Tập trung phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Sau thời gian dài không phát sinh ổ dịch mới, gần đây, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xuất hiện và gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Dịch tả heo châu Phi đang xuất hiện trở lại, người dân cần chủ động phòng, chống

Vừa qua, anh Đặng Thanh Hùng (xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành) phát hiện 29/63 con heo của gia đình có dấu hiệu bỏ ăn, sau đó chết. Anh đã trình báo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Sau khi tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và xác định đàn heo dương tính với DTHCP, cơ quan chuyên môn đã tiến hành tiêu hủy 29 con heo bị bệnh theo quy định.

Thông tin từ UBND xã Vĩnh Công, sau khi xác định đàn heo của anh Hùng bị nhiễm DTHCP, xã đã sử dụng vôi bột và hóa chất tiêu độc, khử trùng trong và ngoài khu vực chuồng nuôi. UBND xã cũng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống DTHCP.

Thời điểm này, người dân có thể bán chạy heo bị bệnh, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Mặt khác, người dân cũng đang trong giai đoạn tái đàn để phục vụ thị trường cuối năm, mầm bệnh có thể được mang từ nơi khác về nên công tác phòng, chống dịch phải được tập trung quyết liệt, nhất là cần tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán,…

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, lũy kế đến nay, DTHCP xảy ra tại 13 hộ thuộc 11 xã của 5 huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Châu Thành và TP.Tân An. Tổng số heo tiêu hủy là 360 con với tổng trọng lượng 21.695kg.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng thông tin, người chăn nuôi chủ yếu nuôi theo hình thức nông hộ, nhỏ, lẻ nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. Cùng với đó, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh không xảy ra đợt DTHCP lớn nên người dân có tâm lý chủ quan. Tại một số địa phương, công tác chăn nuôi, thú y chưa được chú trọng vì thiếu cán bộ có chuyên môn nên khi dịch bệnh xảy ra khó bố trí kế hoạch phòng, chống phù hợp.

“Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ, cơ sở chăn nuôi, người hành nghề buôn bán, giết mổ, chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học, không tăng đàn, tái đàn khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn, báo cáo kịp thời khi phát hiện heo bệnh, chết không rõ nguyên nhân, không tự điều trị và bán chạy heo bệnh; lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm, xử lý kịp thời đối với heo mắc bệnh theo đúng quy định” - bà Huỳnh Thị Kim Phượng khuyến cáo./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tap-trung-phong-chong-dich-ta-heo-chau-phi-a161636.html