Tây Bắc vẫy gọi ta về - Bài 3: Đất và người Mường Lói (Tiếp theo và hết)

Mường Lói là xã biên giới giáp với nước bạn Lào, nằm về phía cực Nam thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. So với các xã vùng sâu của huyện Mường Nhé thì Mường Lói chưa phải là địa bàn đi lại xa xôi, phức tạp nhất, nhưng chúng tôi cũng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới tới được nơi đây. Về Mường Lói, thấy núi non điệp trùng, sông suối hùng vĩ, càng thêm yêu mảnh đất Tây Bắc biết nhường nào.

Theo anh về Huổi Puốc

Chúng tôi theo chân các anh chị ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên đến xã Mường Lói trên những cung đường ngược lên cao rồi lại đổ xuống thấp như đường rắn bò. Cái cảm giác người uốn éo như nhảy lambada hay khật khưỡng như say rượu đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó phai. Chiều hôm ấy về Mường Lói cũng vậy, con đường từ TP Điện Biên lên Cửa khẩu Huổi Puốc dài 80km càng uốn lượn ,ngoằn ngoèo bao nhiêu thì sự háo hức càng tăng lên bấy nhiêu.

Cán bộ tuyên giáo, báo chí - xuất bản TP Hồ Chí Minh với các cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Lói. Ảnh: PHÚ HƯNG

Trước đây, tôi có nghe những chiến sĩ biên phòng Điện Biên kể rằng, Mường Lói là xã có nhiều rừng già, cũng là những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn. Người dân nơi đây yêu quý rừng như yêu quý bản làng của mình vậy. Chỉ cần đứng ở ngoài bìa rừng, ai cũng nhìn thấy những cây gỗ cao vút, thân rộng vài người ôm mới hết. Rừng phủ màu xanh cho núi non, tạo ra một thảm xanh rộng dài dường như bất tận.

Theo những già làng ở bản Lói, xã Mường Lói, những cánh rừng già có liên quan đến truyền thuyết cánh rừng ma. Vào một thời xa lắc xa lơ, quan Mường đã dẫn người tới khai phá mảnh đất này và hình thành các bản cho con cháu sinh sống. Khi quan Mường mất được người dân chôn cất trong rừng. Hằng năm, vào đầu tháng 6 và tháng 12, dân bản Lói lại đem lễ vật tới cúng quan Mường để cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi.

Người dân ở Mường Lói cũng nói rằng quan Mường rất linh thiêng. Ngài luôn phù hộ dân bản nên ai cũng chịu khó làm ăn, có cuộc sống ngày càng no đủ, sung túc, thanh bình. Ngài cũng sẽ trừng trị bất cứ kẻ nào đến phá hoại rừng...

Giờ đây, trên con đường đi Cửa khẩu Huổi Puốc đã mọc lên nhiều bản làng, trong đó có nhiều ngôi nhà sàn bằng gỗ kiên cố, khang trang. Cuộc sống ở nơi biên cương ngày càng tốt đẹp hơn khi người dân có cái ăn, cái mặc, có xe máy để đi, có ti vi để giải trí. Và hơn cả, nơi đây có những người lính Cụ Hồ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc, của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 (Quân khu 2) luôn đồng hành, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị. Chẳng thế mà không ít quân nhân đã đưa vợ con lên đây sinh sống với câu mời thiết tha: "Mường Lói đẹp xinh lắm, Huổi Puốc mộng mơ lắm. Hãy theo anh về Huổi Puốc nhé!".

Ươm mầm nơi miền biên ải

Giữa chiều, khuôn viên trong UBND xã Mường Lói thật sôi động khi có đông đảo người dân và học sinh trường tiểu học nội trú của xã đến dự. Không khí càng náo nức hơn khi đoàn xe của chúng tôi dừng bánh. Trăm người gặp mặt mà cứ ngỡ như Nam-Bắc đang sum họp một nhà.

Nhìn thấy cảnh vui tươi như vậy, đồng chí Đào Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lói phấn khởi cho biết: “Lâu lắm rồi, chúng tôi mới có được buổi gặp gỡ vui tươi thế này”. Chưa kịp biết tên mà cánh phóng viên trẻ cùng các cháu học sinh đã thân thiết, cười hát vang trời. Nhiều cháu còn đề nghị chụp ảnh chung với cô giáo, bạn bè và các vị khách đến từ phương Nam xa xôi.

Mường Lói là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, có 4 dân tộc anh em (Mông, Lào, Khơ Mú và Kinh) cùng chung sống. Người dân chủ yếu làm nghề nông và quản lý, chăm sóc rừng đầu nguồn. Cũng vì thế mà học sinh nơi đây phải học tập trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn hơn nhiều so với các nơi khác.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Lói có 8 lớp ở khu trung tâm xã và một số lớp học ở các điểm bản. Các em được học tập trong sự yêu thương, đùm bọc của thầy cô, lãnh đạo xã và các chú bộ đội. Hầu hết gia đình học sinh đều cách trường 30-40km nên các em phải ăn nghỉ ở các điểm trường. Thầy cô là những người trực tiếp lo ăn uống, sinh hoạt và dạy dỗ kiến thức cho các em. Những ngày nghỉ dài hoặc dịp lễ, tết, hay khi gia đình có việc đến đón, các em mới về nhà.

