Tập trung nguồn lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

KTĐT - Để thực hiện các Kết luận và Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, ngày 10/2, Thủ tướng đã ký Quyết định số 228/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch về nhiệm vụ này.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương trong vùng có trách nhiệm tập trung xây dựng cơ chế liên kết phối hợp để điều phối các hoạt động chung trong vùng nhằm giải quyết những vấn đề mang tính chất vùng và liên vùng, đồng thời phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương... Duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững; phát triển có trọng tâm, trọng điểm đối với một số ngành mũi nhọn có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển. Ưu tiên hỗ trợ đối với vùng sản xuất lúa gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạn chế việc chuyển đất lúa để làm công nghiệp, đô thị, giữ gìn, bảo vệ đất trồng lúa. Hình thành và phát triển một số sản phẩm chủ lực của vùng mang thương hiệu Việt Nam, có sức cạnh tranh quốc tế.

Chú trọng đẩy nhanh tốc độ phát triển các tỉnh Nam ĐBSH, phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vai trò của trục động lực phát triển kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong việc phát triển kinh tế của Vùng; tăng cường đầu tư giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Vùng và cả nước; tiếp tục đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, y tế chất lượng cao đạt trình độ khu vực và quốc tế ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam... Phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh để giảm tải cho các bệnh viện tuyến T.Ư; chú trọng phát triển lĩnh vực y tế tư nhân…
Cùng với đó, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, sạch, phát thải thấp, tăng cường khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nâng cao thu nhập của người lao động và chất lượng cuộc sống dân cư; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc; tăng cường thông tin, liên kết, phối hợp, hỗ trợ giữa các địa phương trong hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại…

Vùng ĐBSH gồm 11 tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình. Tổng diện tích 23.336km2, chiếm 7,1% diện tích của cả nước.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/chinh-tri/tin-tuc/2014/02/81022a73/tap-trung-nguon-luc-phat-trien-vung-dong-bang-song-hong/