Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Thanh Hóa được xác định là một trong những địa phương có truyền thống và nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp. Do đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã xác định 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để các ngành, địa phương chú trọng phát triển. Nhằm 'đánh thức' tiềm năng, nâng cao giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các địa phương đã khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để hình thành các vùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà màng tại xã Thanh Thủy (thị xã Nghi Sơn).

Lúa là một trong số những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, song hiện nay, việc sản xuất lúa chủ yếu ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, quy mô sản xuất lúa bình quân khoảng 0,2ha/hộ, số thửa ruộng bình quân là 2,2 thửa/hộ. Việc sản xuất quy mô nhỏ lẻ đã dẫn tới nhiều hạn chế trong ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, tỉnh đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, phát triển cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ hợp lý và thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo cho người dân...

Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 10.000ha được sản xuất theo chuỗi giá trị, với 193 chuỗi cung ứng lúa, gạo. Trong đó, có một số chuỗi bảo đảm được cả chất và lượng, như: chuỗi sản xuất lúa hữu cơ, tổng diện tích khoảng 280ha; chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao, diện tích 40ha tại huyện Thiệu Hóa; chuỗi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 200ha tại huyện Nông Cống; sản xuất lúa nếp cái hoa vàng, với diện tích khoảng 70ha, tại các huyện Hà Trung, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Quan Hóa..

Tôm được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh và nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, vì vậy ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng tôm thương phẩm. Hiện nay, diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đạt 4.100ha, với sản lượng 7.000 tấn/năm, giá trị khoảng 674 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực thủy sản. Với tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm tôm, các địa phương đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của tỉnh để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nuôi tôm theo hướng công nghệ cao và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới, tổng diện tích khoảng 170ha, 500ha thâm canh trong ao bạt ngoài trời... tập trung tại các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn.

Bên cạnh việc phát triển diện tích các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, tỉnh còn khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, lai tạo các nguồn giống chất lượng. Theo đó, các đơn vị sản xuất giống thủy sản của tỉnh đã lai tạo và đưa vào sản xuất giống tôm sú có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được 15 - 20% nhu cầu giống tôm sú của tỉnh, hằng năm cung ứng hàng trăm triệu giống cá, tôm thẻ chân trắng, cua cho các cơ sở nuôi trồng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 8 giống lúa, 2 giống mía mới bổ sung vào cơ cấu giống chủ lực. Đồng thời, du nhập, tuyển chọn được giống ngô, rau, cây ăn quả mới để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh; phục tráng các cây trồng tại địa phương (như lúa nếp hạt cau, bưởi Luận Văn, cam Vân Du)...

Trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, ngành nông nghiệp đã xây dựng các vùng nuôi trồng cây, con chủ lực tập trung quy mô lớn, như: vùng lúa thâm canh 150.000ha, vùng ngô thâm canh 20.000ha, vùng mía nguyên liệu 14.300ha, vùng sản xuất rau an toàn 14.000ha, vùng nuôi ngao Bến Tre 1.000ha... Trong lâm nghiệp có các vùng rừng gỗ lớn 56.000ha, vùng luồng thâm canh 37.845ha. Các sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao của tỉnh đang phát triển với 14.000 con bò sữa, 70.200 con bò thịt chất lượng cao, 680.000 con lợn hướng nạc, 8 triệu con gà lông màu...

Trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa còn chú trọng kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Theo đó, tại Quyết định số 77/QĐ-UBND, ngày 4/1/2024 về phê duyệt Đề án Kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 đã chỉ rõ, tỉnh sẽ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa chất lượng, quy mô lớn; nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, nâng cao năng lực của các chủ thể sản xuất, chế biến và tiêu thụ để mở rộng khả năng kết nối; phát triển mạnh năng lực kinh doanh các cơ sở chế biến; kết nối để hình thành và phát triển đa dạng các hình thức liên kết theo chuỗi bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tập trung phát triển dịch vụ logistics và công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ số... để hướng tới mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được tổ chức kết nối, tạo liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt từ 20% tổng sản lượng trở lên; kết nối tạo liên kết và hình thành chuỗi liên kết trong sản phẩm chủ lực đạt 2.000 chuỗi trở lên, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực được truy xuất nguồn gốc đạt 40% trở lên.

Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tap-trung-phat-trien-cac-san-pham-nong-nghiep-chu-luc/208183.htm