Các cô giáo dẫn học sinh đến nhận quà chiều hôm ấy đẹp như những bông hoa rừng. Một trong số đó là cô giáo Lường Thị Minh Thúy, quê ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Cô gái Thái có gương mặt sáng như trăng rằm, nụ cười tươi như hoa này đã tình nguyện đến Mường Lói để gieo chữ.

Từ nhà tới trường mất 4 giờ đi bằng xe máy trên quãng đường đèo núi cả 100km nên cô Minh Thúy chỉ về nhà khi thực sự cần thiết. Cô chia sẻ: “Học sinh vùng cao khó khăn, thiếu thốn vô cùng. Khó khăn như ở Mường Lói và các xã vùng xa của huyện Mường Nhé thì ít nơi nào sánh được. Thương con trẻ, yêu nghề, yêu núi rừng nên những giáo viên như chúng em mới đến nơi đây”. Dù đã biết nhiều chuyện về các giáo viên cắm bản ở Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai nhưng khi nghe cô giáo Minh Thúy tâm sự về nghề, tôi vẫn thấy hun hút vắng vẻ, lên thác xuống ghềnh và cay cay nơi khóe mắt.

Ai cũng mong học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Lói sẽ là những “hạt giống đỏ” của núi rừng Điện Biên. Thời gian các em học tập tại trường sẽ gác lại những công việc nặng nhọc là phải vào rừng, lên nương, trông em giúp bố mẹ như một số em kém may mắn. Các em được học chữ, được tiếp cận với kiến thức xã hội, được trải nghiệm nhiều kỹ năng sống bổ ích để sau này tiếp tục học cao hơn nữa và trở về xây dựng quê hương Điện Biên ngày càng giàu mạnh.

Nặng lòng với vùng cao

Trước khi dời Mường Lói, đoàn chúng tôi gửi tặng các em học sinh những chiếc áo ấm xinh xắn và một chút quà nhỏ để chăm lo cuộc sống. Nhiều hộ nghèo trong xã cũng được hỗ trợ tiền và quà để phần nào khắc phục khó khăn. Nhìn các em học sinh và người dân phấn khởi nhận quà, anh Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh vẫn áy náy nói với Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên Lò Thị Minh Phượng: “Số quà này ít ỏi quá, chưa đáp ứng hết nhu cầu mà học sinh và người dân ở Mường Lói đang cần”.

Thật ra, điều áy náy của anh Phong cũng là lẽ thường tình. Ai trong chúng ta cũng đều muốn hỗ trợ, giúp đỡ thật nhiều hơn nữa cho Tây Bắc, cho Điện Biên, xứng đáng với những gì mà vùng đất này đã và đang làm cho cả nước, chia sẻ nhu cầu mà người dân nơi đây đang cần.

Những phần quà tuy bé nhỏ nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của đoàn chúng tôi dành tặng người dân Mường Lói, phần nào mang niềm vui cho học sinh và bà con vùng cao biên giới. Em Măng Thị Ngọc Lan, học sinh lớp 3, người dân tộc Lào cho biết: “Được tặng áo ấm, mấy ngày nữa gió mùa Đông Bắc về, con sẽ không bị rét nữa”. Còn em Lò Minh Trọng, học cùng lớp với Ngọc Lan thì hồ hởi: “Con sẽ mặc chiếc áo ấm này trong dịp Tết để cùng bố mẹ đi chơi”.

Khi bắt tay tạm biệt chúng tôi, Thượng tá Khuất Văn Tiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc gửi gắm: “Rất mong các anh tuyên truyền, vận động được nhiều nguồn lực để giúp đỡ cho Mường Lói hơn nữa”. Mang niềm gửi gắm ấy về TP Hồ Chí Minh, đúng dịp Tết dương lịch 2024, nhà báo Phạm Hoài Nam của Báo Sài Gòn Giải Phóng đã vận động và gửi thêm 100 bộ quần áo trẻ em đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc, nhờ cán bộ, chiến sĩ của Đồn chuyển tặng các học sinh trong những ngày đông giá rét.

Chia tay “xứ trời”, tôi đã dành ít phút để ngắm đất trời Điện Biên, hít sâu vào lồng ngực hương thơm của núi rừng mà lòng cứ xao xuyến, chơi vơi. Đâu đây bỗng vang lên lời hát “Điệu xòe thương nhau” của nhạc sĩ Vương Khon. Câu hát, điệu nhạc quyện vào nhau rộn rã, cảm giác như không gian và thời gian của Tây Bắc cứ rộng dài ra, thênh thang và rạng rỡ hơn, để cho vòng xòe với những bàn tay nắm chặt vào nhau cứ quay mãi, chảy mãi như được ôm chặt núi rừng Tây Bắc vào lòng, cho sự nhớ thương, gắn bó mãi bên nhau...

Ghi chép của LÊ PHI HÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tay-bac-vay-goi-ta-ve-bai-3-dat-va-nguoi-muong-loi-tiep-theo-va-het-762244