Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Một trong những nội dung trọng tâm được các đại biểu QH cùng cử tri và nhân dân cả nước quan tâm trong Kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII là thực trạng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước.

Những vấn đề đặt ra, những thách thức cần được đánh giá chính xác, từ đó có những bước đi cụ thể, quyết liệt.

Trăn trở của nhân dân và của đại biểu QH

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp này có nhiều vấn đề quan trọng, trong đó, những khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân được quan tâm. Đáng chú ý, cử tri và nhân dân cho rằng: Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn rất khó khăn; lãi suất cho vay của ngân hàng có giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay. Từ đầu năm 2013 đến nay, hàng nghìn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến số người mất việc làm tiếp tục tăng.

Sức mua trong quý I-2013 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, dẫn tới hàng hóa tồn kho lớn. Tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn của cử tri. Cử tri và nhân dân kiến nghị QH, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế Nhà nước; tái cấu trúc các doanh nghiệp, kiên quyết giải thể các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất, kinh doanh thua lỗ làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Trong các phiên thảo luận ở tổ, đại biểu QH của các tỉnh, thành phố đã đề cập nhiều về những khó khăn, trở ngại trong sản xuất nông nghiệp thời điểm hiện nay. Theo đó, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá đầu ra một số nông sản, nhất là giá lúa giảm liên tục; thời tiết diễn biến bất thường; tình trạng giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu giả tràn lan, không được kiểm soát gây thiệt hại lớn cho nông dân. Các đại biểu QH tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản không thuận lợi, đời sống của ngư dân, diêm dân gặp nhiều khó khăn do giá xăng, dầu tăng cao, thời tiết diễn biến bất thường ngư trường một số nơi bị nước ngoài đe dọa, giá cả đầu ra thấp. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu thủy sản, gia cầm, thịt gia súc rất phức tạp, vừa cạnh tranh quyết liệt với sản xuất trong nước vừa tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất lớn nhưng chưa được các cơ quan chức năng kiểm soát, xử lý đến nơi đến chốn.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở nhiều khu công nghiệp, làng nghề, vùng nông thôn; nạn phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi ở một số địa phương ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường, thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng; tình trạng nước biển xâm mặn, dịch bệnh, nhất là dịch cúm A diễn biến phức tạp ở một số địa phương, ảnh hưởng tới sản xuất và sức khỏe người dân.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và mong chờ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những nơi làm tốt, vẫn còn những địa phương đang gặp phải rất nhiều khó khăn nên kết quả hạn chế. Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã có các quyết định sửa đổi một số tiêu chí của Chương trình cho phù hợp với các địa phương. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí "Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần" để xây dựng cơ sở hạ tầng; kiến nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với các địa phương nghèo trong việc thực hiện Chương trình nông thôn mới vì việc huy động vốn trong nhân dân rất khó khăn; quy định rõ vấn đề huy động mức đóng góp, tham gia của nhân dân, của doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng... để chương trình này được thực hiện có hiệu quả.

Quyết tâm tháo gỡ khó khăn

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, nêu rõ: Nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư là 5,2% và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của Quốc hội tăng từ 6 đến 6,5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm 2012 dù tăng 7% so với năm trước, nhưng chỉ bằng 28,5% GDP và thấp hơn so với Nghị quyết của Quốc hội là 33,5%, là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP thấp nhất trong những năm gần đây. Tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% trong khi dư nợ tín dụng cả năm chỉ tăng 8,91%, nối tiếp đà sụt giảm mạnh dư nợ tín dụng từ tăng 31% năm 2010 xuống còn mức tăng 14,41% năm 2011. Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao. Khu vực doanh nghiệp, động lực chính tạo ra của cải, vật chất, việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011.

Đến hết năm 2012 cả nước có tới 69% số doanh nghiệp báo lỗ. Riêng thành phố Hà Nội có khoảng 46.000 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 90.000 doanh nghiệp báo lỗ với số lỗ khoảng 47.000 tỷ đồng. Tình hình này đã tác động tiêu cực đến lao động, việc làm; số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng. Đây là những vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu QH và các cử tri quan tâm và đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục.

Trong các buổi làm việc tại tổ, các đại biểu QH nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH trong việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án hoặc kế hoạch triển khai cụ thể về mục tiêu, chỉ tiêu, hạn định thời gian và các biện pháp mạnh hơn nhằm giảm hàng hóa tồn kho và giảm nợ xấu, các giải pháp cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý và các giải pháp hỗ trợ, khai thông thị trường bất động sản theo chủ trương đã ban hành. Tập trung mọi nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản; nâng cao công tác dự báo tình hình sản xuất và sản lượng lúa, gạo để quyết định thời gian, khối lượng tạm trữ phù hợp, góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ lượng lúa, gạo hàng hóa tại các địa phương bảo đảm cho người trồng lúa có lãi tối thiểu 30%. Các phương án và kế hoạch cụ thể cần được thông tin rộng rãi đến doanh nghiệp và người dân.

Một số đại biểu cho rằng, cần khẩn trương rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra tổn thất lớn và sự mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương; bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn để phát huy hiệu quả của dự án đầu tư sau khi rà soát; đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế; đồng thời có phương án xử lý nhanh các khoản nợ đọng, nhất là nợ đọng đối với doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản. Tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động. Đây cũng là mong muốn của đông đảo cử tri gửi tới Báo Nhân Dân, sau khi nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước QH Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội bốn tháng đầu năm 2013.

Qua thảo luận, một trong những giải pháp được nhiều đại biểu QH quan tâm là nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất. Nhất là ban hành những chính sách ưu đãi về thuế suất, cụ thể là giảm về 20% ngay sau khi thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, không đợi đến thời điểm 1-1-2016. Qua đó, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Đáng chú ý, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, trở ngại, hàng trăm cơ quan báo chí trong cả nước đang rất vất vả khi vừa phải bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị vừa phải bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên và phóng viên... Từ thực tế này, các đại biểu QH đại diện cho nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước đã đề nghị QH cần quan tâm miễn hoặc giảm thuế đối với các cơ quan báo viết, báo nói, báo điện tử... Đây là yếu tố quan trọng góp phần giúp các cơ quan thông tin tuyên truyền có thêm điều kiện, thời gian tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời có được những tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao...

ĐINH SONG LINH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/20419002-.html