Tất cả về phương pháp lấy máu tự thân để chữa rụng tóc

Khi thuốc bổ và các sản phẩm dưỡng tóc không còn hiệu quả, nhiều người tìm đến PRP để phục hồi và kích thích mọc tóc.

Lấy máu tự thân là một phương pháp hiệu quả trong chữa trị rụng tóc. Ảnh: Jessica Ticozzelli/pexels.

Bạn rất có thể đã biết đến PRP (platelet-rich plasma) qua quảng cáo ở nhiều phòng khám da liễu hay spa cao cấp. Nổi bật, người đẹp nổi tiếng Kim Kardashian từng chia sẻ hình ảnh tiêm PRP để chăm sóc da.

Thực tế, xu hướng làm đẹp này khá phổ biến và an toàn hơn nhiều khi dùng trong chữa trị rụng tóc.

Tuy nhiên, liệu pháp cho tóc này thực sự là gì và có phù hợp với tất cả không? InStyle tổng hợp phân tích từ nhiều bác sĩ và chuyên gia giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Bác sĩ sẽ tách huyết tương giàu tiểu cầu từ máu của bạn để tiêm vào da đầu. Ảnh: Adobe Stock.

Cách hoạt động

Người đủ điều kiện tiến hành tiêm PRP thường là bác sĩ da liễu được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, chuyên viên điều dưỡng thực hành (nurse practitioner) hoặc phụ tá bác sĩ (physician assistant) được cấp phép cũng có thể thực hiện liệu pháp này, theo Ruth Jobarteh-Williams, bác sĩ da liễu.

Đầu tiên, họ sẽ lấy máu của người cần điều trị đặt vào máy ly tâm. Thiết bị này giúp tách máu thành ba lớp khác nhau bao gồm huyết tương giàu tiểu cầu, huyết tương nghèo tiểu cầu và hồng cầu. Theo đó, huyết tương giàu tiểu cầu sẽ được trích riêng vào trong ống tiêm để tiêm vào da đầu, Dendy Engelman, bác sĩ da liễu kiêm bác sĩ phẫu thuật chia sẻ.

Quá trình tiêm PRP cho tóc có thể mất từ 30 phút đến một tiếng. Thời gian này còn có thể thay đổi tùy theo tình trạng tóc cũng như nhu cầu làm đẹp của bạn.

Chi phí cho một buổi tiêm PRP sẽ khác nhau tùy theo cơ sở làm đẹp cũng như vùng tóc cần điều trị. Tuy nhiên, tiến sĩ Engelman cho hay giá thành thường dao động trong khoảng 1.500-3.000 USD.

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đánh giá xem tóc của mình có phù hợp điều trị bằng PRP không. Ảnh: Cedric Fauntleroy/Pexels.

Có phù hợp với tất cả?

Theo tiến sĩ Engelman, quá trình phục hồi tóc đi kèm khi tiêm PRP thường an toàn và dễ dàng với mọi loại tóc. Tuy nhiên, nếu đang bị nhiễm trùng hoặc mắc các loại bệnh ác tính, bạn không nên chọn PRP để chữa rụng tóc.

Tiến sĩ Jobarteh-Williams cho biết thêm rằng thực tế, phương pháp PRP chưa chắc có hiệu quả với mọi loại tóc.

Nam giới hói đầu hay những ai bị chứng rụng tóc không sẹo (non-scarring hair loss) - rụng tóc nhưng nang tóc vẫn mạnh khỏe và có thể mọc lại tóc mới - sẽ phù hợp nhất với phương pháp PRP. Tuy nhiên, họ vẫn có khả năng nhận về những kết quả không như ý.

Các tác dụng phụ của phương pháp lấy máu tự thân không quá đáng lo ngại. Ảnh: Polina Tankilevitch/Pexels.

Tác dụng phụ

Tiêm PRP là một liệu pháp an toàn vì ít có tác dụng phụ cũng như không yêu cầu thời gian hồi phục lâu, theo tiến sĩ Engelman.

Đồng quan điểm với tiến sĩ Engelman, tiến sĩ Jobarteh-Williams cho biết những tác dụng phụ phổ biến bạn có thể gặp phải bao gồm đau đầu, da đầu khó chịu hay chảy máu. Song, tất thảy đều là dấu hiệu bình thường khi tiêm máu của chính mình vào trong da đầu.

Nhược điểm duy nhất của phương pháp PRP là nỗi đau khi từ mũi kim tiêm. Tuy nhiên, chuyên gia sẽ có kỹ thuật giúp bạn giảm thiểu cơn đau như bôi kem gây tê hay đánh lạc hướng.

Bạn có thể mất vài tháng để thấy tóc mọc khỏe mạnh trở lại. Ảnh: cottonbro studio/Pexels.

Mất bao lâu để thấy kết quả?

Từ sau buổi tiêm PRP đầu tiên, bạn sẽ mất khoảng 3-6 tháng để thấy được hiệu quả rõ rệt. Tiếp đó, bạn sẽ cần duy trì điều trị bổ sung mỗi 4-6 tháng. Thông thường, bạn sẽ cần 3-6 lần tiêm để có được mái tóc khỏe mạnh như ý.

Một khi đạt được kết quả mong muốn, tiến sĩ Jobarteh-Williams khuyến khích chuyển việc điều trị sang khoảng 1-2 lần/năm. Đặc biệt, những người kết hợp tiêm PRP với các liệu pháp mọc tóc khác thường nhận về kết quả tốt nhất, bác sĩ da liễu Shadi Kourosh tiết lộ.

Cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng chữa rụng tóc bằng phương pháp lấy máu tự thân (PRP) là một quá trình lâu dài. Bạn cần kiên nhẫn để tóc mọc trở lại. Song, trước khi đặt lịch điều trị, bạn hãy đảm bảo mình tìm đến cơ sở điều trị đáng tin cậy.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tat-ca-ve-phuong-phap-lay-mau-tu-than-de-chua-rung-toc-post1386978.html