Tất bật chuẩn bị hàng mã dịp rằm tháng Bảy

Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, cũng là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ. Đây là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn với đấng sinh thành và tưởng nhớ tới những người đã khuất. Theo tục lệ, bên cạnh mâm cơm thịnh soạn dâng cúng tổ tiên, các gia đình thường sắm sửa thêm đồ mã để bày tỏ lòng thành kính với người đã mất.

Càng gần rằm tháng Bảy, phố Dã Tượng và phố Tôn Thất Thuyết (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai) lại càng đông người đi mua sắm đồ vàng mã. Với quan niệm “trần sao, âm vậy” nên các mặt hàng vàng mã ở đây cũng rất đa dạng và bắt mắt về kiểu dáng, nhưng nhiều nhất vẫn là tiền vàng, quần áo, ngựa, nhà lầu, xe hơi… với nhiều kích cỡ.

Dù được làm từ nguyên liệu là giấy, tre, nứa… nhưng các sản phẩm đồ mã đều được làm giống như thật, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ. Bà Nguyễn Thị Huyền kinh doanh tại phố Dã Tượng cho biết: Cửa hàng của tôi chủ yếu nhập hàng từ làng nghề làm hàng mã ở Bắc Ninh nên đồ mã rất phong phú, đa dạng và đẹp.

Người dân mua sắm đồ mã dịp rằm tháng Bảy tại phố Tôn Thất Thuyết.

Vừa nghe điện thoại, chị Khương - chủ cơ sở kinh doanh đồ mã lớn nhất, nhì trên phố Tôn Thất Thuyết nhanh tay ghi lại các mặt hàng khách quen gọi đặt. Gia đình chị Khương đã có gần 20 năm sản xuất và kinh doanh đồ mã. Cứ vào dịp rằm tháng Bảy, chị phải thuê thêm cả chục người để phụ giúp việc làm mã, bán hàng, vận chuyển hàng đi các huyện, xa hơn là sang tận Lai Châu. Chị Khương chia sẻ: Vài năm gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích người dân không lạm dụng việc đốt vàng mã quá nhiều nên người dân chủ yếu mua đồ vàng mã loại nhỏ. Nếu bây giờ có quy định cấm đốt vàng mã, tôi sẽ bán các mặt hàng khác như hương, nến để phục vụ nhu cầu chiêm bái của người dân.

Dù không chuyên về sản xuất đồ mã, lúc rảnh rỗi, bà Phùng Thị Thanh (50 tuổi) vẫn nhận làm phần khung thô để chuyển cho các hộ sản xuất đồ mã. Tỉ mỉ dán từng miếng hình nhỏ lên khung nứa đã tạo sẵn, bà Thanh cho biết nghề làm đồ mã nhìn tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng thực tế thì không phải như vậy. Mỗi sản phẩm gồm nhiều chi tiết, có kích thước khác nhau và người thợ phải thật chăm chút, dán đều, dán đẹp, mười hình như một mà vẫn phải đảm bảo tiến độ công việc. Bà Thanh bật mí, mỗi dịp rằm tháng Bảy, thu nhập sẽ tăng thêm khoảng 5 - 7 triệu đồng nhờ vào công việc dán đồ mã.

Rằm tháng Bảy cũng là dịp để nhiều người tranh thủ làm thêm công việc làm hàng mã.

Dịp rằm tháng Bảy, đa số người dân chuộng các mặt hàng đồ mã như mô hình quần áo, giày dép, mũ nón với số tiền vừa phải. Bên cạnh đó, nhiều người có xu hướng hạn chế mua đồ vàng mã vì vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.

Anh Ngô Thế Linh (phường Kim Tân) cho biết: Công đức không thể hiện ở việc đốt ít hay nhiều vàng mã mà thể hiện ở tấm lòng và sự thành tâm của mỗi người. Đôi khi chỉ cần ghi nhớ những món ăn, thức quả mà khi ông bà còn sống vẫn thích ăn để đem cúng đã là hiếu thảo rồi.

Rằm tháng Bảy là ngày lễ lớn trong năm. Để phong tục đốt vàng mã là nét đẹp văn hóa tâm linh cần có những quy định cụ thể, chuẩn mực trong hoạt động xã hội. Tuy nhiên, trước hết mỗi người dân cần nâng cao nhận thức để hiểu đúng về phong tục này, tránh lãng phí, không để trục lợi làm biến tướng nét đẹp văn hóa mới là điều quan trọng nhất.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359330-tieu-thuong-tat-bat-chuan-bi-hang-ma-dip-ram-thang-bay