Tây Tạng thúc đẩy số hóa du lịch và văn hóa

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ cũng như mức sống của người dân không ngừng được cải thiện, Lhasa - thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, đã mở ra những cơ hội số hóa ngành du lịch và văn hóa.

Hội nghị du lịch kỹ thuật số Lhasa - Trung Quốc 2023 được tổ chức thành công gần đây được ví như một bữa tiệc du lịch và văn hóa kỹ thuật số dành cho công chúng và du khách. Khách mời hội nghị còn được trải nghiệm tham quan Lhasa bằng xe tự lái kỹ thuật số. Các chuyến tham quan bằng xe tự lái được cá nhân hóa lộ trình mang đến trải nghiệm du lịch cực kỳ an toàn, thuận tiện, hiệu quả.

Ông Liu Xiande, người đứng đầu Hiệp hội Xe du lịch tự lái kỹ thuật số Lhasa và Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Ahatrip Bắc Kinh, khẳng định, Tây Tạng luôn là điểm đến ưa thích của nhiều du khách. Nơi đây có phong cảnh thiên nhiên độc đáo, danh lam thắng cảnh và di tích chứa đựng những câu chuyện có bề dày lịch sử. Dịch vụ kỹ thuật số thông minh giúp du khách tận hưởng tối đa những câu chuyện lịch sử và khung cảnh đẹp mê hồn. Theo ông Liu, xe du lịch tự lái và số hóa ngành du lịch mở ra một hình thức du lịch và trải nghiệm mới ở Tây Tạng.

Du khách tham quan danh lam thắng cảnh ở Tây Tạng, Trung Quốc

Khu tự trị Tây Tạng đã ra mắt dịch vụ du lịch kỹ thuật số để khách du lịch trải nghiệm hơn 20 điểm du lịch nổi tiếng của Tây Tạng, bao gồm hồ Namtso và Norbulingka - di sản thế giới. Trong kỳ nghỉ lễ ngày Quốc tế Lao động năm nay, Tây Tạng đã đón hơn 1,16 triệu khách du lịch, với tổng doanh thu du lịch là 848 triệu NDT (116 triệu USD). Số lượng du khách tăng khoảng 137% và doanh thu tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2019, cho thấy ngành du lịch ở Tây Tạng đang phục hồi đến mức trước đại dịch Covid-19.

Trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa, thư viện khu vực Tây Nam Khu tự trị Tây Tạng đến nay đã số hóa hơn 20.000 trang văn bản cổ kể từ đợt số hóa tài liệu cổ mới nhất được triển khai vào năm 2022. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2021, ước tính Trung Quốc đang lưu giữ hàng trăm ngàn tài liệu cổ viết bằng chữ Tây Tạng. Hơn một nửa số tài liệu này hiện được bảo tồn ở nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm

Cung điện Potala hùng vĩ của Tây Tạng, Tu viện Drepung, Norbulingka, Tu viện Sakya và các địa điểm bảo vệ văn bản cổ quan trọng khác.

Trong một diễn đàn về công tác bảo vệ văn hóa của khu vực, Giáo sư Su Faxiang - Trưởng khoa Nghiên cứu Tây Tạng tại Đại học Minzu của Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của các văn bản cổ được bảo tồn trong thư viện khu vực của Tây Tạng và tiến bộ mới nhất của khu vực về văn hóa, số hóa tài liệu. Giờ đây, chỉ với một vài cú nhấp chuột trên trang web của thư viện khu vực, người ta có thể dễ dàng truy cập cơ sở dữ liệu về các tài liệu tiếng Tây Tạng. Cơ sở dữ liệu bao gồm các văn bản như tiểu sử của các học giả và tu sĩ Tây Tạng cổ đại thuộc nhiều giáo phái khác nhau của Phật giáo Tây Tạng, các tài liệu lịch sử của Tây Tạng và các tài liệu ghi lại lịch sử trao đổi giữa Tây Tạng và các khu vực khác của Trung Quốc. Nội dung phong phú của các văn bản chủ yếu trải dài từ thế kỷ 12-20.

Việc truy cập trực tuyến vào các bộ sưu tập cổ nhờ nỗ lực bảo tồn kỹ thuật số của Tây Tạng đã kéo dài nhiều năm. Năm 2009, Tây Tạng đã phát động chiến dịch khảo sát tài liệu cổ đại quy mô lớn nhất.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tay-tang-thuc-day-so-hoa-du-lich-va-van-hoa-post707864.html