Tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm

Năm 2013, Ủy ban Kiểm tra các địa phương, đơn vị đã kiểm tra 14.227 đảng viên và 4.201 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, kết luận, có 11.311 đảng viên vi phạm, 5.761 trường hợp phải thi hành kỷ luật; 2.860 tổ chức đảng có vi phạm, 269 tổ chức đảng phải thi hành kỷ luật. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng.

Năm 2013, Ủy ban kiểm tra các cấp chủ động nắm tình hình để phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm và kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra năm tổ chức đảng và 14 đảng viên; trong số ba tổ chức đảng và bảy đảng viên đã kết luận, có một tổ chức đảng và ba đảng viên vi phạm đến mức phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Ủy ban kiểm tra các địa phương, đơn vị kiểm tra 14.227 đảng viên (có 6.328 cấp ủy viên các cấp) và 4.201 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, kết luận số đảng viên có vi phạm là 11.311, phải thi hành kỷ luật 5.761 trường hợp. Nội dung vi phạm chủ yếu là thiếu trách nhiệm; buông lỏng lãnh đạo; không chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm; việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; chấp hành chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình... Trong tổng số 2.860 tổ chức đảng có vi phạm, thì 269 tổ chức đảng phải thi hành kỷ luật.

So với năm 2012, số cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên tăng cao. Nhiều ủy ban kiểm tra đã coi trọng việc lựa chọn nội dung, lĩnh vực có dư luận bức xúc và qua tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng để kiểm tra. Một số ủy ban kiểm tra tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra đối với ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy; thẩm tra, xác minh một cách thận trọng, khách quan, kết luận rõ đúng, sai, xử lý nghiêm tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; số tổ chức đảng và đảng viên vi phạm qua kiểm tra chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong năm 2013 chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Một số nơi chưa chú trọng nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm. Có nơi vi phạm xảy ra khá lâu, nhưng không, hoặc chậm phát hiện, khi có dư luận, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh, hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền đã rõ hoặc đến mức phải xử lý kỷ luật mới kiểm tra, nên hạn chế tác dụng phòng ngừa vi phạm. Một số tổ chức đảng ở cơ sở yếu kém, có nơi mất đoàn kết, mất dân chủ, sức chiến đấu giảm sút, nhưng chưa kiểm tra kịp thời. Có nơi lúng túng về nội dung, thẩm quyền khi quyết định kiểm tra; quá trình kiểm tra còn kéo dài thời gian, chậm kết luận, gây bức xúc cho đối tượng kiểm tra. Cấp ủy viên, cán bộ do cấp ủy quản lý từ cấp huyện trở lên được kiểm tra còn ít; không ít ủy ban kiểm tra địa phương, đơn vị trực thuộc Trung ương chưa thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và một số ủy ban kiểm tra chưa kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Nguyên nhân của tình hình nêu trên trước hết là do một số cấp ủy chưa quan tâm tạo điều kiện cho ủy ban kiểm tra thực hiện tốt việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, thậm chí còn cản trở, gây khó khăn. Một số cán bộ kiểm tra có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, không chủ động quyết định kiểm tra theo thẩm quyền. Một số ủy ban kiểm tra cấp trên chưa chủ động đề nghị cấp ủy cấp dưới tạo điều kiện cho ủy ban kiểm tra cấp mình thực hiện tốt nhiệm vụ, chưa chủ động chỉ đạo, hỗ trợ ủy ban kiểm tra cấp dưới; còn lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên, nhất là cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm. Chất lượng giám sát và kiểm tra chưa cao, cho nên ít phát hiện được dấu hiệu vi phạm. Một số cán bộ kiểm tra còn lúng túng về kỹ năng, phương pháp và kiến thức chuyên môn trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm để đề xuất ủy ban kiểm tra xác định và quyết định việc kiểm tra. Việc phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng, cơ quan liên quan trong phát hiện, cung cấp, trao đổi thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên còn hạn chế và chưa kịp thời, thậm chí còn né tránh.

Để chủ động kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, ủy ban kiểm tra các cấp cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu. Đó là, cấp ủy các cấp cần nhận thức đúng và nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Ủy ban kiểm tra các cấp chủ động, tích cực thực hiện công tác giám sát thường xuyên và theo chuyên đề, cả giám sát trực tiếp và gián tiếp; chủ động phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm để quyết định và tiến hành kiểm tra kịp thời, có kết quả. Những nơi cấp ủy có biểu hiện cản trở, gây khó khăn, thì ủy ban kiểm tra cấp dưới chủ động báo cáo ủy ban kiểm tra cấp trên để có ý kiến với cấp ủy cấp dưới, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ ủy ban kiểm tra cấp dưới tiến hành kiểm tra. Khi cần thiết, ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp chủ trì kiểm tra và ủy ban kiểm tra cấp dưới tham gia. Tập trung phát hiện dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, công tác tổ chức cán bộ trong các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Ủy ban kiểm tra các cấp cần chủ động phối hợp với các tổ chức đảng, cơ quan liên quan trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm. Ủy ban kiểm tra các cấp chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra, nhất là kỹ năng nghiệp vụ về nhận biết, phát hiện, lựa chọn nội dung, đối tượng để đề xuất ủy ban kiểm tra xác định, quyết định kiểm tra kịp thời, chuẩn xác. Ủy ban kiểm tra chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.

CAO VĂN THỐNG Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/22356002-tap-trung-kiem-tra-khi-co-dau-hieu-vi-pham.html