Tây Ninh thiệt hại nặng nề do mưa ngập kéo dài

Khoảng 20 ngày trở lại nay, cuộc sống của hàng nghìn người dân Tây Ninh đang bị đảo lộn do mưa ngập. Họ cũng hết sức bất ngờ và ngạc nhiên vì hàng chục năm nay, vùng đất Tây Ninh với địa hình cao ráo lại đang chịu cảnh ngập úng kéo dài như vậy. Nhiều của cải, thậm chí cả tính mạng con người, cây trồng, vật nuôi đang bị nước 'kiểm soát' suốt nhiều ngày qua.

Nhà người dân ở huyện Châu Thành ngập trong nước.

NDĐT - Khoảng 20 ngày trở lại nay, cuộc sống của hàng nghìn người dân Tây Ninh đang bị đảo lộn do mưa ngập. Họ cũng hết sức bất ngờ và ngạc nhiên vì hàng chục năm nay, vùng đất Tây Ninh với địa hình cao ráo lại đang chịu cảnh ngập úng kéo dài như vậy. Nhiều của cải, thậm chí cả tính mạng con người, cây trồng, vật nuôi đang bị nước “kiểm soát” suốt nhiều ngày qua.

Nhiều điểm ngập kéo dài

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp Tây Ninh, trong khoảng hơn 20 ngày trở lại đây, các trận mưa lớn kéo dài liên tục đổ xuống khiến nhiều khu vực từ thành phố Tây Ninh, các huyện Hòa Thành, Bến Cầu, Châu Thành, Trảng Bàng,… bị ngập úng rất nặng nề.

Đơn cử như tại thành phố Tây Ninh, khu vực được xem là khang trang nhất của tỉnh Tây Ninh thì nhiều nơi cũng bị nước mưa “nhấn chìm” bởi những trận mưa liên tiếp. Các tuyến đường như: Điện Biên Phủ, Lạc Long Quân,… đều ngập sâu trong nước sau mỗi trận mưa lớn. Dọc theo con rạch chảy qua thành phố, hàng chục ha cây trồng các loại đều bị chìm trong nước. Nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp đều bị ngâm nước suốt nhiều ngày vì mưa nhiều và nước rút chậm. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong khoảng hơn hai tuần qua, hàng trăm nhà dân trên địa bàn thành phố bị ngập hoặc nước tràn vào nhà gây hư hại đồ đạc. Câu chuyện thức đêm tát nước, chắn cát,... chống ngập ở thành phố Tây Ninh dường như chỉ có trong tưởng tượng, nay đã trở thành hiện thực. Nhiều hộ dân phải mua máy bơm để bơm nước ra ngoài nhưng do nước rút chậm nên các phương án chống ngập gần như không hiệu quả.

Trong khi đó, tình trạng mưa kéo dài cũng gây ngập tồi tệ không kém. Ở huyện Châu Thành, theo khảo sát của chúng tôi, sau khi liên tiếp các cơn mưa đổ xuống cộng với nước lũ từ thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông từ Campuchia đổ về, địa phương này đang hứng chịu một trong những đợt ngập úng lớn nhất trong lịch sử. Nặng nhất là xã Biên Giới, tính đến 8-11, trong bốn ấp của xã này thì giao thông đường bộ ở hai ấp gồm Rạch Tre và Tân Định đã bị cô lập hoàn toàn (riêng ấp Rạch Tre đã bị cô lập từ 16-10). Mọi việc di chuyển, cứu trợ hiện chỉ có thể thực hiện bằng phà hoặc xuồng nhỏ. Hiện, các em học sinh ở hai ấp này mỗi ngày đều phải đi vòng qua Campuchia dài hơn 12km (thay vì 4km như bình thường) để đến trường.

Anh Lê Văn Tuyển, ngụ ấp Tân Định lo lắng: Mấy tuần này tôi phải nghỉ làm để đưa đón con đi học vì không yên tâm để chúng đi một mình giữa mênh mông nước như thế này. Thời gian qua, gần 250 hộ dân ở hai ấp này đang nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đoàn cứu trợ đến để cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết một cách kịp thời.

Bà Phạm Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Biên Giới cho biết, điều chúng tôi lo lắng là công tác khắc phục hậu quả của đợt ngập này sẽ rất khó khăn vì đời sống của người dân hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, tại các huyện Hòa Thành, Trảng Bàng, Tân Châu, tình trạng mưa ngập cũng đang làm điêu đứng hàng nghìn hộ dân. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Tây Ninh, các đợt mưa lớn, lốc từ đầu năm, nhất là trong mùa mưa năm nay đã hư hại 4.289 căn nhà. Trong đó, có hơn 4.000 căn bị ngập trong đợt mưa kéo dài trong tháng 10 vừa qua. Bên cạnh đó, sáu trường học trên địa bàn tỉnh cũng bị ngập khiến học sinh phải nghỉ học dài ngày.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tính đến hết tháng 10, toàn tỉnh cũng có hơn 3.480ha cây trồng các loại bị hư hại nặng nề, trong đó, cây lúa là hơn 1.400ha, cây công nghiệp là hơn 890ha. Ngoài ra, hơn 27,5ha diện tích nuôi trồng các loại cũng bị thiệt hại. Trong đợt mưa kéo dài vừa qua, 20km đường giao thông ở các huyện cũng bị ngập kéo dài, hư hại phải sửa chữa, khắc phục.

Nhiều hệ lụy sau ngập

Diện tích lúa bị ngã đổ sau đợt mưa kéo dài.

Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho rằng: Năm nay lượng mưa cao bất thường (hơn 40% so với năm 2015). Đây là một trong những biểu hiện rõ rệt của hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên diện rộng mà Tây Ninh không nằm ngoài “vùng phủ sóng”.

Theo ông Xuân, trong tương lai, tần suất mưa như năm nay sẽ còn xuất hiện nhiều hơn.

Riêng đối với tình trạng ngập ở khu vực thành phố Tây Ninh cho thấy những hạn chế trong công tác quy hoạch trước đây. Hệ thống cống thoát nước cũng đang gặp vấn đề trong công tác duy tu, nạo vét. Trong một thời gian dài, với suy nghĩ “Tây Ninh không thể ngập” nên nhiều hệ thống công đang bị tắc nghẽn bởi nhiều loại chất thải, bùn đất nên khi mưa lớn nước không kịp rút là điều dễ hiểu. Ngoài ra, tình trạng “bê-tông hóa” khu vực đô thị ngày càng diễn ra nhanh cũng khiến lượng nước mưa không kịp thoát cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập thời gian qua.

Theo ông Phạm Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, các đơn vị hiện đang tích cực triển khai các phương án hỗ trợ như cung cấp nước sạch, khử trùng, khử độc,… cho người dân các vùng bị ngập. Sau khi nước rút, các đơn vị chức năng cũng sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân trong việc phòng chống các loại dịch bệnh, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi để người dân ổn định đời sống và sản xuất trở lại.

QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31215602-tay-ninh-thiet-hai-nang-ne-do-mua-ngap-keo-dai.html