Tây Ninh, nơi đất lành chim đậu

Trong ca dao Việt Nam, nhắc hình ảnh cò thì mọi người nghĩ ngay hình ảnh người nông dân. Bởi đó là biểu tượng của những đức tính tốt đẹp: siêng năng, lam lũ, chịu khó, cần mẫn, hiền lành… sự bình yên ở chốn làng quê mộc mạc.

Một con cò ma chờ săn cá

Một con cò ma chờ săn cá

Tháng 11 về, những cánh đồng ngập nước ở Tây Ninh dần rút xuống cũng là lúc những đàn cò tìm về kiếm ăn náo nhiệt cả một góc trời. Phong cảnh nên thơ, yên bình này khiến người ta ví von “Tây Ninh, nơi đất lành chim đậu!”.

Những ngày này, dọc 2 bờ sông Vàm Cỏ Đông, nước rút dần để lộ những khoảng bờ cắt ngang dọc trên những đồng ruộng. Đây cũng là thời điểm những loại cò kéo nhau về tụ họp, tìm kiếm thức ăn. Trong số đó, loài cò trắng quần tụ đông đúc nhất ở những cánh đồng đang gạn nước trước mùa sạ lúa mới để bắt cá, ốc, ếch nhái, côn trùng...

Đặc điểm nổi bật của cò là bộ lông trắng muốt, cặp chân nhỏ, cao lêu khêu và chiếc mỏ dài nhọn hoắc. Nhờ đó, chúng thích nghi tốt hơn với môi trường đầm lầy và dễ dàng tìm kiếm thức ăn trong nước. Những loài cò trắng có thân hình cao lớn (300-400g/con) hầu hết là loài cò di trú từ những vùng miền khác bay về theo mùa thức ăn. Dõi theo cách kiếm ăn của cò có thể bắt gặp cảnh đàn cò bay về lúc hoàng hôn, thỉnh thoảng nhiều con tranh chấp, giằng xé thức ăn.

Cò ma kiếm ăn ở trên còn cò trắng đậu phía dưới để không phải tranh giành chỗ nhau

Cò ma kiếm ăn ở trên còn cò trắng đậu phía dưới để không phải tranh giành chỗ nhau

Một số nhỏ hơn cò trắng là cò ma. Cò ma thường có bộ lông đặc trưng trắng và nâu đất. Chúng rất nhanh nhẹn và thường kiếm ăn đơn lẻ. Cò ma lúc bay có màu trắng còn lúc đậu có màu nâu đất, thân hình nhỏ (khoảng 100-200g/con). Đây là giống cò địa phương.

Ven đôi bờ sông Vàm Cỏ Đông thuộc 2 xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng (Phước Bình và Phước Chỉ) phong cảnh yên bình như thơ. Lá cây cà na xanh tươi lạ kỳ. Những hạt phù sa của sông Vàm Cỏ Đông chính là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây cà na ở vùng này trở nên tốt tươi. Đó cũng là nơi tìm đến của nhiều loài chim “nghỉ dưỡng”. Có thể dễ dàng bắt gặp đàn cò hàng trăm con từ các hướng hối hả bay về tìm thức ăn trên những cánh đồng ở đây. Ban đầu chúng sà xuống rặng cà nà ven sông, vỗ cánh phành phạch, gọi nhau chộn rộn, vang lên thứ âm thanh quen thuộc. Sau đó, chúng lại sà xuống những đám ruộng để “săn” cá.

Con cò trắng cao lớn thường di cư từ vùng khác đến kiếm ăn

Con cò trắng cao lớn thường di cư từ vùng khác đến kiếm ăn

Nhắc tới cò ở Tây Ninh, người ta thường nhắc ngay đến vườn cò đặc biệt nhất của lão nông Hà Huyền Mộng (64 tuổi, ngụ KP.4, P.3, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Khu vườn tràm nước bao quanh căn nhà gia đình ông Mộng rộng gần 1 ha là nơi cư trú của hơn 2.500 - 3.000 con chim như cò, cồng cộc, sáo, ốc cao... di cư về mỗi năm. Là điểm ngắm chim cò độc đáo của người dân Tây Ninh.

Hơn 20 năm gìn giữ vườn tràm nước cho cò sinh sống, ông Mộng hiểu rõ đặc tính của từng loài chim về trú ngụ. Ông từng kể với chúng tôi về “cái nết” tự nhiên của từng loài chim: “Từ 16 giờ là giờ về của chim cốc, người dân ở đây còn gọi chúng là cồng cộc. Ngày nào mưa thì chúng về sớm hơn, khoảng 15 giờ 30. Con cò thì thường về lúc 17-18 giờ. Khi về, con lớn sẽ đậu trên cành cao rồi chuyền dần xuống thấp ngủ. Đó là cách chúng tránh giông gió. Còn con nhỏ thì ngủ trên cao hơn. Cứ hôm nào tự dưng thấy đàn cò về sớm bất thường là thể nào hôm đó cũng có mưa giông. Chim sáo thì lúc trời vừa tắt nắng (khoảng 17 giờ đến 17 giờ 30) là về đầy đủ, chúng thường chọn những cây lá rậm để ngủ”.

Cò trắng tụ tập kiếm ăn theo đàn

Cò trắng tụ tập kiếm ăn theo đàn

Và cứ 17 giờ mỗi ngày, ở khu vườn tràm nước này luôn có những tiếng chim bay và tiếng kêu inh ỏi. Hàng ngàn con chim cồng cộc, cò đổ về từ các hướng đậu trên những ngọn cây tràm cao vút. Một số đàn cò bay về nhưng không vội về tổ mà đảo qua khoảnh ruộng trống ngay bên cạnh khu vườn để tranh thủ tìm thức ăn… Tất cả đều trở nên quen thuộc với người dân Tây Ninh suốt hơn 20 năm. Nhưng tiếc thay, hiện vườn tràm nước giờ đã không còn vì nhiều yếu tố khách quan. Vườn chim trời độc đáo giờ chỉ còn lại trong ký ức của người dân Tây Ninh. Thế nên, người dân cũng ngưỡng mộ gia đình ông Mộng khi phải hy sinh lợi ích cá nhân, gìn giữ đàn cò trong suốt 20 năm trời.

Cò ma có bộ lông trắng và nâu đất

Cò ma có bộ lông trắng và nâu đất

Giờ đây, để ngắm đàn cò giờ không còn được thường xuyên và dễ dàng như trước. Nhưng, trên những cánh đồng, đàn cò đã dần trở lại vì môi trường sống tốt hơn.

Giang Phương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tay-ninh-noi-dat-lanh-chim-dau-a151953.html