Tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 10

Ngày 16-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát, kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiệt hại của cơn bão số 10 tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân

Sáng 16-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác đã kiểm tra việc khắc phục hậu quả của bão số 10 tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh - nơi chịu thiệt hại nặng nhất của tỉnh Hà Tĩnh do ảnh hưởng của bão. Tại đây, Thủ tướng đề nghị lực lượng làm nhiệm vụ nỗ lực triển khai việc tái thiết các phòng học, nhà điều hành, công trình xây dựng của nhà trường đã bị tốc mái; khẩn trương khôi phục hoạt động để học sinh sớm đi học trở lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, tặng quà cho gia đình ông Trần Đình Ngân, thương binh 2/4, ở thôn Thắng Lợi, xã Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, tặng quà cho gia đình ông Trần Đình Ngân, thương binh 2/4, ở thôn Thắng Lợi, xã Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Thăm và tặng quà một số hộ dân, gia đình chính sách, hộ kinh doanh tại huyện Kỳ Anh chịu thiệt hại về tài sản, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh tập trung mọi nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho bà con trong thời gian sớm nhất.

Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị, Chính phủ hỗ trợ cây, con giống để triển khai mùa vụ mới, hỗ trợ kinh phí bảo đảm an toàn các hồ chứa, hạ tầng điện; hỗ trợ khắc phục trạm phát sóng của thị xã Kỳ Anh bị sập đổ hoàn toàn. Trước mắt, tỉnh mong muốn sớm có điện để đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trở lại bình thường.

Sau khi nghe lãnh đạo các bộ báo cáo và đề xuất giải pháp khắc phục, Thủ tướng nhấn mạnh, bão số 10 có cường độ lớn, nhưng Trung ương và các địa phương đã có sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời với nhiều biện pháp sáng tạo. Hệ thống phòng, chống thiên tai được phát huy, đặc biệt tinh thần "4 tại chỗ" đã thấm đến người dân và hệ thống chính trị, do đó, đã hạn chế được thiệt hại.

Biểu dương các cơ quan chức năng đã chủ động phòng, chống bão, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương tổng kết, rút kinh nghiệm trong phòng, chống bão từ công tác phòng, chống bão số 10. Chỉ đạo những công việc sau bão, Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị tiếp tục hỗ trợ nhân dân, trong đó lực lượng quân đội, công an huy động đủ quân số cần thiết, với tinh thần là "không được để nhân dân sống màn trời, chiếu đất, đứt bữa, đói cơm, lạt muối"; không để ô nhiễm môi trường gây bệnh tật; khôi phục trường học, phục hồi sản xuất, nhất là vụ đông.

Thủ tướng giao nhiệm vụ, trong vòng 5 ngày nữa, các cơ quan chức năng phải bảo đảm 100% các hộ dân có điện trở lại. Ngành Y tế bảo đảm thuốc chữa bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp các địa phương bảo đảm cây, con giống cho sản xuất, bảo vệ các công trình thủy lợi. Bộ Công Thương bảo đảm an toàn hồ, đập thủy điện… Thủ tướng đồng ý hỗ trợ lượng gạo cần thiết cho tỉnh Hà Tĩnh, hỗ trợ trực tiếp 40 tỷ đồng để xây dựng hai cột ăng ten phát sóng.

Rời Hà Tĩnh, trưa 16-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác tiếp tục đến kiểm tra việc khắc phục hậu quả bão số 10 tại thị xã Cửa Lò - một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất của tỉnh Nghệ An. Thủ tướng đến thăm Trường Tiểu học Nghi Hải, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò. Tại đây, nhiều dãy nhà của trường đã bị tốc mái tôn, cây xanh đổ ngã… thiệt hại khoảng hơn 1 tỷ đồng. Thủ tướng động viên các giáo viên nỗ lực khắc phục hậu quả; thống kê thiệt hại, đề xuất chung với tỉnh để trình xem xét hỗ trợ.

