Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở xã vùng III

Đến nay, huyện Quỳnh Nhai đã có 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Còn 4 xã vùng III là Mường Sại, Nặm Ét, Chiềng Khay, Cà Nàng đang trong giai đoạn hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 để được công nhận trong năm 2024, góp phần đưa huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Mô hình trồng dứa tại xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai.

Huyện Quỳnh Nhai đã tập trung các nguồn lực để hỗ trợ các xã vùng III trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện.

Mường Sại là xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo bền vững. Ông Lò Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình công cộng, mô hình kinh tế... đã tạo điều kiện giúp bà con phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống. Hiện nay, Mường Sại đạt 11/19 tiêu chí, 41/57 chỉ tiêu. Với các tiêu chí chưa đạt, nhất là tiêu chí khó thực hiện như thu nhập, tổ chức sản xuất, xã đang tích cực trong tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi; phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và vận động các nguồn hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,4%.

Còn tại xã Chiềng Khay, việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là tiêu chí về thu nhập, giao thông. Đặc thù là xã vùng cao, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, các bản, cụm dân cư sinh sống cách xa nhau, nên việc xây dựng các tuyến đường bê tông nội bản, liên bản gặp nhiều khó khăn, tốn kém về chi phí. Từ năm 2023, xã đã rà soát, lập kế hoạch để bê tông hóa 21 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài gần 6,7 km. Đến nay, xã đã huy động nhân dân đóng góp gần 2,6 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng để hoàn thiện các tuyến đường trong năm 2024, giúp xã đạt tiêu chí về giao thông theo kế hoạch.

Ông Tòng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khay, chia sẻ: Xã đã kiến nghị với huyện đầu tư xây dựng các tuyến đường trọng yếu, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế của nhân dân. Đồng thời, phối hợp thí điểm xây dựng các mô hình kinh tế rừng, chăn nuôi trâu, bò, giúp bà con nâng cao thu nhập.

Đối với 2 xã còn lại là Cà Nàng và Nặm Ét, do địa hình bị chưa cắt, đồi núi phức tạp, nên vẫn chưa có mô hình sản xuất thực sự hiệu quả. Hiện nay, xã Cà Nàng mới đạt 11/19 tiêu chí, xã Nặm Ét đạt 10/19 tiêu chí. Huyện Quỳnh Nhai đã định hướng các xã phát triển các mô hình kinh tế, như: Trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây mắc ca, dược liệu, khoanh nuôi bảo vệ rừng để có thêm nguồn thu từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chỉ đạo các đoàn thể nhận ủy thác các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống.

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Huyện đang tiếp tục ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình, dự án, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa và hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong đó, tập trung ưu tiên các xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và các tiêu chí về hạ tầng xã hội ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, nhưng bị giảm so với bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/tap-trung-nguon-luc-xay-dung-nong-thon-moi-o-xa-vung-iii-eUEvu5JSg.html