Tây Ban Nha kêu gọi bầu cử để giải quyết khủng hoảng Catalonia

Các đảng chính trị Tây Ban Nha cho rằng bầu cử sẽ giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất nhiều thập kỷ qua. Người dân muốn ly khai đang thể hiện sự phản đối bằng mọi cách.

Hôm 19/10, trước tuyên bố từ Madrid đòi đình chỉ cơ chế tự trị của Catalonia, Thủ hiến vùng tự trị giàu có Carles Puigdemont đã cảnh báo nếu chính quyền Madrid hành động như vậy, các nhà lập pháp Catalonia sẽ đơn phương tuyên bố độc lập.

Chính phủ của Thủ tương Mariano Rajoy dự kiến tiến hành họp nội các khẩn cấp vào ngày 21/10 để bàn về cuộc khủng hoảng đã lên đến mức "nghiêm trọng" này.

Tuy nhiên, Fernando Martinez-Maillo, nhân vật số 3 trong Đảng Dân chủ khuynh hướng bảo thủ của ông Rajoy, cho biết Tây Ban Nha có thể tránh được việc áp dụng những biện pháp nặng nề nếu Puigdemont chịu lùi bước trước khi Thượng viện họp để thảo luận kế hoạch áp đặt kiểm soát trực tiếp lên Catalonia, có thể là vào cuối tháng này.

Cổ động viên FC Barcelona mang cờ Catalonia đến sân trong trận đấu với Olympiakos. Ảnh: Getty.

Cổ động viên FC Barcelona mang cờ Catalonia đến sân trong trận đấu với Olympiakos. Ảnh: Getty.

Các đảng chính trị lớn ở Tây Ban Nha trước đây từng vượt qua những bất đồng để cùng chống lại việc chia rẽ trong đất nước, giờ đang kêu gọi bầu cử lại nghị viện Catalonia, vốn do phe ủng hộ ly khai thống trị từ năm 2015.

Không giống như cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia bị coi là vi hiến, cuộc bầu cử này đã được chính phủ và đảng đối lập đồng thuận là có thể diễn ra sớm nhất vào tháng 1/2018.

Rút tiền để phản đối

Tại Barcelona, nhiều người ủng hộ độc lập xếp hàng tại các quầy ngân hàng và máy rút tiền mặt để phản đối chính quyền trung ương và những ngân hàng đã rời khỏi Catalonia bởi lo lắng từ tác động của cuộc khủng hoảng.

Một số người rút khoản tiền 155 euro (tương đương 183 USD) - một tham chiếu đến Điều 155 của hiến pháp Tây Ban Nha, biện pháp chưa từng có trước đây mà Madrid đang sử dụng để bắt đầu kiểm soát Catalonia.

Những người khác chọn rút 1.714 euro (2.023 USD), con số gợi nhắc đến năm 1714, năm mang tính biểu tượng với những người ủng hộ độc lập, đánh dấu việc quân đội của vua Felipe V chiếm đóng Barcelona. Vị vua sau đó đã làm giảm quyền của các vùng đòi độc lập.

"Đây là một cách để phản đối. Chúng tôi không muốn gây bất cứ tổn hại nào cho nền kinh tế Tây Ban Nha hay Catalonia", Roser Cobos, một luật sư 42 tuổi, vừa rút 1.714 euro. "Đó là cách duy nhất để người Catalonia có thể thể hiện sự bất đồng với thái độ của nhà nước Tây Ban Nha".

Người dân tại Barcelona rút 155 euro để phản đối việc chính quyền Madrid áp dụng Điều 155 đình chỉ cơ chế tự trị của Catalonia. Ảnh: AFP.

CaixaBank và Sabadell, hai ngân hàng lớn nhất ở Catalonia, nằm trong số 900 công ty đã đăng ký sang các vùng khác của Tây Ban Nha trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kéo dài đang ngày càng trở nên đáng lo ngại với các nhà đầu tư.

Madrid tuần này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng quốc gia cho năm tới từ 2,6% xuống còn 2,3%, cho biết tình trạng căng thẳng đang khiến nền kinh tế bấp bênh.

EU từ chối hòa giải

Cuộc khủng hoảng cũng làm Liên minh châu Âu, vốn đang gặp khó khăn với Brexit, thêm đau đầu. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết liên minh không thể đứng ra hòa giải giữa hai bên khi phe ủng hộ ly khai liên tục yêu cầu.

Brussels nhấn mạnh Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha. "Chúng tôi đều có cảm xúc, quan điểm và đánh giá riêng, nhưng EU chính thức nói không với việc can thiệp", ông Tusk phát biểu khi các nhà lãnh đạo EU tập trung cho một cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì tuyên bố sẽ ủng hộ Madrid. "Chúng tôi đứng về phía chính phủ Tây Ban Nha", bà Merkel, nhà lãnh đạo có tiếng nói nhất của châu Âu cho hay.

Catalonia (vùng màu đỏ) là cộng đồng tự trị giàu có ở phía đông bắc của Tây Ban Nha. Đồ họa: BBC.

Catalonia là nơi 7,5 triệu người sinh sống. Vùng tự trị giàu có này chiếm gần 1/5 nền kinh tế Tây Ban Nha, dẫn đầu tất cả các vùng, luôn tự hào gắn bó với ngôn ngữ và văn hóa riêng của mình, nhưng lại chia rẽ sâu sắc về liệu có nên tách khỏi Tây Ban Nha hay không.

Tây Ban Nha vừa trải qua 20 ngày đầy hỗn loạn. Cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 cho kết quả 90% cử tri đi bỏ phiếu muốn Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập. Dù vậy, tỷ lệ người đi bầu chỉ là 43%. Tự chủ là vấn đề rất nhạy cảm ở Catalonia, nơi luôn tiềm tàng những bất ổn.

Hashtag tuần qua: Barcelona - Madrid, kẻ tám lạng, người nửa cân Madrid để ngỏ khả năng tước quyền tự trj của Catalonia trong bối cảnh lãnh đạo vùng tự trị này tuyên bố độc lập nhưng hoãn thi hành. Khủng hoảng Catalonia hiện rơi vào bế tắc.

Hoa Hạ
Theo AFP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tay-ban-nha-keu-goi-bau-cu-de-giai-quyet-khung-hoang-catalonia-post789142.html