Thủ tướng đánh giá, tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc tiếp thu tinh thần chỉ đạo ứng phó với bão số 10 của Trung ương nên đã hạn chế thiệt hại, nhất là về con người. Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục huy động các lực lượng vào cuộc để dọn vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa trường học, bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh vào ngày thứ hai (18-9); bảo đảm điện, nước sinh hoạt cho nhân dân. Thủ tướng yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo các huyện liên quan, phân công lãnh đạo đi kiểm tra. Cùng với đó, hệ thống chính trị phối hợp, phân công khắc phục hậu quả, sớm bảo đảm sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trở lại bình thường.

Tại chuyến thị sát, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh kiến nghị với Thủ tướng ba vấn đề. Đó là xây dựng hệ thống cảnh báo lũ ở Kỳ Sơn và trên sông Hiếu nhằm phòng, chống lũ ống, lũ quét; nâng cấp hệ thống đê biển của tỉnh vì hiện nay mới chịu được bão cấp 10. Đánh giá đây là những vấn đề lớn và rất cấp thiết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tập hợp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh để trình Thủ tướng.

Tiếp tục có mưa vừa, mưa to

Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính sơ bộ đến tối 16-9, bão số 10 đã làm 4 người chết, 21 người bị thương, 121.322 ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng, 6.271 ngôi nhà bị ngập… Về cơ sở hạ tầng, bão số 10 gây ra 27 sự cố đê điều: 5.417m đê, 1.147m kè bị sạt lở, cuốn trôi, hư hỏng 5 cống thủy lợi… Bên cạnh đó, mưa bão đã gây hư hỏng, thiệt hại gần 6.600ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp, ăn quả...

Công nhân điện lực miền Trung khắc phục sự cố cột điện bị đổ sau bão tại Quảng Bình.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, trong ngày 16-9, 1.300 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang đã tăng cường cho thị xã Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Sơn giúp nhân dân khắc phục, sửa chữa hư hỏng ở các trường học, nhà ở, dọn dẹp cây xanh bị đổ gãy, vệ sinh môi trường… Trong khi đó, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) đã điều động 600 cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả bão số 10. Trong ngày 16-9, lực lượng quân đội và nhân dân đã dựng lại hơn 10.000 cây cao su bị đổ và thu gom hàng ngàn cây bị gãy. Còn tại tỉnh Nghệ An, gần 400 cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng đã được điều động xuống các địa phương giúp dân khắc phục hậu quả bão số 10…

Ngay sau khi bão tan, các địa phương đã khẩn trương kiểm tra tình hình thiệt hại, thăm hỏi các gia đình có người bị chết, bị thương, giúp đỡ nhân dân tu sửa nhà cửa, ổn định đời sống, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất… Bộ Công Thương cho biết, đến chiều 16-9, Tâp đoàn Điện lực Việt Nam đã khôi phục, vận hành bình thường lưới điện 500kV và 220kV. Riêng cột số 48 đường dây 220kV Vũng Áng - Đồng Hới bị gãy đổ dự kiến khôi phục xong vào ngày 18-9 (các phụ tải đã được chuyển cấp điện từ đường dây khác).

Về lưới điện phân phối, ngành Điện đã khôi phục, vận hành bình thường các đường dây 110kV và lưới điện trung áp 4 địa phương: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng. Trong khi đó, điện lực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vẫn đang tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả, ưu tiên các phụ tải bệnh viện, trạm bơm tiêu úng, thông tin liên lạc...

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết những ngày tới, khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, dự báo hôm nay (17-9), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đặc biệt là huyện Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh); TP Thanh Hóa (Thanh Hóa)… tiếp tục xảy ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng thấp, khu đô thị. Một số địa bàn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Ngày 16-9, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 66/CĐ-TƯ lệnh Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng toàn bộ 2 cửa xả đáy, trong đó đóng 1 cửa vào hồi 9h và 1 cửa còn lại vào hồi 15h ngày 16-9; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng - hạ lưu đập, kịp thời thông tin tới Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai để có phương án chỉ đạo…

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/878064/tap-trung-moi-nguon-luc-khac-phuc-hau-qua-con-bao-so-10