Tập trung nhân lực, nguồn lực để sớm gỡ 'thẻ vàng' IUU

Tháng 4-2024, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Điều này đặt ra yêu cầu cả nước phải cố gắng giải quyết các tồn đọng để hoàn thành mục tiêu sớm gỡ 'thẻ vàng' IUU với Việt Nam.

Bộ đội biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân các quy định trước khi ra khơi đánh bắt hải sản

IUU tiếp tục là thách thức với hải sản Việt Nam

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, Việt Nam đã nỗ lực chủ động phối hợp với Liên minh châu Âu (EU” tháo gỡ “thẻ vàng” liên quan hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra của EC vào tháng 10-2023, ngày 5-12, EC đã có Công thư chính thức đánh giá việc triển khai công tác chống khai thác IUU của Việt Nam có sự tiến bộ so với trước.

Trong năm 2023, lực lượng kiểm ngư đã phối hợp vùng cảnh sát biển, biên phòng địa phương, hải quân, kiểm ngư địa phương tuần tra chung, tuần tra chuyên đề, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản hợp pháp, chống khai thác IUU, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài tại vùng biển Tây Nam bộ và Vịnh Bắc bộ. Các lực lượng trên thường xuyên duy trì từ 40 - 42 tàu kết hợp sử dụng máy bay DHC-6 tuần tra, kiểm tra, kiểm soát liên tục tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaysia để chống khai thác IUU, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân khai thác hải sản hợp pháp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục; đặc biệt là công tác tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế tại địa phương nên chưa thể gỡ được “thẻ vàng”. Cụ thể, Việt Nam vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Trong đó, xảy ra nhiều vụ việc tàu sử dụng biển số giả hoặc tàu không rõ biển số hoặc tàu đã bán sang tỉnh khác nhưng chưa làm thủ tục đăng ký lại tàu cá. Thanh tra của Ủy ban châu Âu đã tuyên bố, dù chỉ còn một tàu vi phạm đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài cũng không gỡ “thẻ vàng”, thậm chí còn có nguy cơ bị áp dụng “thẻ đỏ”. Thêm vào đó, “thẻ vàng” IUU không chỉ có hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài mà còn 14 quy định khác.

Những tồn tại trên đang tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và của Ngân hàng Thế giới (WB), việc nhận “thẻ vàng” IUU của EC khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Trong năm 2019 kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 12% so với năm 2017 (tương đương 183,5 triệu USD), trong năm 2020 kim ngạch giảm 5,7% so với năm 2019. Đến năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang EU ở mức 1,3 tỷ USD. Trong năm 2023, với mức giảm tiếp tục, Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 8 trong số các nước xuất khẩu thủy sản vào EU. “Thẻ vàng” còn khiến toàn bộ số hàng được nhập vào thị trường châu Âu bị kiểm tra nguồn gốc khai thác một cách nghiêm ngặt với thời gian 3 - 4 tuần/container và chi phí 500 bảng Anh/container, cộng thêm phí lưu giữ ở cảng và các chi phí khác. VASEP nhận định, “thẻ vàng” IUU tiếp tục là thách thức đối với hải sản Việt Nam. Nếu không tháo gỡ được trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ bị đình trệ do thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập khi các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất trước tình hình trên. Các thị trường khác, trong đó có Mỹ, cũng áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu của quốc gia bị EU phạt “thẻ vàng”.

Ngăn chặn ngay từ trong bờ ý định đi khai thác bất hợp pháp

Dự kiến cuối quý II-2024, EC sẽ tiến hành đợt thanh tra lần thứ 5 vào Việt Nam. Chính vì thế, từ nay đến thời điểm đó là giai đoạn cao điểm mà Việt Nam phải nỗ lực, dồn tất cả nhân lực, nguồn lực để sớm gỡ “thẻ vàng” IUU của EC. Các ban, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần tập trung cao điểm, huy động nguồn lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo đúng chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4-11-2023), các kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU và các văn bản khác có liên quan; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ “thẻ vàng” của cả nước; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU.

Đi vào cụ thể, có rất nhiều việc phải triển khai. Trước hết, các ngành có liên quan thực hiện đợt cao điểm tuần tra, triển khai các giải pháp phù hợp, kiên quyết ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài. Chính phủ đã chỉ đạo mở đợt cao điểm thực thi pháp luật từ nay đến tháng 4-2024 trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, tàu cá ra vào cảng, tại các cửa sông, cửa biển, các đảo, các bến cá tư nhân, truyền thống; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, vi phạm ngắt kết nối VMS (6 tiếng không báo cáo vị trí, không đưa tàu cá quay về bờ quá 10 ngày), vượt ranh giới cho phép trên biển. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của tàu cá tại địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, để phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ các tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Điều tra, đấu tranh, xử lý triệt để các trường hợp cố tình vi phạm khai thác IUU như vận chuyển, gửi thiết bị giám sát hành trình, sử dụng tàu cá mang biển số giả. Điều tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đưa ra truy tố, xét xử các trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục.

Việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, yêu cầu 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải được bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá (kể cả cảng cá tư nhân, bến cá…). Phải giám sát và truy xuất nguồn gốc (đảm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu VMS, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác, đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp chuyển tải trên biển, sản lượng đối với loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm… cần phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNfishbase); hoàn thiện, triển khai đồng bộ, thống nhất trong cả nước phần mềm quản lý tàu cá ra vào cảng để theo dõi, kiểm soát hoạt động của tàu cá tại cảng cá, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi, kiểm soát tính minh bạch, hợp pháp đối với nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác trong nước xuất khẩu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tap-trung-nhan-luc-nguon-luc-de-som-go-the-vang-iuu-post565808.antd