Tất cả vì học sinh thân yêu

Để hiểu rõ hơn tinh thần 'Tất cả vì học sinh thân yêu' của các thầy, cô giáo vùng cao, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân; bà Lê Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Nhân 2 (huyện Thường Xuân) và thầy giáo Nguyễn Văn Quang, giáo viên Trường Tiểu học Mậu Lâm 1 (Như Thanh).

Cần nhiều hơn nữa chính sách đặc thù cho giáo viên miền núi

PV: Thưa ông, bên cạnh những hỗ trợ của Nhà nước, ngành có những giải pháp thiết thực gì để các giáo viên yên tâm bám trường, bám bản?

Ông Lâm Anh Tuấn:

Hiện tại, Thường Xuân còn khoảng 120 điểm trường lẻ, gồm cả mầm non và tiểu học. Hầu hết các điểm trường lẻ đều đã được đầu tư xây mới, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Để giáo viên yên tâm bám trường, bám bản, từ trước huyện đã có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên, trong đó ưu tiên giáo viên có trình độ chuyên môn là người địa phương. Đây là những người không những yêu nghề mà còn có ý tưởng, khát vọng giúp học sinh trên chính mảnh đất quê hương được thụ hưởng nhiều hơn nữa các giá trị giáo dục. Đến nay, hầu hết các điểm trường mầm non, tiểu học đều có giáo viên địa phương, thường trú tại xã, họ yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh đó, ngành và nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ, động viên tinh thần các giáo viên bám bản. Tôn vinh kịp thời những giáo viên có thành tích, cống hiến cho nghề, nhất là ở những điểm trường vùng cao.

Tuy nhiên, để giáo viên yên tâm bám trường, bám bản thì cần phải tăng lương cho giáo viên nhất là giáo viên mầm non, tiểu học, có chính sách trợ cấp đặc thù hơn nữa cho giáo viên và học sinh. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao đời sống, nơi ở, nơi làm việc đối với đội ngũ giáo viên vùng cao. Bên cạnh đó, đặc thù nghề nghiệp của giáo viên mầm non khác hẳn so với giáo viên các bậc học khác. Đối tượng của giáo viên mầm non là trẻ em nhỏ tuổi. Tuy nhiên, thời gian làm việc của giáo viên mầm non luôn nhiều hơn quy định. Tuổi càng cao thì độ hoạt bát, nhạy bén của các giáo viên cũng bị hạn chế. Họ không thể chạy nhảy, hát múa cho trẻ nhỏ như các giáo viên trẻ tuổi, họ đều mong muốn nghỉ hưu ở tuổi 55.

Để giáo viên yên tâm bám lớp, bám trường

PV: Xin bà chia sẻ những giải pháp thiết thực mà nhà trường đang thực hiện để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các giáo viên tại điểm trường lẻ, thưa bà?

Bà Lê Thị Hương:

Hiện tại, Trường Tiểu học Yên Nhân 2 còn 1 điểm trường lẻ ở thôn đặc biệt khó khăn Na Nghịu, với 5 lớp, mỗi khối một lớp. Trong đó, có 5 thầy, cô giáo chủ nhiệm 5 lớp, ngoài ra còn có giáo viên đặc thù hỗ trợ điểm trường. Học sinh điểm trường đang còn rất nhiều khó khăn, nhà học sinh cách xa nhất điểm trường là 7 - 8 km.

Đến nay, cơ sở vật chất điểm trường Na Nghịu đã được đầu tư xây dựng, có phòng học kiên cố, nhà công vụ giáo viên và các điều kiện sinh hoạt được đảm bảo. Đây là niềm vui của học sinh và cả giáo viên, khi thầy trò không còn phải chịu cảnh “mưa rừng, gió núi” trong các lớp học tạm bợ như trước, bởi vậy thầy cô cũng yên tâm hơn với công tác giảng dạy.

Với những giáo viên dạy điểm trường lẻ, nhà trường ưu tiên những người vừa được tuyển dụng, người đang được hưởng chính sách thu hút. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ luân chuyển giáo viên điểm trường 2 năm/lần, nhằm thể hiện trách nhiệm của người giáo viên đồng thời cũng là cơ sở thực tiễn để giáo viên đổi mới tư duy, sáng tạo nên các bài giảng hiệu quả và phù hợp.

Vì học sinh là vì chính mình

PV: Là thầy giáo có nhiều kinh nghiệm trong hướng dẫn đề tài khoa học với 5 dự án đạt giải cấp tỉnh và 1 dự án đạt giải quốc gia, theo thầy, với những học sinh miền núi chưa được tiếp cận nhiều với khoa học công nghệ, làm cách nào để khơi dậy lòng đam mê và tinh thần sáng tạo cho học sinh?

Thầy giáo Nguyễn Văn Quang:

Trường THCS Xuân Bình (huyện Như Xuân) là ngôi trường đầu tiên tôi về công tác sau khi ra trường. Thời điểm đó, quãng đường từ trung tâm huyện đến trường có 30 km, nhưng phải đi mất 6 tiếng đồng hồ, mùa mưa bão việc ở lại trường hàng tuần là thường xuyên. Tuy trường nghèo nhưng học sinh nơi đây rất ham học, chính ánh mắt sáng ngời của các em trong mỗi giờ lên lớp giúp chúng tôi, những giáo viên trẻ đang ngỡ ngàng trước khó khăn thêm động lực gắn bó cùng trường, cùng học sinh. Bù đắp cho sự thiếu thốn về vật chất, các thầy cô nỗ lực dạy học và tìm mọi cách để kéo gần khoảng cách cho học sinh. Từ đó, tôi đề xuất thành lập CLB Khoa học kỹ thuật của trường và phát triển phong trào sáng tạo khoa học - kỹ thuật.

Điều quan trọng là thầy cô luôn bên cạnh hỗ trợ, khuyến khích và làm gương cho học sinh noi theo. Với sự nghiệp “trồng người”, thầy, cô giáo nỗ lực vì học sinh cũng chính là nỗ lực cho chính mình, bởi sự thành công của một giáo viên là khi được nhìn thấy học sinh trưởng thành và thành công từ “hạt mầm” tri thức mà mình gieo.

Hiện tại vì điều kiện gia đình, sau 17 năm gắn bó với Trường THCS Xuân Bình, thầy Quang đã chuyển về làm giáo viên mỹ thuật tại Trường Tiểu học Mậu Lâm 1 (Như Thanh)

Phan Thị (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/tat-ca-vi-hoc-sinh-than-yeu/28508.htm