểm tra tăng (406/252); số lượt vi phạm tăng (152/72), trong đó giáo dục, nhắc nhở 72 lượt cơ sở; phạt hành chính 80 lượt cơ sở.

Mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm
Ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa

Bên cạnh đó, đội kiểm tra liên ngành các cấp đã triệt xóa 19 vụ mua bán dâm và 1 vụ nhân viên massage kích dục cho khách, liên quan 60 đối tượng. Cùng với đó, xử phạt hành chính 20 chủ cơ sở thiếu tinh thần trách nhiệm và 40 đối tượng mua bán dâm, với số tiền trên 420 triệu đồng; rút giấy phép đăng ký kinh doanh 1 cơ sở có thời hạn.

Ông Lý Việt Thống, Ðội trưởng Ðội Kiểm tra liên ngành 178, cho biết, hiện nay, tình hình mại dâm trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, địa bàn hoạt động rộng, hình thức hoạt động ngày càng tinh vi, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc triệt phá, quản lý địa bàn. Mại dâm trá hình và biến tướng của hoạt động này hiện là vấn đề đáng lo ngại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự khu vực và gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Một biến tướng dễ nhận thấy là hoạt động của các địa điểm mang tên "cạo gió, giác hơi". Gần đây, loại hình hoạt động này khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ (tập trung nhiều tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước; xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình và xã Lý Văn Lâm, An Xuyên, Phường 9, TP Cà Mau). Rất dễ nhận diện khi bắt gặp những hàng quán lụp xụp, xây cất tạm bợ theo kiểu quán giải khát ven đường, phía trước, khá tương đồng, là tất cả đều gắn bảng "cạo gió, giác hơi".

Theo đánh giá của ngành chức năng, hoạt động mại dâm ngày càng biến tướng, núp bóng tại các hàng quán mang tên “cạo gió, giác hơi”. (Ảnh minh họa)

Qua tìm hiểu, thực chất đây là những hàng quán hoạt động trá hình của tệ nạn kích dục và mại dâm, khách được nhân viên nơi đây phục vụ ngay tại quán.

Thực tế, trong hoạt động phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều giải pháp được triển khai. Cùng với đó, đã xây dựng một số mô hình điểm, đơn cử như mô hình “Phòng ngừa tệ nạn mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm” trên địa bàn thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời

Ông Lý Việt Thống cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện Trần Văn Thời, mô hình này tiếp tục được triển khai thực hiện, mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Hiện tại các thành viên tham gia mô hình sinh hoạt định kỳ vào ngày 15 hằng tháng; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thị trấn ra quân hưởng ứng hoạt động, phong trào, như phòng chống bạo lực, bình đẳng giới, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ; phát trên 1 ngàn tờ gấp, tờ rơi tại các điểm trường, khu vực dân cư.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian tới, trong công tác phòng chống tệ nạn nói chung, mại dâm nói riêng, sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền. Sử dụng công nghệ thông tin, trang mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hoạt động của tội phạm nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa, phát hiện, tố giác của Nhân dân. Phát huy vai trò của người có uy tín ở cộng đồng dân cư để phát hiện và xử lý kịp thời, được xem là giải pháp hạn chế thấp nhất các vụ phạm tội và vi phạm pháp luật.

Song song đó, các đội kiểm tra liên ngành sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa tỉnh. Song song đó, sẽ tổ chức kiểm tra công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không mại dâm và hoạt động của các đội công tác xã hội tình nguyện tại các huyện, thành phố./.

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/te-nan-xa-hoi-nhieu-bien-tuong-a31442.html